Hải Dương: Sản xuất nông nghiệp sạch cho hiệu quả kinh tế cao

Thứ tư, 24/02/2016 16:43
Hải Dương là địa phương có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Chính vì vậy sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng phát triển bền vững được thực hiện quyết liệt. Hiện tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh ở hầu khắp các huyện, thị như Nam Sách, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Miện…

Nông dân xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng) thu hoạch cà rốt vụ đông 2015. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Để có sản phẩm nông nghiệp sạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến khích các đơn vị trong và ngoài tỉnh sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm rau, thịt an toàn theo mô hình chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Cùng với việc tư vấn kỹ thuật sản xuất VietGAP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh còn thực hiện cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. 


Hải Dương hiện có khoảng 40.000 ha rau với sản lượng 700.000 tấn và là một trong những vựa rau lớn nhất phía Bắc; trong đó, diện tích hành tỏi trên 6.000 ha cho sản lượng gần 70.000 tấn/năm, cà rốt 1.500 ha cho thu hoạch trên 50.000 tấn. Các sản phẩm khác như cải bắp, su hào, súp lơ,… cũng đã hình thành những vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa cho thu nhập cao. 

Bà Vũ Thị Khanh (thôn An Lãng, xã Đức Chính, huyện Nam Sách) chia sẻ, từ khi gia đình trồng cà rốt theo mô hình rau sạch cho thu nhập cao hơn nhiều so với trước kia. Mặc dù trồng cà rốt sạch vất vả hơn so với phương pháp truyền thống vì phải áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định và hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp nhưng năng suất mỗi vụ lại cao hơn từ 30-40%. Đặc biệt, giá bán sản phẩm sạch cao hơn gấp rưỡi so với loại thông thường trước kia. 

Chị Nguyễn Thị Vê, xã Đức Chính phấn khởi cho hay trồng rau sạch tuy phải bỏ ra công sức nhiều hơn nhưng khi bán lại thuận lợi và được giá hơn. Hiện đã có một số doanh nghiệp đến tận nơi bao tiêu sản phẩm, vì vậy các hộ gia đình cũng bớt lo sản phẩm làm ra không bán được; tình trạng tư thương ép giá cũng không còn. Nhà nước cần mở rộng hơn nữa các mô hình sản xuất rau sạch để đảm bảo tốt về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như nâng cao thu nhập cho người dân - chị Vê mong muốn. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương xác định, ngoài việc tuân thủ chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất thì kết hợp giữa doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng là yếu tố quyết định nâng cao giá trị của hàng hóa. 

Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tỉnh Hải Dương đã tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, hướng dẫn lập dự án; giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình tiến hành cũng như xây dựng vùng nguyên liệu; kết nối các bạn hàng trong hệ thống tiêu thụ sản phẩm. Sở cũng chỉ đạo các xã, thị trấn tạo điều kiện cho doanh nghiệp về ký hợp đồng bao tiêu, vận chuyển nông sản và tiêu thụ cho nông dân. Ba năm gần đây, Hải Dương đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản chủ lực, cùng liên kết với các tỉnh bạn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. 

Hiện, Hải Dương đã đưa được một số sản phẩm nông sản sang các thị trường khó tính như Mỹ, Australia và một số nước châu Âu. Năm 2016, Hải Dương tập trung xúc tiến thương mại để đưa hành, cà rốt, tỏi xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu. Việt Nam đã hội nhập kinh tế thế giới, cơ hội cho sản phẩm nông sản rất lớn nhưng cũng phải vượt qua thách thức về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn kỹ thuật cao... và cần sự nhập cuộc của cả nhà nước, doanh nghiệp lẫn người dân sản xuất./. 

Tiến Vĩnh/TTXVN
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực