Xuân về trên vùng đất nông thôn mới Hà Nam

Thứ hai, 15/02/2021 21:12
(ĐCSVN) - Là địa phương thứ tư trên cả nước được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM), đời sống của người dân Hà Nam đã khác xưa nhiều lắm. Cái Tết này cũng là cái Tết đáng nhớ của biết bao người...

Xã NTM kiểu mẫu của huyện nông thôn mới

Những ngày Tết này, ông Nguyễn Sơn Hà, xã An Đổ, huyện Bình Lục vừa có thể tiếp người thân, bạn bè đến chúc Tết, vừa quan sát được nhất cử, nhất động của đàn gà cả ngàn con trong chuồng qua màn hình TV, điện thoại. Trại chăn nuôi gà tự động của gia đình ông có quy mô 4ha nhưng chỉ cần một người điều khiển, kiểm soát nhiệt độ, ánh sáng, vệ sinh, độ ẩm... cho cả đàn. Các sự cố như mất điện, thiếu nước, thiếu thức ăn... lập tức có tín hiệu báo ngay cho người quản lý.

"Chăn nuôi bây giờ khác xưa nhiều, là nuôi theo quy trình, công nghệ khép kín, nuôi trong chuồng kín dùng hệ thống điều hành, theo dõi qua camera từ xa. Nông dân giờ nhàn rồi, không phải đầu tắt mặt tối, việc gì cũng phải nhúng tay vất vả nữa. Nếu thuận lợi cả năm lợi nhuận thu về cũng tiền tỷ đấy", ông Hà hồ hởi nói.

Hộ chăn nuôi của gia đình ông Hà chỉ là một trong số rất nhiều hộ dân ở An Đổ thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao với phát triển công nghiệp, dịch vụ; gắn sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn với đảm bảo môi trường nông thôn trong sạch, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Cũng chính những hộ dân như hộ ông Hà đã góp phần để An Đổ cán đích trở thành xã NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2020.

Trang trại gà của ông Nguyễn Sơn Hà được trang bị các thiết bị theo dõi, điều khiển từ xa

Đồng chí Phạm Xuân Sinh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Được đón nhận xã NTM kiểu mẫu là niềm vui to lớn của người dân An Đổ. Vì thành tích này mà nhiều người nói với nhau rằng, Tết này sẽ ăn Tết to, con cháu ở xa cũng bảo nhau nhất định phải về xem xã mình khác trước thế nào". 

Tại mảnh đất này, xây dựng NTM tiến tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu là cả một quá trình xuyên suốt. An Đổ được UBND tỉnh Hà Nam công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014, sớm 01 năm so với kế hoạch. Tiếp tục được huyện chọn là xã điểm trong thực hiện xây dựng xã NTM kiểu mẫu, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, đồng hành cùng với người dân nỗ lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt được.

Xác định tiêu chí sản xuất là tiêu chí nổi trội, xã đã quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung với tổng diện tích 498 ha, năng suất đạt từ 120 tạ/ha/năm trở lên. Hằng năm sản xuất được 5.900 tấn lương thực. Từ năm 2016, xã đã quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu với diện tích 180 ha lúa hàng hóa sản xuất 2 vụ rồi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ nông sản cho nông dân đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất đại trà 1,5 lần. Các sản phẩm chủ lực trong chăn nuôi cũng được chú trọng, xã có mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng với quy mô 65-80 nghìn con/năm, sản lượng trứng 20-25 triệu quả, 2.000 tấn thịt, lợi nhuận gấp 2 lần với sản phẩm đại trà khác. 

"Hiện An Đổ đang có gần 5 nghìn người trong độ tuổi lao động, mức thu nhập bình quân 250 nghìn – 300 nghìn đồng/người/ngày, lao động qua đào tạo đạt 70,5%, số lao động có việc làm thường xuyên là 4.817 lao động. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 77,3 triệu đồng, không còn hộ nghèo đa chiều, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt", đồng chí Phạm Xuân Sinh thông tin. 

Đoạn đường xã NTM kiểu mẫu 

Theo Bí thư Huyện ủy Lê Xuân Huy, với phương châm “Phát huy tối đa mọi nguồn lực", trong đó nhân dân là chủ thể, Bình Lục đã thực hiện tốt vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước điều hành, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể phối hợp tuyên truyền, vận động, giúp Nhân dân hiểu được tầm quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong quá trình xây dựng NTM, đặc biệt chú trọng gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, không chạy theo hình thức, không huy động quá sức dân, không để nợ đọng xây dựng cơ bản...

Đến nay 18/18 xã của huyện Bình Lục đều về đích NTM. Huyện hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM và đón nhận danh hiệu huyện NTM vào tháng 6/2020. Cảm nhận rõ nét nhất khi về Bình Lục đó là bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới. 100% tuyến đường huyện và các xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường trục thôn, xóm, đường ngõ xóm được bê tông hóa và đường trục chính nội đồng được cứng hóa. Nhiều tuyến đường, người dân cùng chung tay để rải thảm bê tông Asphalt chất lượng cao, ven đường trồng hoa, hàng rào xanh, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa có liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh được đầu tư nâng cấp.

"Trong quá trình xây dựng, huyện đã huy động trên 1.645 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 386 tỷ đồng; đầu tư kiên cố hóa được gần 114km kênh mương; xây dựng mới gần 590 phòng học, phòng chức năng; xây dựng mới 12 trạm y tế và nâng cấp 6 trạm y tế; xây dựng các nhà văn hóa, khu trung tâm văn hóa - thể thao… Cùng với đó, Bình Lục tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân từ 11,5 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 50,9 triệu đồng năm 2020", đồng chí Lê Xuân Huy cho hay.

 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM 

Địa phương thứ tư được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Đến nay, 83/83 xã của tỉnh Hà Nam đã được công nhận đạt chuẩn NTM. 6/6 huyện, thị xã, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Ngày 31/12/2020 vừa qua, Hà Nam là địa phương thứ tư trong cả nước được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Để có được kết quả đó, đồng chí Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM là chừng ấy thời gian Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Nam đã đoàn kết, đồng sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu đạt kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực. 

"Diện mạo nông thôn thay đổi tích cực, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và các công trình phúc lợi công cộng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn năm 2020 tăng xấp xỉ 3,7 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh từ 10,68% năm 2010 xuống còn khoảng 1,84% năm 2020. Khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp. Tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM đạt trên 30.935 tỷ đồng. Bình quân huy động nguồn lực đạt trên 2.812 tỷ đồng/năm...", đồng chí Trương Quốc Huy minh chứng.

Đồng chí Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam chia sẻ về mục tiêu xây dựng nông thôn mới thời gian tới 

Mục tiêu mà Hà Nam đặt ra là phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 35 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 12-15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 68 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí NTM còn dưới 0,5%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% trở lên; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải khu vực nông thôn đạt từ 95% trở lên... 

Với mục tiêu đó, tỉnh sẽ tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu thị trường trong nước, quốc tế nhằm nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Coi trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM, phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái; lấy công nghiệp làm nền tảng giúp cho nông nghiệp, nâng cao đời sống Nhân dân; đẩy mạnh phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó ưu tiên đầu tư sớm, đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm giao thông vận tải, kết nối vùng, khu vực và trung tâm kinh tế; tập trung cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính; phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực...

Nhận định những khó khăn, thách thức đặt ra không phải là ít nhưng nói như Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam: "Muốn làm gì thì làm người dân phải đồng thuận. Khi người dân đồng thuận thì việc triển khai sẽ nhanh, hiệu quả sẽ tốt".

Minh Châu
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực