Nan giải nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu, 29/07/2016 11:02
Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Vĩnh Phúc đã có 68 xã đạt chuẩn. Tỉnh phấn đấu vào cuối năm 2017 sẽ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Vĩnh Phúc đang phải đối diện với tình trạng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới.

Xã miền núi Hồ Sơn, huyện Tam Đảo được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện và của tỉnh năm 2011. Việc triển khai xây dựng nông thôn mới của xã gặp không ít khó khăn về vốn, đặc biệt là vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Thêm vào đó, Hồ Sơn là xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp, với 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Sán Dìu sinh sống. Bởi vậy, việc hoàn thành các tiêu chí về cơ sở vật chất, giao thông, thủy lợi, cơ sở văn hóa…thực sự là thách thức không nhỏ đối với địa phương và việc nợ đọng xây dựng cơ bản là điều không tránh khỏi. Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2013, xã Hồ Sơn nợ đọng hơn 13 tỷ đồng. Ông Lưu Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Hồ Sơn cho biết: Nợ đọng của xã chủ yếu là nợ đọng của nhà nước để vay doanh nghiệp về vật liệu. Hiện xã chủ yếu trông chờ vào việc bán đấu giá quyền sử dụng đất để trả 13 tỷ đồng nợ đọng. 

Xây dựng đường nội đồng ở Tân Phong (Bình Xuyên). Ảnh: vinhphuc.gov.vn

 

Xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên là 1 trong 20 xã được chọn xây dựng điểm mô hình nông thôn mới của tỉnh. Năm 2013 xã hoàn thành kế hoạch đề ra. Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, diện mạo Tân Phong có nhiều khởi sắc. Giao thông nông thôn cơ bản được cứng hóa, sản xuất, thông thương thuận tiện. Nhà văn hóa, trạm y tế, trường học được xây dựng khang trang, sạch đẹp…Tuy nhiên, sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, Tân Phong còn nợ đọng hơn 9 tỷ đồng trong xây dựng cơ bản. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Tân Phong cho biết: Để về đích trong chương trình xây dựng nông thôn mới, Tân Phong phải đầu tư xây mới, cải tạo nhiều công trình có giá trị lớn như: hệ thống nhà văn hóa, trung tâm thể thao, trường học, trạm y tế, hệ thống giao thông nông thôn… với tổng kinh phí gần 84 tỷ đồng. Trong khi đó, việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa ở Tân Phong gặp nhiều khó khăn, ngân sách của địa phương lại hạn hẹp nên nợ đọng là điều không tránh khỏi. 

Để xử lý nợ đọng, ngoài việc huy động các nguồn vốn hợp pháp, tranh thủ các nguồn vốn lồng ghép của các tổ chức hỗ trợ địa phương, xã Tân Phong đã quy hoạch, bán đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Hiện nay xã còn nợ hơn 3 tỷ đồng và phấn đấu sẽ trả hết nợ đọng xây dựng nông thôn mới trong năm 2016. 

Không riêng gì xã Tân Phong hay xã Hồ Sơn, nợ đọng trong xây dựng cơ bản thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới đang là thực trạng chung, khó khăn chung của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó, có nhiều huyện con số nợ đọng xây dựng nông thôn mới không hề nhỏ như huyện Bình Xuyên gần 158 tỷ đồng; huyện Vĩnh Tường hơn 291 tỷ đồng; huyện Lập Thạch gần 257 tỷ đồng; huyện Sông Lô gần 194 tỷ đồng…Nhiều xã có số nợ trên 10 tỷ đồng như: Đồng Tĩnh (huyện Tam Dương) nợ gần 40 tỷ đồng, xã Duy Phiên (Tam Dương) hơn 17 tỷ đồng, xã Tam Quan (huyện Tam Đảo) trên 15 tỷ đồng… 

Không thể phủ nhận, đầu tư trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần giúp nông thôn khởi sắc, người dân được thụ hưởng từ các công trình phúc lợi, y tế, trường học… tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để tránh xảy ra tình trạng chạy theo thành tích, các cơ quan chức năng cần có phương án cụ thể, hài hòa, điều tiết nguồn vốn hợp lý để tránh nợ đọng./.

Nguyễn Thị Thảo/TTXVN
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực