Bạc Liêu: Giảm nghèo bền vững từ mô hình đỡ đầu hộ nghèo

Thứ tư, 08/11/2017 09:34
(ĐCSVN) - Bạc Liêu là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, đời sống người dân còn khó khăn nên việc giảm nghèo được xem là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Để giảm nghèo có hiệu quả, Bạc Liêu đã huy động nguồn lực, với nhiều giải pháp đồng bộ trong đó có phân công ban, ngành cấp tỉnh đỡ đầu hộ nghèo.

Nông dân huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) canh tác lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn

Trong năm qua, toàn tỉnh Bạc Liêu đã phấn đấu giảm thêm khoảng 7.000 hộ nghèo và 4.060 hộ cận nghèo, vượt 45% kế hoạch. Một trong những giải pháp được tỉnh duy trì là phân công các đơn vị, ban ngành tỉnh, huyện, xã đỡ đầu hộ nghèo ở cơ sở. Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh Bạc Liêu đã phân công 71 đơn vị, ban, ngành cấp tỉnh nhận giúp đỡ 494 hộ nghèo; các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp nhận giúp đỡ 3.570 hộ nghèo.

Trong quá trình đỡ đầu, các đơn vị đã tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo để có sự giúp đỡ thiết thực. Nhiều đơn vị được phân công giúp đỡ hộ nghèo đã nêu cao tinh thần trách nhiệm và có những giải pháp thiết thực, hiệu quả. Những hộ được giúp đỡ đã nỗ lực tăng gia sản xuất, từng bước cải thiện đời sống, tin tưởng và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ngoài lồng ghép và huy động các nguốn vốn hỗ trợ, những đơn vị nhận đỡ đầu đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý chí thoát nghèo, tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo, biết bà con cần hỗ trợ gì để làm sinh kế thoát nghèo, giúp bà con sử dụng nguồn hỗ trợ đúng mục đích.

Tại huyện Giá Rai, trong số 87 hộ thoát nghèo có 5 hộ nhờ sự hỗ trợ của Trường cao đẳng Y tế Bạc Liêu bằng cách bảo lãnh vay vốn tín chấp, cho mượn vốn rồi chỉ dẫn cách thức làm ăn, trợ giúp cây, con giống cộng với thường xuyên giám sát, động viên, các hộ nghèo sử dụng vốn đúng mục đích.

Tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa ngành nghề phù hợp với trình độ lao động của các hộ nghèo. Tiến hành cấp thẻ BHYT cho 100% hộ nghèo, cận nghèo, phát động sâu rộng phong trào nhận giúp đỡ hộ nghèo trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng xã hội.

Bên cạnh đó, để giảm nghèo bền vững, tỉnh cũng đẩy mạnh đào tạo nghề cho 12.000 lao động và giải quyết việc làm mới cho 18.000 lao động nghèo nông thôn. Tỉnh cũng khuyến khích các đơn vị nhận đỡ đầu lồng ghép giúp đỡ hộ nghèo bằng cách tạo nghề, truyền nghề phù hợp với điều kiện và thực tế của địa phương. Bởi thực tế trong qua, một số đơn vị đỡ đầu hộ nghèo hiệu quả nhờ công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm như: mô hình doanh nghiệp nhận đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại huyện Giá Rai và TP. Bạc Liêu; mô hình đào tạo nghề gắn với thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và phát triển làng nghề truyền thống tại các huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Hồng Dân và Phước Long.

Bà Lê Thị Ái Nam, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Tuy tỷ lệ hộ nghèo được đỡ đầu chưa hoàn toàn thoát nghèo, nhưng đây là tín hiệu lạc quan chứng tỏ các đơn vị được phân công đỡ đầu hộ nghèo quan tâm hơn về chất lượng chứ không chạy theo thành tích. Đó là nền tảng để việc phân công các ban, ngành đỡ đầu cho hộ nghèo phát huy hiệu quả hơn trong thời gian tới”.

Có thể nói, việc phân công các ngành, đơn vị về giúp đỡ hộ nghèo ở địa phương không chỉ góp sức cho công tác giảm nghèo của tỉnh Bạc Liêu, mà còn có ý nghĩa trong việc đưa cán bộ đến gần dân, sát dân, hiểu đời sống người dân hơn. Từ đó, việc xây dựng các chính sách liên quan đến người dân cũng phù hợp và thiết thực hơn./.

 

B.Y
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực