Cần thay đổi chính sách để người nghèo… muốn thoát nghèo

Thứ sáu, 24/11/2017 11:04
(ĐCSVN) – Một trong những khó khăn cho công tác xóa đói giảm nghèo hiện nay là nhiều người nghèo không muốn thoát nghèo. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là người nghèo đang được hưởng quá nhiều chính sách ưu đãi, từ đó nảy sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại.
Nhiều hộ nghèo không muốn thoát nghèo để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.
(Ảnh minh họa: Trần Quỳnh)

Nhiều người dân vẫn "muốn" là hộ nghèo

Để tìm hiểu về những khó khăn trong công tác giảm nghèo, chúng tôi đã đến một số địa phương có tỷ lệ hộ nghèo đói ở mức cao.

Tại bản Hưng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, chúng tôi gặp chị Hồ Thị Thanh – là người dân tộc Bru Vân Kiều sinh sống tại chính bản Hưng, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Minh Hóa. Chị Thanh cho biết: “Cả bản Hưng có 25 hộ thì có tới 22 hộ nghèo và 3 hộ mới thoát nghèo, nhưng luôn có nguy cơ quay trở lại thành hộ nghèo. Gia đình tôi thoát nghèo năm 2008. Tôi vẫn thường xuyên vận động bà con cố gắng vay vốn làm ăn để thoát nghèo. Có hộ gia đình cố gắng. Tuy nhiên, phần đông thì bao năm nay vẫn vậy. Động viên họ khó lắm, vì nếu thoát nghèo, họ không còn được hỗ trợ gạo, học phí, tiền điện và rất nhiều khoản tiền khác nữa, nên tâm lý của họ là không muốn thoát nghèo”.

Đến thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa, chúng tôi gặp anh Hứa Văn Biên đã hơn 10 năm trong diện hộ nghèo. Nhà anh có 3 nhân khẩu, năm nay anh Biên 38 tuổi là lao động chính nhưng lại không đi làm mà chỉ ở nhà uống rượu. Vợ anh Biên đi ươm keo giống thuê mỗi ngày được 100.000 đồng tiền công, đây là thu nhập chính nuôi cả gia đình. Khi được hỏi sao không đi làm? anh Biên trả lời: “Nếu mình mà đi làm, có tiền, Nhà nước sẽ cắt mất hỗ trợ”. Được biết, gia đình anh Biên có hơn 1ha đất rẫy do bố mẹ để lại nhưng không canh tác mà để hoang cho cỏ dại mọc. 

Mới đây nhất, trong cuộc khảo sát lấy ý kiến hộ nghèo tại ấp 2 và ấp 3, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, có tới 56/239 phiếu khảo sát trả lời là “không muốn thoát nghèo”…

Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều ví dụ minh chứng cho hiện tượng nhiều người nghèo không muốn thoát nghèo để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, ông Sơn cho biết: Năm 2016, tỉnh Quảng Bình có 12% hộ nghèo. Trong số những hộ nghèo, thì hộ thuộc diện được hưởng chính sách bảo trợ xã hội chiếm 28%, những hộ nghèo còn lại đa số là những người khỏe mạnh, còn trong độ tuổi lao động. Theo lẽ thường, những người nghèo nhưng khỏe mạnh, còn trong độ tuổi lao động như vậy thì cơ hội thoát nghèo sẽ nhiều hơn, và tình trạng nghèo đói sẽ giảm. Song trên thực tế, việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Quảng Bình gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trên những địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước; tâm lý nể nang, gia đình, dòng họ. Thậm chí có cả chuyện giấu giếm gia cảnh khá giả, không muốn thoát nghèo để được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, cho không của Nhà nước đối với người nghèo.

Ở huyện Minh Hóa (tỷ lệ hộ nghèo 39,73%, trong đó hộ nghèo vùng nông thôn 45,66%) và huyện Tuyên Hóa (tỷ lệ hộ nghèo 26,82%), đây là hai huyện vùng miền núi, biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; là huyện đặc biệt khó khăn, nghèo nhất của tỉnh Quảng Bình và cũng nằm trong số những huyện nghèo nhất của cả nước. Hai huyện này vừa nằm trong diện Chương trình 30a, vừa nằm trong diện Chương trình 135. Ông Đinh Thanh Sơn, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Minh Hóa cho biết: Do phong tục tập quán, cùng với những chính sách hỗ trợ quá lớn của Nhà nước với người nghèo khiến nhiều người bằng lòng với cái nghèo, không muốn thoát nghèo bởi nếu thoát nghèo, họ sẽ mất đi khá nhiều quyền lợi của hộ nghèo. Có những gia đình được hỗ trợ con lợn làm giống, nhưng khi gia đình có việc, họ đem giết thịt luôn, thế là nghèo vẫn hoàn nghèo. Có những gia đình, về thực chất là đã thoát nghèo, song do không muốn mất đi những quyền lợi đối với hộ nghèo, nên họ kê khai thiếu để gia đình mình vẫn nằm trong diện nghèo nhằm được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Ở một khía cạnh khác, bà Trương Thị Thanh Hoa, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình nhận định: Đối với người dân nghèo ở tỉnh Quảng Bình, tấm thẻ bảo hiểm y tế vô cùng quan trọng. Nếu là người thuộc hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm y tế. Người thuộc hộ cận nghèo nằm trong vùng Chương trình 30a cũng được hỗ trợ 100% phí bảo hiểm y tế. Nhưng đối với người thuộc hộ cận nghèo không nằm trong vùng Chương trình 30a thì sẽ phải tự chi trả 30% phí bảo hiểm y tế. Nhà nước cũng có chính sách khuyến khích hỗ trợ 100% phí bảo hiểm y tế trong vòng 5 năm đối người người thuộc hộ cận nghèo mới thoát nghèo, sau 5 năm họ phải tự chi trả phí bảo hiểm y tế theo quy định. Một ví dụ, hộ cận nghèo có 5 người thì mỗi năm đã phải đóng trung bình tới 2 triệu đồng, trong khi mức thu nhập của hộ cận nghèo có khi chỉ hơn hộ nghèo vài ba trăm nghìn đồng. Chính vì những quyền lợi như vậy nên người nghèo không muốn thoát nghèo để được hưởng 100% phí bảo hiểm y tế. Điều này đã góp phần tạo nên sức ỳ lớn trong công cuộc giảm nghèo của địa phương.

Không chỉ riêng đối với Quảng Bình, mà đây cũng là thực trạng chung của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thử thống kê các chính sách mà người nghèo hiện nay được thụ hưởng, nhận thấy các chế độ chính sách rất lớn, có thể kể đến: Tín dụng ưu đãi (dưới 20 triệu đồng là 0% lãi suất); miễn phí thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ cho người nghèo 15kg gạo/người/tháng; miễn học phí, miễn tiền điện; ngoài ra được hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý… Những huyện nghèo, xã nghèo, hộ nghèo còn được thụ hưởng các dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững gồm: Chương trình 30a, Chương trình 135, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; chính sách của tỉnh hỗ trợ các xã có tỷ lệ hộ nghèo 30% trở lên và nguồn hỗ trợ từ xã hội hóa đối với công tác xóa đói giảm nghèo. Chính việc có quá nhiều chương trình, dự án, nguồn vốn, chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, trong khi năng lực quản lý ở cơ cấp cơ sở nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu; bản thân người dân nghèo ở một số nơi cũng chưa sẵn sàng “hấp thụ” một cách tốt nhất các nguồn lực đầu tư, nên tính bền vững của công tác xóa đói giảm nghèo vẫn chưa cao.

Những rào cản và sức ỳ trong công tác xóa đói giảm nghèo những tưởng chỉ xảy ra ở một số địa phương vùng miền núi, biên giới, bãi ngang ven biển, đặc biệt khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng thực tế thì tâm lý ấy xuất hiện cả ở một số vùng thấp có điều kiện kinh tế khá hơn. Ở Hà Tĩnh là một ví dụ, bà Nguyễn Thị Thủy, Phó phòng Quản lý đô thị và Kinh tế của thị xã Kỳ Anh cho biết: Khi áp dụng quy định chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo của phường Kỳ Thịnh cao nhất tỉnh, tới 30,3%. Bên cạnh một số nguyên nhân, bà Thủy thẳng thắn thừa nhận các hộ nghèo ở đây thường có tập quán sinh hoạt tự cung, tự cấp, tâm lý bằng lòng, cam chịu, thiếu ý chí vươn lên, tập trung ở vùng cơ sở hạ tầng còn thiếu, giao thông đi lại khó khăn, giao lưu văn hóa, kinh tế còn nhiều hạn chế… nên các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo chưa được bà con tiếp cận đầy đủ và hưởng ứng nhiệt tình.

Một số đề xuất để người nghèo có động lực muốn thoát nghèo

Có thể nói, việc xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ người nghèo là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách”, sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội cho người nghèo, địa phương nghèo. Tuy nhiên, cũng từ đây đã nảy sinh ra những hạn chế của chính sách, đó là tạo ra tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước.

Ông Đinh Xuân Tiến, Trưởng phòng Dân tộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình hiến kế: Phát không, cho không người nghèo dễ mất. Do đó, để khuyến khích những hộ nghèo thoát nghèo, thay vì đầu tư cho hộ nghèo, thì hãy làm ngược lại, tăng chính sách kích thích, khen thưởng tập trung vào những người cận nghèo và mới thoát nghèo, hạn chế chính sách cho không, phát không đối với người nghèo.

Để gỡ khó cho địa phương, bà Trương Thị Thanh Hoa, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình cho rằng: Cần phân loại hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội (là hộ nghèo và không còn thành viên nào trong hộ có khả năng lao động), xem xét tách khỏi nhóm hộ nghèo để hưởng chính sách trợ cấp xã hội lâu dài vì các đối tượng này không còn khả năng thoát nghèo. Còn đối với hộ nghèo, cận nghèo khác, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích họ tích cực lao động, tiếp cận nguồn vốn, khoa học kỹ thuật và các điều kiện sản xuất khác để thoát nghèo.

Ông Đinh Thanh Sơn, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Minh Hóa, cho rằng: Trong các giải pháp giảm nghèo thì vấn đề cần quan tâm hàng đầu là phải nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền tạo bước chuyển về nhận thức, từ bỏ tâm lý trong cán bộ và nhân dân “bám” vào chính sách, buộc họ phải có ý chí vươn lên thoát nghèo khi bản thân có sức lao động, khi điều kiện tự nhiên và xã hội không quá khó khăn.

Ông Phan Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo cho người dân, hạn chế, tiến tới xóa bỏ tư tưởng của hộ nghèo trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Theo ông Vĩnh, một khi các cấp lãnh đạo và cơ quan chức năng ở địa phương phát huy tính năng động, chủ động trong công tác quản lý và chỉ đạo lồng ghép các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, đầu tư đúng đối tượng, đa dạng hóa việc huy động nguồn lực tại chỗ kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, cá nhân và cộng đồng… thì công tác xóa đói giảm nghèo sẽ gặt hái được kết quả khả quan và bền vững.

Năm nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tư vấn Chính phủ và xin ý kiến của các Bộ, ngành về việc hoạch định và quản lý chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo đa chiều theo hướng ưu việt hơn. Theo đó, những hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều thiếu hụt gì thì hỗ trợ cái đó. Việc hỗ trợ này nhằm đáp ứng đúng bản chất của sự nghèo, sự thiếu hụt của người dân. Làm được việc này chính là từng bước tạo sự kích thích đối với hộ cận nghèo, giúp họ bù đắp những thiếu hụt đa chiều để họ sớm vươn lên thành hộ thoát nghèo.

Nhưng trên tất cả, việc thiết kế, xây dựng chính sách hỗ trợ người nghèo cần phải theo hướng tạo ra động lực và sự “treo thưởng” đối với hộ nghèo, từ đó làm cho hộ nghèo có ham muốn phấn đấu vươn lên thoát nghèo để được “nhận thưởng”./.

Trần Quỳnh – Thương Huyền
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực