Đó là phát biểu tham luận của Đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) tại kỳ họp lần thứ 4, Quốc hội khóa XIV, trong phiên thảo luận về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
Đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) phát biểu tại diễn đàn kỳ họp Quốc hội (ảnh: quochoi.vn)
Đối với việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, đại biểu Bế Minh Đức cho rằng, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn rất quan tâm, đã có nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới. Kết quả đạt được từ thực hiện những chính sách này là rất lớn, kinh tế - xã hội từng bước phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc dần ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới vẫn là vùng kinh tế, xã hội chậm phát triển nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Theo kết quả điều tra năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vùng dân tộc thiểu số còn ở mức khá cao, các tỉnh Tây Bắc 34,52%, các tỉnh Đông Bắc 20,74%, khu vực Tây Nguyên 17,14%; trên 50.000 hộ thiếu đất ở, 74.000 hộ thiếu đất sản xuất, 357.000 hộ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh; là vùng có kết cấu kinh tế hạ tầng, kinh tế - xã hội khó khăn, yếu kém nhất, khoảng cách phát triển giữa vùng này với cả nước ngày càng lớn...
Đại biểu Bế Minh Đức cũng phân tích, nguyên nhân của tình trạng này là do điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho sản xuất, sinh hoạt, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư lớn vào các vùng này là hết sức khó khăn. Trước những khó khăn đó, đề nghị cần có những chính sách ưu tiên đặc thù cho từng vùng, miền, nhất là những nơi còn nhiều khó khăn. Chính phủ cần quan tâm, dành nguồn lực đầu tư nhiều hơn cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, thông suốt cho miền núi, biên giới - khi giao thông đã thuận lợi, thông suốt sẽ tạo ra sự phát triển có tính đột phá cho vùng này. Bởi hiện nay, điều kiện giao thông đi lại ở các vùng này còn quá khó khăn... Đề nghị Chính phủ rà soát, nghiên cứu để tích hợp các chính sách và đầu tư, hỗ trợ theo nguyện vọng của nhân dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới cho sát thực hơn. Đó là cần ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ cho người dân sinh sống, phát triển sản xuất ổn định, tránh việc hỗ trợ trực tiếp, nhỏ lẻ, phân tán, manh mún, không khuyến khích được người dân vươn lên thoát nghèo.
Từ câu chuyện "cho cần câu hay cho con cá", đại biểu Bế Minh Đức đề nghị các chính sách mới cần hướng tới giúp nhân dân về công nghệ và giải pháp, thị trường hỗ trợ, phương tiện khoa học kỹ thuật, công cụ… để người dân có thể "nuôi được cá" tăng thu nhập lâu dài, chứ không phải hỗ trợ trực tiếp là "cho con cá" để người dân cải thiện đời sống trong ngày một, ngày hai.
Những đề xuất trên đây đều xuất phát từ thực tiễn và nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm đảm bảo công bằng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời mang lại ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia./.