Hiệu quả chương trình 135 ở xã nghèo Trung Sơn, Tuyên Quang

Thứ ba, 14/06/2016 21:22
Trung Sơn là một xã thuộc vùng 135, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua nhiều chương trình dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, đời sống của người dân và diện mạo của xã Trung Sơn đã có nhiều khởi sắc.

 

 Những ngôi nhà khang trang đã khiến bộ mặt nông thôn của xã có nhiều khởi sắc.
 Ảnh: Văn Tý /TTXVN

Được nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, 115 hộ dân thuộc 8 dân tộc ở thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn rất phấn khởi vì giờ đây đồng bào đã có nhà văn hóa khang trang để sinh hoạt cộng đồng. Hơn 400 m đường bê tông nông thôn ở xã được hoàn thành đã thay con đường cấp phối lầy lội trước đây. Có đường sá đi lại thuận lợi, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo. 

Gia đình ông Hoàng Văn Đức, dân tộc Mông ở thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn là một trong những hộ mới thoát nghèo năm 2015 và là một trong 10 hộ của thôn đã được hỗ trợ theo chương trình nước phân tán, được hỗ trợ kinh phí đào giếng khoan, đường ống dẫn nước và téc chứa nước cho biết, mùa khô ở vùng này nguồn nước rất hiếm hoi, người dân phải đi xin từ các khu vực khác trong xã về sử dụng, chất lượng nguồn nước cũng không đảm bảo vệ sinh nên chỉ dùng để tắm giặt chứ không dám dùng để ăn uống. Từ ngày được Chính phủ hỗ trợ, đồng bào đã có nước sạch sử dụng. 

Còn ở thôn Lâm Quang, xã Trung Sơn, nhờ có nguốn vốn 135 đầu tư trang bị máy cày, máy tuốt mà giờ đây vào mùa vụ, công việc làm đất, thu hoạch nông sản của bà con thôn Lâm Quang trở nên dễ dàng, hơn 100 hộ trong thôn không còn chịu cảnh "con trâu đi trước cái cày theo sau" nữa. 

Anh Triệu Văn Đức, Trưởng thôn Lâm Quang, huyện Yên Sơn cho biết: Từ đầu năm 2015, thôn Lâm Quang được nhà nước đầu tư cho 2 máy cày, 1 máy tuốt lúa. Trước đây, người dân phải lo làm rất sớm nếu không là không kịp mùa vụ, nhưng giờ có máy làm đất rồi, máy làm không kể ngày đêm, tốc độ làm lại nhanh kịp thời vụ. Việc tuốt lúa cũng không như ngày xưa, bây giờ người dân đã có máy tuốt vừa nhanh vừa hiệu quả, bà con còn có thời gian để làm việc khác. 

Xác định nguồn vốn đầu tư từ chương trình 135 là một trong những nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của xã, chính quyền địa phương đã chủ động ưu tiên cho vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn để đầu tư, thực hiện lồng ghép các chương trình như hỗ trợ đất ở đất sản xuất, nước sinh hoạt, các dự án nông nghiệp và nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới cho để bà con điều kiện để nâng cao thu nhập. 

Ông Nguyễn Văn Dần, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn cho biết, để thực hiệu có hiệu quả chương trình 135, xã Trung Sơn đã thực hiện theo phương châm khi có nguồn vốn hỗ trợ thì cộng đồng dân cư sẽ tiến hành họp và quyết định về hạng mục, nội dung cần đầu tư sau đó về đăng ký thực hiện về UBND xã phê duyệt và trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện. Trong quá trình thực hiện, xã thành lập ban giám sát, thường xuyên giám sát trong quá trình thi công xây dựng các hạng mục, nhờ đó hầu như tất cả các công trình bằng nguồn vốn chương trình 135 đều phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế xã hội toàn xã. 

Xã Trung Sơn cũng chú trọng thực hiện công tác giảm nghèo với nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể, tạo điều kiện để người dân vay vốn với dự nợ trên 18 tỷ đồng và hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh cây trồng vật nuôi theo hướng có giá trị kinh tế cao. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm đáng kể. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số là trên 390 hộ chiếm 48,2%, đến năm 2015 giảm xuống còn 115 hộ, tỷ lệ 12,6%. 

Là một trong những xã có điểm xuất phát thấp nhưng trong những năm qua, việc thực hiện hiệu quả chương trình 135 đã tạo đòn bẩy cho kinh tế, xã hội của xã Trung Sơn từng bước phát triển, giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện thuận lợi để vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống.../. 


Nguyễn Văn Tý/TTXVN
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực