Cần phân cấp mạnh hơn nữa cho cơ sở trong việc duy tu bảo dưỡng các công trình 135

Thứ ba, 28/07/2015 14:27

(ĐCSVN) - Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, tính đến nay có khoảng 65 nghìn công trình công cộng được đầu tư xây dựng trên địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi từ nguồn vốn Chương trình 135. Hầu hết các công trình này được xây dựng ở những vùng chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ; do đó vấn đề duy tu bảo dưỡng (DTBD) đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các tính năng sử dụng, kéo dài “tuổi thọ” công trình.

 

Những công trình được DTBD từ nguồn vốn 135 trên địa bàn xã Phượng Nghi,
huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa


Chương trình 135 là một trong những chương trình xóa đói giảm nghèo có sáng kiến tiên phong trong việc lập Quỹ Duy tu bảo dưỡng cho các công trình sau đầu tư. Nguồn vốn dành cho DTBD không lớn, chỉ chiếm tỉ lệ 6,3% vốn xây dựng cơ bản (cấp xã là 60 triệu đồng, cấp thôn từ 12 đến 15 triệu đồng), nhằm bảo vệ, duy trì năng lực hoạt động bình thường của các công trình sau khi kết thúc đầu tư. Nguồn vốn này thậm chí còn được chi cho cả các công trình khác ngoài công trình 135. Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Tân, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135 (Ủy ban Dân tộc), công tác DTBD đang được triển khai rất khác nhau trên địa bàn các tỉnh, các huyện, tùy thuộc vào cách hiểu của từng địa phương. Thực tế triển khai việc DTBD cho thấy có một số vấn đề tồn tại trong việc giao cho UBND xã làm chủ đầu tư các công trình 135.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đào Hồng Phúc, Bí thư Đảng ủy thôn An Lập, xã Sơn Động, tỉnh Bắc Giang cho biết: Đến nay, trên địa bàn chưa có một công trình nào được phân cấp về cho xã làm chủ đầu tư (do còn có những băn khoăn về năng lực của cấp xã). Tuy nhiên theo khẳng định của ông Phúc, trình độ cán bộ cấp xã hiện nay đã tiến bộ, thêm nữa, cần có sự tin tưởng vào cộng đồng, tăng cường huy động tiềm lực trong dân bởi họ chính là những đối tượng trực tiếp thụ hưởng lợi ích từ các công trình đó, họ đồng thời cũng là người giám sát việc thực hiện DTBD. Ông cũng cho biết thêm, việc xã không làm chủ đầu tư đồng nghĩa với việc không được quản lý vốn, do vậy việc DTBD các công trình sẽ không kịp thời theo ý nguyện của người dân, có những công trình nhỏ đã hư hại, xuống cấp nhưng theo đánh giá của cấp huyện cần ưu tiên cho các công trình lớn hơn nên sự xuống cấp đó tích lũy lại theo thời gian ngày một lớn, khiến cho việc DTBD sẽ khó khăn hơn.

Đồng tình với những trăn trở về vấn đề giao vốn, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: Những chương trình nào cộng đồng có thể làm được thì nên giao cho cộng đồng. Thời điểm giao vốn nên sớm, kết hợp với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra trong quá trình thực hiện sẽ giúp các địa phương chủ động hơn trong việc triển khai DTBD.

Hòa Bình là một trong số ít tỉnh có gần như 100% các xã được quản lý trực tiếp các hợp phần của Chương trình 135. Ông Đỗ Duy Sâm, Trưởng phòng Chính sách, Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết: Tỉnh đã triển khai tập huấn cho các đối tượng là lãnh đạo cấp xã, thôn, bản bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Khi phân cấp về cho các địa phương, trong việc hướng dẫn thực hiện Chương trình 135, đã có sự cải tiến về mặt cơ chế theo hướng đơn giản các thủ tục. Ví dụ: về cơ chế quản lý đầu tư, người dân và cấp xã - chủ đầu tư của nguồn vốn này thực hiện khảo sát thực tế những công trình cần DTBD và lập kế hoạch. Bản kế hoạch đó có mẫu sẵn và đơn giản. Các công trình DTBD cũng không cần có bản vẽ mà chỉ cần sơ đồ dựa trên bản vẽ ban đầu của công trình đó, ở bản vẽ có hạng mục nào cần DTBD chỉ cần đánh dấu vị trí đó và thuyết minh bên cạnh những việc cần làm… Qua đánh giá, tất cả các xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đều đủ năng lực làm chủ đầu tư các công trình hạ tầng trên địa bàn. Tuy nhiên, việc đánh giá năng lực chỉ mang tính chất hợp pháp hóa, thực chất có những xã được đánh giá là đủ năng lực nhưng vẫn không thể quản lý đầu tư. Việc thực hiện dù đơn giản đến đâu, cơ chế thực hiện thông thoáng thế nào thì trong khi triển khai vẫn phát sinh một số vấn đề ở cơ sở. Ví dụ: xã chưa thực sự đóng vai trò là chủ đầu tư; một số quy trình được thực hiện chưa đầy đủ, ngược so với quy định; đối với quy trình quản lý đầu tư, chủ yếu thủ tục hồ sơ là do các đơn vị thi công đứng ra làm giúp sau khi hoàn thành công việc tại hiện trường; công tác DTBD thường được làm một lần (thay vì phải làm thường xuyên, hàng năm); kế hoạch thường giao muộn, trong khi vận hành và bảo trì phải bắt đầu từ đầu năm…

Tham quan thực tế các công trình được DTBD sau đầu tư tại xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa, có thể nhận thấy khi được giao về cho xã làm chủ đầu tư, việc DTBD được tiến hành một cách chủ động, hầu hết người dân trong xã đều có ý thức tham gia vào công tác DTBD. Ông Lê Minh Phương, Chủ tịch UBND xã  Phượng Nghi cho biết: Nguồn vốn DTBD đã góp phần không nhỏ trong việc sửa chữa, nâng cấp các công trình y tế - giáo dục được xây dựng trước đây đã hư hỏng. Trong giai đoạn từ 2010 đến nay, sau khi lựa chọn những công trình cần DTBD, xã đã chủ động dành 693 triệu đồng để tiến hành DTBD một số công trình hạ tầng quan trọng gồm trường mầm non khu chính, trạm Y tế xã và trường THCS. Ngoài ra, còn tiến hành nâng cấp lu lèn cát sỏi đường giao thông liên thôn tuyến Khe Tre đi Đồng Phông, tuyến Bái Đa 1 đi thôn Bái Bò, tuyến Đồng Bai đi Khe Tre với tổng chiều dài 4,6 km. Đầu tư sửa chữa nâng cấp các công trình thủy lợi giai đoạn 2007 – 2009 là 6 bai đập lớn của xã (đập Đồng Phông, đập Khe Tre, đập Eo Lim, đập Đồng Giữa, đạp Đồng Phe, đập Đồng Trẩu). Từ đó đến nay, những công trình đập này vẫn được sử dụng hiệu quả, lượng nước cơ bản đảm bảo phục vụ đời sống cho bà con, giúp tăng năng suất cây trồng cho xã từ 150kg/sào/vụ lên 300kg/sào/vụ, góp phần xóa hẳn hộ đói cho giai đoạn tiếp theo.

 

Chị Bùi Thị Đức khi được phỏng vấn đã cho biết: "Nhờ công trình nước sạch, mọi sinh hoạt của người dân được thuận tiện hơn"

Ý thức của người dân cũng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả công tác DTBD các công trình. Khi được hỏi về những công trình nước sạch nơi mình sinh sống, chị Bùi Thị Đức, dân tộc Mường, thôn Đồng Thung, xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Nhờ có công trình nước sạch, mọi sinh hoạt, tưới tiêu của người dân được thuận tiện hơn. Người dân ở địa phương đều có ý thức bảo quản công trình nước sạch, khi phát hiện ai phá hoại thì báo cáo ngay với chính quyền hoặc trưởng thôn. Tuy nhiên, hiện đường ống dẫn nước mới chỉ dẫn được tới những hộ quanh đây, còn những hộ ở trên cao hay ở xa thì chưa kéo được đến, vì vậy người dân ở địa phương mong muốn rằng đường ống có thể dẫn về từng hộ gia đình để thoải mái hơn bởi mùa khô này thường hay bị thiếu nước, phải đi rất xa để gánh nước”.

Một người dân khác trên địa bàn nói thêm: “Vừa rồi đường ống hỏng, để kịp thời có nước sử dụng, nhân dân đã tự góp tiền sửa chữa. Đường sá nếu hỏng thôn cũng tự họp, kêu gọi đóng góp và sửa chữa vì Nhà nước đã xây dựng cho mình sử dụng, nay bị hỏng hóc mình phải có ý thức bảo quản”.

Qua đây có thể phần nào thấy được vai trò của xã khi được phân cấp làm chủ đầu tư việc DTBD các công trình tại địa phương, thấy được hiệu quả thiết thực khi tạo cơ hội cho người dân được thực sự tham gia quản lý, bảo dưỡng các công trình của mình. Thực tế ở một số địa phương cho thấy, mặc dù đã được quan tâm, nhưng công tác DTBD vẫn còn có những vấn đề còn tồn tại. Do vậy, việc sử dụng nguồn vốn này như thế nào cho hiệu quả để kéo dài tuổi thọ các công trình đang đặt ra một bài toán cho các đơn vị liên quan, với mong muốn trong lời giải sẽ tìm ra những cách làm hiệu quả, phát huy tối đa nguồn kinh phí sự nghiệp dành cho DTBD hàng năm không chỉ với các công trình 135 mà còn với những công trình của các chương trình, dự án khác.

Đề xuất về những giải pháp tháo gỡ nút thắt trong quá trình thực hiện DTBD các công trình 135, tại một Hội thảo mới đây do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Đại sứ quán Ai-len tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa, đa số ý kiến của đại biểu từ các địa phương đều có chung nguyện vọng cần có một cơ chế đủ đảm bảo thực thi, có tính nhất quán từ Trung ương đến cơ sở; có một dòng ngân sách được phân cấp rõ ràng, giao cho cấp xã để có thể chủ động triển khai, đồng thời có cơ chế về vốn hợp lý; tăng cường vai trò trong phân cấp quản lý với cấp trực tiếp thực hiện để thể hiện đầy đủ tính chủ động; tăng cường hướng dẫn đối với nhóm cộng đồng được giao nhiệm vụ; tăng cường nâng cao năng lực quản lý, thi công, giám sát, thanh quyết toán… cho đội ngũ cán bộ xã và cộng đồng; có cơ chế khen thưởng, chế tài để kịp thời động viên trong việc DTBD…

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực