Cây măng tây "hợp đất" Phúc Thọ - Hà Nội

Thứ năm, 17/09/2015 15:20

Để giúp người dân làm giàu trên mảnh đất quê hương, chính quyền huyện Phúc Thọ (Hà Nội) tìm kiếm loại giống cây trồng mới cho giá trị kinh tế cao ứng dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Phúc Thọ mạnh dạn đưa nhiều loại cây trồng mới như chanh đào, dâu, phật thủ, đặc biệt là cây măng tây xanh thay thế một phần diện tích cây trồng truyền thống. Sau thời gian trồng thử nghiệm, cây măng tây phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, đang sinh trưởng, phát triển tốt, bước đầu cho những tín hiệu khả quan.

 

 Vườn măng tây cho thu tiền triệu mỗi ngày của gia đình ông Căn.
(Nguồn: nongnghiep.vn)


Đầu năm 2015, cây măng tây mới được đưa vào trồng ở Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ) nhưng đang mở ra một hướng đi tích cực cho bà con nông dân nơi đây. Hiện măng tây bắt đầu cho thu bói, với năng suất trung bình 20 kg/ha/ngày, khi cây trồng trưởng thành có thể cho thu hoạch 80 kg/ha/ngày, giá bán dao động 50.000 - 70.000 đồng/kg.

Theo chuyên gia nông nghiệp, cây măng tây dễ chăm sóc ươm giống trong bầu khoảng 2 - 3 tháng, sau đem trồng ra đất từ 4 - 6 tháng thì cây bắt đầu cho măng tơ và thu hoạch liên tục mỗi ngày; có thể cho thu hoạch kéo dài từ 6 - 8 năm, thậm chí đến 10 - 20 năm.

Bên cạnh đó, sản lượng măng tây tăng dần từ 20 - 25 - 30 tấn/ha/năm từ năm thứ 2 đến thứ 4; lên 35 - 40 - 45 tấn/ha/năm từ năm thứ 5 đến thứ 10, tuỳ theo đất trồng và cách chăm sóc. Từ năm thứ 10 hoặc 15 trở đi, khi năng suất và chất lượng măng giảm cần phá bỏ cây cũ trồng lại cây mới sau khi đất đã luân canh cải tạo bằng 1 - 2 vụ cây trồng khác như các loại cây họ đậu…

Măng tây là một loại rau với hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể ăn tươi như rau sống, hoặc hấp, luộc... Cây măng tây giàu dinh dưỡng chứa nhiều chất xơ cần thiết cho hệ tiêu hóa và phòng trị tốt chứng táo bón, giúp lợi tiểu, các bệnh tiểu đường, suy gan và đau bàng quang... Đặc biệt, các nhà khoa học đã chiết xuất được 141 hợp chất hóa học quý hiếm từ cây măng tây; trong đó, 31 hợp chất hóa học trực tiếp có tác dụng phòng chống và điều trị bệnh ung thư.

Bà Nguyễn Thị Lành, xã Hiệp Thuận (Phúc Thọ) cho biết, so với các loại cây trồng truyền thống như lúa, ngô, hoa màu, măng tây xanh cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần, dễ chăm sóc tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh. Cây măng tây sinh trưởng và phát triển mạnh trên các loại đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng và điều kiện chăm sóc chu đáo. Một năm cây sẽ cho thu hoạch liên tục trong 9 tháng, 3 tháng còn lại là thời gian cây nghỉ ngơi lấy dinh dưỡng nuôi thân.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thuận Bùi Thị Lăng cho biết, hiện nay, toàn xã Hiệp Thuận có 4,7 ha trồng măng tây xanh đang bắt đầu cho thu bói, mỗi ngày cung cấp khoảng gần 100 kg măng ra thị trường. Toàn bộ số măng này được doanh nghiệp đứng ra thu mua và cũng ký cam kết bao tiêu sản lượng măng tây ở địa phương. Bên cạnh đó, nhiều tiểu thương đến đặt hàng để bán lẻ tại các chợ và nếu không gọi điện đặt trước thì khó có hàng để mua.

Cũng theo bà Bùi Thị Lăng, thời gian đầu, bà con huyện Phúc Thọ chưa ưa chuộng trồng cây măng tây. Bởi đây là cây trồng mới và giá thành đầu tư khá cao (khoảng 30 triệu đồng/sào) nên người dân còn dè dặt trong sản xuất đại trà. Để tạo được sự tin tưởng, cán bộ địa phương tự nguyện đi tiên phong. Sau thời gian trồng thử nghiệm, loại cây này rất hợp với thổ nhưỡng nơi đây, sinh trưởng, phát triển rất tốt, bước đầu cho những tín hiệu khả quan.

Tuy nhiên, sản phẩm măng tây xanh Hiệp Thuận hiện còn khá mới mẻ trên thị trường vì chưa xây dựng được thương hiệu. Do vậy, giá bán sản phẩm thấp hơn so với các địa phương khác. Để người dân yên tâm mở rộng diện tích trồng măng tây xanh ở địa phương thì việc sản phẩm sớm được cấp nhãn hiệu và công nhận nguồn gốc xuất xứ là điều rất cần thiết. Trồng măng tây xanh đang mở ra một hướng đi mới tích cực cho bà con nông dân trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần nâng năng suất, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực