Thái Bình cần bảo đảm tính bền vững các tiêu chí nông thôn mới
Thứ sáu, 24/06/2016 14:03 (GMT+7)
Ngày 23/6, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Thái Bình về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Ca đã báo cáo Đoàn giám sát khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và kết quả ban hành, thực hiện chính sách pháp luật trong công tác xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2010 - 2015.
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn Giám sát tại huyện Kiến Xương.
Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên ghi nhận và đánh giá cao những kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thái Bình những năm qua. Từ lý luận đến thực tiễn triển khai, Đảng bộ Thái Bình đã nhận thức đầy đủ về xây dựng nông thôn mới, đồng thời sáng tạo nhiều cách làm hay, mang lại hiệu quả tích cực. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới nói riêng và quá trình công nghiệp hóa nói chung là quá trình lâu dài, liên tục. Vì vậy các địa phương đã cán đích nông thôn mới cần tiếp tục duy trì và bảo đảm tính bền vững của thành tựu đã đạt được. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng đặt ra một số vấn đề về phát triển kinh tế của tỉnh Thái Bình như: cân đối tỷ trọng xuất khẩu và nhập khẩu, bài học huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới… Ngoài ra, Đoàn giám sát tiếp thu kiến nghị của tỉnh về triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Những năm qua sản xuất nông nghiệp tỉnh Thái Bình tăng trưởng ổn định, thu nhập đời sống nhân dân dần được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân 5 năm (từ năm 2011 -2015) tăng 3,9%/năm, trong đó nông nghiệp tăng 2,6%/năm, thủy sản tăng 8,5%/năm; cơ cấu nội bộ ngành có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ lệ trồng trọt, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản. Về kết quả xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010 - 2015 tỉnh Thái Bình đã lồng ghép và thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn chương trình, dự án của Trung ương và nguồn vốn ngân sách tỉnh đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn với tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 đạt trên 11.000 tỷ đồng. Đến hết năm 2015, tỉnh Thái Bình có 1 huyện và 164 xã đạt đủ 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, 18 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 75 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, bình quân đạt 16,53 tiêu chí/xã. Năm 2016 có 45 xã đăng ký về đích nông thôn mới.
Sáng cùng ngày, Đoàn giám sát đã có buổi làm việc với UBND huyện Kiến Xương về chương trình xây dựng nông thôn mới và thăm một số mô hình trang trại chăn nuôi điển hình, cho thu nhập kinh tế cao tại địa phương này./.
Thu Hoài/TTXVN