(ĐCSVN) - Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phu nhân bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16-17/1/2013.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (nay là đương kim Thủ tướng Nhật Bản) tháng 11/2010, tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN) |
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau khi được bầu làm Thủ tướng Nội các Nhật Bản (26/12/2012) và là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai trên cương vị Thủ tướng của ông Shinzo Abe sau chuyến thăm tháng 11/2006 trong nhiệm kỳ trước.
Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư... Cũng nhân dịp này, hai Thủ tướng sẽ tuyên bố khai mạc Năm Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản 2013, kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Nhật Bản và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973. Từ đó đến nay, mối quan hệ giữa hai nước không ngừng được củng cố, tăng cường thông qua nhiều chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và hiệu quả hợp tác tích cực trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch và lao động.
Đặc biệt, từ năm 2002 đến nay, quan hệ giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển. Năm 2002, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Koizumi, hai nước đã thiết lập quan hệ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”. Năm 2004, hai bên xác định “Vươn tới tầm cao mới của quan hệ đối tác bền vững” (Tuyên bố chung cấp Ngoại trưởng tháng 7/2004). Tháng 11 năm 2006, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng hai nước ra Tuyên bố chung về “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”.
Năm 2007, nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tháng 11/2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Yasuo Fukuda dã ký Tuyên bố chung về việc “Làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam và Nhật Bản” và “Chương trình hợp tác hướng tới quan hệ đối tác chiến lược”.
Tháng 4 năm 2009, nhân chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Aso Taro đã ký Tuyên bố chung về “Quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á”, nhất trí đưa quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược. Nhật Bản là nước đầu tiên trong các nước G-7 thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Năm 2010, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tháng 10/2010, Thủ tướng hai nước ký “Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”.
Năm 2011, trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 10/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Noda đã ký “Tuyên bố chung triển khai hành động trong khuôn khổ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản”.
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G-7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Đến nay, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam (cả về tổng vốn đầu tư và vốn đã giải ngân), đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam.
Hai bên đã ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (tháng 12/2004), Hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật (VJEPA) (tháng 10/2009)... tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Hai bên đang hợp tác xây dựng Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030.
Về thương mại: Kim ngạch thương mại song phương năm 2011 là 21,181 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản đạt 10,78 tỷ USD và nhập khẩu đạt 10,40 tỷ USD, trở lại xuất siêu sau 2 năm liên tiếp nhập siêu trong quan hệ thương mại với Nhật Bản. Trong Tuyên bố chung năm 2011, hai bên đặt mục tiêu tăng ít nhất gấp đôi kim ngạch thương mại song phương đến năm 2020.
Kim ngạch thương mại hai nước 11 tháng đầu năm 2012 đạt 22,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 11,9 tỷ USD (tăng 16,5 so với cùng kỳ 2011), nhập khẩu đạt 10,6 tỷ USD (tăng 13,8% so với cùng kỳ 2011). Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là thủy sản, dệt may, dầu thô, cáp điện, than đá, đồ gỗ. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; vải các loại; linh kiện ô tô; nguyên liệu đất, da. Hai bên đã cơ bản hoàn thành Giai đoạn IV Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản về cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam và thỏa thuận khởi động Giai đoạn V Sáng kiến chung trong năm 2013. Lũy kế tính đến ngày 20/11/2012, Nhật Bản có 1.800 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 29 tỷ USD, đứng thứ 1/96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Trong năm 2012 (tính đến 15/12), Nhật Bản đăng ký mới 270 dự án và tăng vốn cho 108 dự án, dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,14 tỷ USD, chiếm 40% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Về viện trợ phát triển chính thức ODA: Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. ODA của Nhật Bản chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Từ năm 1992 đến năm 2011, Nhật Bản đã cam kết gần 20 tỷ USD vốn vay ODA cho Việt Nam. Trong năm tài khóa 2011 (kết thúc vào ngày 31/3/2012), mặc dù phải tập trung giải quyết hậu quả động đất, sóng thần ngày 11/3/2011, Nhật Bản vẫn dành cho Việt Nam khoản ODA vốn vay là 208,097 tỷ yên, tương đương 2,8 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.
Trong cuộc hội đàm cấp cao với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên lề Hội nghị cấp cao ASEM 9 ngày 6/1/2012, Thủ tướng Noda thông báo Nhật Bản đã quyết định dành cho Việt Nam vốn vay ODA đợt I tài khóa 2012 với tổng số tiền 1,2 tỷ USD (97,8 tỷ Yên). Dự kiến trong cả năm tài chính 2012, Nhật Bản có thể cung cấp khoản viện trợ vốn vay ODA khoảng 2,6 tỷ USD.
Về hợp tác khoa học, công nghệ: Kể từ khi Hiệp định giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Nhật Bản về khoa học và công nghệ được ký năm 2006 đến nay, Ủy ban hỗn hợp Việt - Nhật về hợp tác khoa học và công nghệ đã tổ chức họp 3 lần (lần 3 vào tháng 8/2011 tại Tokyo). Số lượng các nhà khoa học Việt Nam sang Nhật Bản và các nhà khoa học Nhật Bản sang Việt Nam để tiến hành các hoạt động nghiên cứu chung ngày càng tăng. Hiện Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ Việt Nam phát triển điện hạt nhân và an toàn bức xạ và hạt nhân; khai thác và chế biến đất hiếm; hợp tác về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, về Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trên cơ sở hỗ trợ ODA của Nhật Bản, Giai đoạn Dịch vụ kỹ thuật đang trong quá trình triển khai, tư vấn thiết kế đã hoàn thành thiết kế chi tiết vào tháng 10/2012. Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã chính thức được khởi công tháng 9/2012 vừa qua (Hiệp định vay vốn ODA ưu đãi được ký tháng 11/2011). Dự kiến, Dự án được triển khai từ năm 2011 - 2020 với tổng số vốn 54,4 tỷ yên gồm ba thành phần: xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và đầu tư phát triển nguồn nhân lực.
Về hợp tác lao động: Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cử khoảng 31.000 tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Hiện có khoảng 18.000 lao động, thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Trong những năm gần đây, số lượng lao động, thực tập sinh liên tục tăng (năm 2009: 5.500 người, năm 2010: 5.000 người, 2011: 7.000 người, 2012: 8.000 người). Hiện Việt Nam đang đề nghị Nhật Bản tiếp nhận thực tập sinh trong lĩnh vực nông - ngư nghiệp, chế biến nông - hải sản với số lượng nhiều trong thời gian tới.
Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế song phương EPA (10/2011). Việt Nam là nước Đông Nam Á thứ 3 sau Philippines và Indonesia phía Nhật Bản nhận điều dưỡng viên, hộ lý. Hiện khóa học đào tạo 12 tháng tại Việt Nam trước khi sang Nhật đối với ứng viên đã khai giảng tháng 12/2012 (150 người).
Về du lịch: Nhật Bản luôn nằm trong số 5 nước có lượng khách du lịch lớn nhất đến Việt Nam (chiếm gần 10% tổng lượng khách vào Việt Nam). Hai bên đã ký Tuyên bố chung về hợp tác du lịch Việt - Nhật (4/2005) tạo điều kiện cho việc thu hút khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam. Số lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam tăng đều trong những năm qua (năm 2010: 442.089 lượt, năm 2011: 481.519 lượt). Trong năm 2012, có 576.386 lượt khách Nhật Bản vào Việt Nam, tăng 19,7% so với năm 2011.
Về văn hoá, thông tin: Nhật Bản có nhiều dự án giúp Việt Nam nghiên cứu bảo tồn, tôn tạo các ngôi nhà ở dân gian truyền thống tiêu biểu ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Chính phủ Nhật Bản bắt đầu hợp tác và hỗ trợ cho việc bảo tồn di tích Hoàng Thành Thăng Long vào năm 2004. Năm 2006, Ủy ban hỗn hợp Việt - Nhật bảo tồn di tích Hoàng Thành Thăng Long đã được thành lập. Từ đó đến nay, Nhật Bản đã cử nhiều chuyên gia về khảo cổ học sang Việt Nam cùng điều tra, khai quật và nghiên cứu. Ngoài ra, hai bên cử nhiều đoàn sang thăm, làm việc, biểu diễn nghệ thuật, tham dự triển lãm, liên hoan phim, tổ chức lễ hội tại mỗi nước. Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản đã được tổ chức thường niên từ năm 2008; Đại nhạc hội Việt Nam - Nhật Bản được tổ chức vào năm 2008 và 2010. Hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (Hội chợ Fukuoka - Nhật Bản tại Việt Nam, cuộc thi làm phim toàn quốc dành cho học sinh Việt Nam, Lễ hội tiếng Nhật, Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản).
Về giáo dục đào tạo: Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức: hợp tác giữa hai Chính phủ, giữa các trường học, giữa các tổ chức, giữa các cá nhân. Những năm gần đây, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục và đào tạo của Việt Nam. Trong chuyến thăm Nhật Bản của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân (3/2008), hai bên đã ký Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản giúp Việt Nam đào tạo 1000 tiến sĩ cho đến năm 2020. Trên cơ sở đề nghị của Việt Nam về hợp tác phát triển trường đại học chất lượng cao tại Việt Nam, phía Nhật Bản đã quyết định chọn 4 trường để hỗ trợ nâng cấp là Đại học Cần Thơ, Đại học Đà Nẵng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Nông nghiệp Hà Nội; trước mắt sẽ bắt đầu thực hiện từ Đại học Cần Thơ. Hiện có khoảng 4000 lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản.
Việt Nam cũng đã mời nhiều giáo sư, chuyên gia Nhật Bản sang giảng dạy, tiếp nhận các học giả Nhật Bản sang tìm hiểu về văn hoá, lịch sử Việt Nam. Với sự trợ giúp của chính phủ Nhật Bản, Việt Nam đang thí điểm dạy tiếng Nhật tại một số trường phổ thông cơ sở tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Hai bên sẽ sớm thành lập nhóm chuyên gia nghiên cứu việc mở rộng giảng dạy tiếng Nhật tới cấp tiểu học và mở rộng sang các địa phương khác tại Việt Nam. Nhật Bản đã quyết định, từ tháng 5/2013, thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật, sẽ hỗ trợ Đại học Công nghiệp Hà Nội đào tạo giáo viên dạy nghề, qua đó, hỗ trợ nâng cấp 6 trường đào tạo nghề tại 5 tỉnh, thành (Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bà Rịa-Vũng Tàu). Ngoài ra, Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xem xét sớm ký Bản ghi nhớ với nội dung phía Nhật Bản tiến hành điều tra khảo sát và cung cấp thông tin cho Việt Nam về nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp Nhật Bản; mở rộng hợp tác đào tạo nghề giữa hai nước thông qua các dự án kiểu mẫu về việc doanh nghiệp Nhật Bản tiếp nhận lao động đã qua đào tạo của Việt Nam đến thực tập. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang giúp Việt Nam thực hiện dự án Trung tâm đào tạo logistics khu vực Mê Công.
Với mối quan hệ đối tác chiến lược phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, chúng ta tin tưởng chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Shinzo Abe cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Nhật Bản sẽ thành công tốt đẹp. Chuyến thăm sẽ góp phần củng cố và thắt chặt hơn nữa, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam – Nhật Bản. Đặc biệt, chuyến thăm càng có ý nghĩa trong thời điểm đầu năm mới 2013, năm hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản và kỷ niệm 40 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao./.