Ngày 20/9, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về công tác cán bộ người dân tộc trên địa bàn, đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm quy hoạch, sử dụng và phát triển cán bộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ người DTTS là cơ hội để
vùng cao phát triển toàn diện và bền vững trong thời kỳ mới.
Ảnh: baoquangnam.vn
Thời gian tới, Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở; quan tâm bồi dưỡng kiến thức pháp luật, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, kỹ năng xử lý tình huống. Cấp ủy, địa phương có giải pháp khắc phục khó khăn trong công tác bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển là người dân tộc thiểu số của tỉnh; hoàn thiện, ban hành Đề án tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số trong giai đoạn mới…
Bên cạnh đó, Quảng Nam chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ y bác sỹ, trong đó quan tâm xây dựng đội ngũ y bác sỹ là người dân tộc thiểu số; tuyển dụng cán bộ người dân tộc thiểu số vào làm việc tại cơ quan cấp tỉnh, địa phương, đơn vị đảm bảo số lượng, tỷ lệ hợp lý, đúng tiêu chuẩn quy định, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho cán bộ phát huy năng lực, sở trường công tác.
Quảng Nam cũng quan tâm rà soát, xét tuyển công chức cho tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã là người dân tộc thiểu số theo đối tượng thuộc Đề án 500 của UBND tỉnh, Dự án 600 và Đề án 500 của Trung ương; thực hiện luân chuyển cán bộ người dân tộc thiểu số đảm bảo đúng chủ trương, giải pháp theo Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25/1/2002 của Bộ Chính trị, trong đó quan tâm về thời gian luân chuyển và địa chỉ công tác cụ thể sau luân chuyển...
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang cho biết: Quảng Nam là địa phương có 9 huyện trung du và miền núi. Chính vì vậy, vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số rất quan trọng trong việc đoàn kết dân tộc, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Quảng Nam luôn quan tâm đến công tác cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, Quảng Nam tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam được điều động, tiếp nhận, tuyển dụng vào công tác ở cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh đóng trên địa bàn thành phố Tam Kỳ và do các sở, ngành, địa phương kết nghĩa nhận hướng dẫn học việc. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 34 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 8,4% so với tổng dân số toàn tỉnh./.