Nghề làm nón lá ở xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) có từ cách đây hơn 50 năm và đang phát triển mạnh giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Nghề làm nón đã trở thành nghề chính đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động xã Hoàng Nam vào thời điểm nông nhàn.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: nonlavietnam.com |
Hoàng Nam là xã thuần nông của huyện Nghĩa Hưng. Hiện nay, cả xã có khoảng 600 hộ với gần 9.800 dân. Trong 7 thôn của xã thì nghề làm nón lá tập trung chủ yếu ở 3 thôn là Hà Dương, Đông Tĩnh và Đông Ba với 80% người dân làm nghề. Theo ông Vũ Văn Nội, trưởng thôn Hà Dương, trước đây số lượng người dân làm nghề không nhiều do hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Ngoài sản xuất nông nghiệp, vào thời điểm nông nhàn mọi người thường đi khắp nơi làm thuê. Tuy nhiên, khoảng 10 năm nay, đặc biệt là vài năm gần đây nghề làm nón lá phát triển mạnh, đầu ra sản phẩm ổn định, giá thành nguyên liệu không biến động nhiều, lợi nhuận cao nên người dân bắt đầu quay lại với nghề.
Lợi thế lớn của nghề làm nón là có thể tranh thủ làm được mọi lúc, tận dụng được nhiều lao động khác nhau phù hợp với từng công đoạn, vốn đầu tư không nhiều, thu nhập được tính theo số sản phẩm làm ra trong ngày và đầu ra của sản phẩm được đảm bảo. Chính vì vậy mà số lao động tham gia làm nghề ngày càng đông đảo. Chị Vũ Thị Ngọt (thôn Hà Dương), một trong những người có thâm niên lâu năm trong nghề và cũng là người có tay nghề cao chia sẻ: nghề làm nón khá đơn giản, người mới làm nghề chỉ cần để ý, cẩn thận và khéo léo một chút là có thể làm thành thạo. Hơn nữa, nghề không vất vả, mà lại cho thu nhập ổn định từ 1,5 - 2,5 triệu/tháng nên trong thôn nhà nào cũng làm.
Nghề làm nón có thể làm quanh năm. Nón làm ra được thương lái đến thu mua và tiêu thụ trong cả nước. Ngoài ra, sản phẩm cũng được xuất sang cả Trung Quốc. Giá sản phẩm khá ổn định và ít biến động, trong đó nón loại thường có giá từ 15.000 – 20.000 đồng/cái, nón trung bình 30.000 – 40.000 đồng/cái, nón đẹp 80.000 – 90.000 đồng/cái, nón cưới 130.000 – 150.000 đồng/cái…
Ông Nguyễn Văn Hà (thôn Đông Ba) cho biết: Nguyên liệu làm nón là lá cọ và nứa. Trước đây nghề làm nón chưa phát triển nên việc mua nguyên liệu rất khó khăn, tuy nhiên bây giờ thương lái từ Hà Tĩnh, Thái Nguyên đưa nguyên liệu về bán tận thôn nên rất thuận lợi. Ông cũng cho biết lá cọ loại tốt hiện nay khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg và nứa khoảng 30.000 đồng/cây. Trong đó, một cây nứa có thể làm ra được 30 - 40 cái nón.
Chị Ngô Thị Na, chủ một xưởng làm nón với hơn 30 nhân công ở thôn Đông Tĩnh cho biết: thu nhập của người làm nón mặc dù không quá cao song mới mức sống ở nông thôn và tính chất không vất vả, độc hại, lại là nghề phụ thì mức lương như vậy là ổn định. Ban đầu chị cũng trực tiếp làm nón, sau đó có chút vốn và kinh nghiệm bắt đầu mở xưởng và thuê lao động về làm. Xưởng của gia đình chị thuê nhân công làm nón theo dây chuyền mỗi người một công đoạn nên ngày công của mỗi người cũng khác nhau. Đối với những công đoạn đơn giản dành cho những người mới làm và đang học việc từ 30.000 – 50.000 đồng/ngày, còn những người đã thạo việc thì trên dưới 100.000 đồng/ngày. Mỗi ngày xưởng của chị sản xuất khoảng trên dưới 100 chiếc nón lá tùy loại. Ngoài việc mở xưởng tại nhà, chị Na còn cho các gia đình trong xã nhận nón về nhà khâu hoặc tơi lá, là lá…
Ông Vũ Văn Khiêu (thôn Hà Dương) cho biết: Nghề làm nón tận dụng được tối đa lực lượng lao động dư thừa ở địa phương, người già hay trẻ nhỏ đều có thể làm được ở các công đoạn khác nhau. Gia đình ông có 3 người làm, mỗi ngày làm ra được 4, 5 chiếc nón loại trung bình. Vào những mùa cưới hỏi khách hàng đặt hàng nhiều làm không kịp. Mỗi chiếc sau khi trừ chi phí nguyên liệu cho lãi từ 10.000 – 120.000 đồng/cái tùy vào từng loại nón khác nhau.
Với những thuận lợi mà nghề đem lại, mặc dù là nghề phụ song làm nón lá đang trở thành nghề đem lại thu nhập chính cho người dân Hoàng Nam và từng ngày đem lại cho nơi đây một diện mạo mới, giúp rất nhiều hộ trong xã thoát nghèo, hàng nghìn lao động có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng./.