Quyết định số 104/QĐ-BCĐGNBV, ngày 24/9/2012 của BCĐ TW về GNBV ban hành Quy chế hoạt động của BCĐ TW về GNBV giai đoạn 2011-2020

Thứ ba, 25/10/2016 14:55

 

BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 104/QĐ-BCĐGNBV

HàNội, ngày 24 tháng 9 năm 2012


QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
THỜI KỲ TỪ NĂM 2011 ĐẾN NĂM 2020

TRƯỞNG BAN BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG
VỀ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG THỜI KỲ TỪ NĂM 2011 ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 dến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;

Căn cứ Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các thành viên Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TRƯỞNG BAN
PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ


(đã ký)


Vũ Văn Ninh

 

---------------------

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG THỜI KỲ TỪ NĂM 2011 ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 104/QĐ-BCĐGNBV ngày 24 tháng 9 năm 2012 của Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 được thành lập theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo) đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020.

Điều 2. Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban Chỉ đạo, thực hiện và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về những nhiệm vụ được phân công.

Điều 3. Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và các Ủy viên thuộc các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc và Văn phòng Chính phủ giúp Trưởng Ban Chỉ đạo điều phối, xử lý, giải quyết các vấn đề có liên quan trong quá trình chỉ đạo thực hiện Chương trình.

Điều 4. Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; Thường trực Ban Chỉ đạo và các Ủy viên Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của Bộ, ngành mình trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chương trình thuộc phạm vi trách nhiệm được giao.

Chương 2.

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁC THÀNH VIÊN BAN CHỈ ĐẠO

Điều 5. Trách nhiệm của Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo

1. Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Lãnh đạo, điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo.

3. Chủ trì và kết luận một số cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo để triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo và các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trong từng giai đoạn.

4. Quyết định những vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo.

Điều 6. Trách nhiệm của các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo

1. Phó Trưởng Ban Thường trực thay mặt Trưởng Ban chủ trì và điều phối hoạt động chung của Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo khi Trưởng Ban đi vắng hoặc được Trưởng Ban ủy quyền; chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo theo sự ủy nhiệm của Trưởng Ban Chỉ đạo.

2. Giúp Trưởng Ban trực tiếp điều phối các hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo về triển khai thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trong từng giai đoạn.

3. Tham mưu cho Trưởng Ban chỉ đạo các Bộ, ngành đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành bổ sung cơ chế, chính sách để triển khai các nội dung thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020.

4. Kiểm tra, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo về sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện định hướng giảm nghèo bền vững.

5. Thừa ủy quyền Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý công việc thường xuyên của Ban Chỉ đạo; tổ chức các cuộc họp định kỳ và đột xuất.

Điều 7. Trách nhiệm của Thường trực Ban Chỉ đạo

1. Giúp Trưởng Ban Chỉ đạo điều phối, xử lý, giải quyết các vấn đề có liên quan trong quá trình chỉ đạo thực hiện Chương trình.

2. Điều hành công việc thường xuyên của Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo.

3. Tổng hợp báo cáo trình Ban Chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ.

4. Chủ trì xây dựng kế hoạch hàng năm của Ban Chỉ đạo để thực hiện chương trình.

Điều 8. Trách nhiệm của các Ủy viên Ban Chỉ đạo

1. Đề xuất cơ chế, chính sách giảm nghèo thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành được quy định tại điểm IV trong Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020.

2. Theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo được phân công phụ trách.

3. Chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững ở địa bàn được phân công.

4. Định kỳ 6 tháng (trước ngày 20/6) và một năm (trước ngày 15/12) báo cáo Ban Chỉ đạo về tiến độ, kết quả thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo thuộc Bộ, ngành và địa phương quản lý.

5. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể nhân dân trong quá trình chỉ đạo thực hiện.

Điều 9. Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đặt tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, là đơn vị giúp việc trực tiếp cho Ban Chỉ đạo và Trưởng Ban Chỉ đạo; chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thiện tổ chức, bộ máy, quy định chức năng, nhiệm vụ và biên chế của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo.

Điều 10. Các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; được hưởng chế độ thù lao từ ngân sách nhà nước do Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo do ngân sách nhà nước đảm bảo và được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Chương 3.

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 12. Chế độ làm việc

Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo làm việc theo chế độ đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, thông qua các phiên họp thường kỳ và đột xuất dưới sự chủ trì của Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc Phó Trưởng Ban Chỉ đạo khi được ủy quyền.

Điều 13. Chế độ họp

1. Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo họp định kỳ 6 tháng một lần; trường hợp cần thiết, Trưởng Ban Chỉ đạo có thể triệu tập họp bất thường.

2. Thường trực Ban Chỉ đạo họp định kỳ 3 tháng một lần; trường hợp cần thiết, Trưởng Ban Chỉ đạo có thể triệu tập họp bất thường.

3. Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định mời thêm các đại biểu không thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo tham dự các cuộc họp của Ban Chỉ đạo.

4. Các phiên họp của Ban Chỉ đạo phải được thông báo bằng văn bản (kèm các tài liệu liên quan) về nội dung, thời gian và địa điểm trước 05 ngày làm việc. Các thành viên Ban Chỉ đạo và các đại biểu được mời có trách nhiệm nghiên cứu văn bản, chuẩn bị ý kiến thảo luận, bố trí thời gian tham dự đầy đủ các phiên họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo.

5. Kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc Phó Trưởng Ban Chỉ đạo (được ủy quyền tại các phiên họp) được thể hiện bằng thông báo của Văn phòng Chính phủ;

6. Thành viên Ban Chỉ đạo đi công tác, học tập từ 06 tháng trở lên hoặc có thay đổi về nhân sự thì cơ quan chủ quản phải thông báo và cử người thay thế bằng văn bản cho Trưởng Ban.

Điều 14. Mối quan hệ công tác

1. Quan hệ công tác giữa các thành viên với Trưởng Ban Chỉ đạo: Các thành viên Ban Chỉ đạo tham gia các hoạt động chung của Ban Chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ do Trưởng Ban Chỉ đạo phân công.

2. Quan hệ công tác giữa các thành viên Ban Chỉ đạo: Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm phối hợp trong việc theo dõi, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững ở các địa phương.

3. Quan hệ giữa thành viên Ban Chỉ đạo với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các kế hoạch, Chương trình giảm nghèo bền vững đối với từng địa phương được phân công.

Điều 15. Kế hoạch công tác

Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hàng năm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để tổ chức thực hiện.

Chương 4.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Quy chế này áp dụng cho các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo.

Điều 17. Trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

1. Tạo điều kiện để Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo hướng dẫn, kiểm tra và tiến hành các hoạt động có liên quan đến việc thực hiện nội dung, kế hoạch, triển khai Nghị quyết của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020.

2. Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo (thông qua cơ quan thường trực chương trình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) về đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ định hướng giảm nghèo bền vững của Bộ, ngành, địa phương mình; những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp tháo gỡ.

Điều 18. Trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện

Thường trực Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Quy chế này.

Trường hợp cần bổ sung, sửa đổi Quy chế, trên cơ sở đề xuất của các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng Ban Thường trực báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực