(ĐCSVN) – Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước và luôn nhắc nhở Chính phủ và các cấp bộ, ngành, địa phương phải “phấn đấu để miền núi tiến kịp miền xuôi”. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách để giúp đồng miền núi xóa đói, giảm nghèo, từng bước tiến kịp với miền xuôi như mong ước của Bác Hồ. Chương trình 135 chính là một ví dụ điển hình ngày càng tỏ rõ vai trò chủ chốt xóa đói giảm nghèo bền vững ở vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
|
Bằng nguồn vốn của Chương trình 135 làm cho đời sống của người dân ở vùng đặc biệt khó khăn đang không ngừng được cải thiện |
Chúng tôi có dịp về thăm Quân Khê - xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ). Tay bắt mặt mừng, Chủ tịch UBND xã Vũ Thiện Doanh phấn khởi "khoe": mấy năm trở lại đây, nhờ nguồn vốn của Chương trình 135, xã nghèo Quân Khê đã xây dựng được 4 tuyến đường, chủ yếu theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại B. Dù mặt đường chưa thật nhẵn nhưng với đồng bào các dân tộc nơi đây, cảnh lầy lội ngày mưa, bụi bặm ngày nắng đã lùi vào kỷ niệm. Đồng bào ai ai cũng phấn khởi.
Khi đến với huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai), gặp đồng chí Nguyễn Văn Phúc - Chủ tịch UBND huyện, câu chuyện đầu năm của chúng tôi đã xoay quanh bức tranh xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chủ tịch Nguyễn Văn Phúc hồ hởi đánh giá: Chương trình 135 là một trong những chính sách góp phần giải quyết nhu cầu bức thiết đang đặt ra ở vùng dân tộc và miền núi, nhất là địa bàn đặc biệt khó khăn như huyện Si Ma Cai. Chương trình đã hỗ trợ đầu tư 13 xã đặc biệt khó khăn, 90 thôn, bản đặc biệt khó khăn của huyện trên 17,5 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng là 13 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 4 tỷ 518 triệu đồng. Nhờ đó, Si Ma Cai đã đầu tư xây dựng được 27 công trình. Không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm, Chương trình 135 còn hỗ trợ các hộ dân tộc thiểu số phát triển nông nghiệp thông qua hợp phần hỗ trợ sản xuất, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ... Đối với huyện vùng cao Si Ma Cai, sản xuất nông nghiệp vẫn là mũi nhọn và xương sống của nền kinh tế. Mặc dù, đã có những bước tiến đáng kể từ khi tái lập huyện (năm 2001) tới nay, nhưng nhìn chung Si Ma Cai chưa có cú hích đáng kể nào do thiếu nguồn lực cơ bản. Chương trình 135 và một số chương trình, dự án khác đã tạo đà để huyện nghèo Si Ma Cai có thêm nguồn sức mạnh mới để tạo bứt phá trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, các giống cây trồng trước đây có năng suất thấp, nay đã là cây trồng chủ lực của huyện, đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: cây ngô, cây thuốc lá…
Vài câu chuyện với các vị lãnh đạo địa phương đã phần nào phản ánh mức độ ảnh hưởng của "thương hiệu" Chương trình 135 – một chính sách “xương sống” trong hệ thống chính sách dân tộc của Chính phủ. Thống kê của Uỷ ban Dân tộc cho thấy, trong hai năm 2012 và 2013, ngân sách Trung ương và địa phương đã bố trí cho Chương trình 135 được trên 3.227 tỷ đồng. Năm 2014, tổng kinh phí Chương trình 135 đã phân bổ cho các địa phương là trên 3.900 tỷ đồng. Địa bàn đầu tư trải rộng trên 2.331 xã và 3.509 thôn, bản.
Ông Võ Văn Bảy - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135 chia sẻ: Năm 2012 và 2013, các xã, thôn đặc biệt khó khăn được đầu tư theo Dự án 2 (đầu tư cơ sở hạ tầng) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015. Năm 2014 và 2015, các xã, thôn đặc biệt khó khăn được đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất theo Quyết định số 551/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (là Chương trình thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững). Với nguồn vốn được bố trí, Chương trình đã tập trung đầu tư xây dựng 8 loại công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu, gồm: Đường giao thông đến thôn, bản; công trình thủy lợi nhỏ, trường học, trạm y tế, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, điện sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng và chợ. Các công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư nhằm tạo ra kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi.
Từ chủ trương của Trung ương, vận dụng vào điều kiện địa phương là một quá trình sáng tạo. Ông Hà Đức Huynh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ bày tỏ: Xác định Chương trình 135 là nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho huyện, nhằm mục đích phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, xoá đói giảm nghèo bền vững, Huyện uỷ, HĐND và UBND huyện thống nhất quan điểm phải tận dụng những vật liệu sẵn có trong dân. Ngay khi lên dự toán xây dựng các công trình, toàn bộ nguyên vật liệu đều được tính toán sử dụng từ các cơ sở sản xuất thủ công hoặc nguyên liệu có sẵn trên địa bàn. Vì vậy giá thành giảm rất nhiều so với thực tế, đồng thời vừa bảo đảm cung cấp nguyên liệu, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Chủ trương này của huyện nhận được sự đồng tình và ủng hộ rất cao của chính quyền cơ sở và nhân dân địa phương. Trong quá trình thi công công trình, chính quyền và nhân dân đã bầu ban giám sát do trưởng thôn, xóm, khu dân cư làm trưởng ban. Ban giám sát có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát quá trình thi công và chất lượng công trình. Nhờ sự giám sát chặt chẽ mà các công trình xây dựng đều đảm bảo chất lượng. Đến nay, toàn huyện có 7 nhà văn hoá được xây dựng mới, là nơi phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước và phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của nhân dân. Hàng trăm km đường bê tông liên khu, liên xóm, liên xã được xây dựng, tu bổ và cải tạo lại, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Những năm trước, tình trạng hạn hán thường xuyên xảy ra. Nay nhờ có hàng trăm km hệ thống kênh mương, kênh thủy lợi được đầu tư xây dựng từ các Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình 135 mà năng suất lúa của bà con đều tăng, sản lượng năm sau cao hơn năm trước, tình trạng hạn hán đã chấm dứt. Theo đánh giá của UBND tỉnh Phú Thọ, phương châm và cách thức triển khai xây dựng hạ tầng cơ sở của Cẩm Khê là cách làm hay, cần được phổ biến và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 do Ủy ban Dân tộc tổ chức ngày hồi đầu năm 2015, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương đã “tiết lộ” nhiều thông tin vui. Năm 2014, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế trong nước chưa phục hồi hoàn toàn nhưng Chính phủ vẫn ưu tiên bố trí trên 7.800 tỷ đồng cho vùng dân tộc miền núi, chiếm 20% tổng nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách nhà nước. Năm 2015, Quốc hội đã thông qua và Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao tổng nguồn vốn trên 8.900 tỷ đồng cho vùng dân tộc, miền núi, tăng 14% so với năm vừa qua. Đó là còn chưa kể hàng trăm triệu đô la Mỹ của các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho vùng dân tộc, miền núi thông qua các dự án đặc thù. Những tín hiệu đó báo hiệu một năm khởi sắc trong phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi mà một trong những điểm nhấn sẽ là Chương trình 135 – chương trình đặc thù hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Mới đây, trong một phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã đánh giá về triển vọng của Chương trình 135 như sau: Đây là Chương trình đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, ít thất thoát nhất, hiệu quả cao và được thực hiện ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn nhất, nơi tập trung đông đồng bào DTTS. Do vậy, sẽ được Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, đầu tư; được các tổ chức quốc tế quan tâm và tiếp tục cam kết hỗ trợ cả về kinh phí và kỹ thuật; đây là điều kiện tốt để người dân tiếp cận với những tiến bộ mới và phát triển. Thực hiện Chương trình 135 sẽ tạo cơ hội cho vùng đặc biệt khó khăn rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, là điều kiện quan trọng để các xã đặc biệt khó khăn nâng dần kinh tế-xã hội, từng bước hoàn thành các tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tạo điều kiện thu hẹp khoảng cách giữa vùng dân tộc và miền núi với các vùng khác.
Bằng những kết quả thực tế của Chương trình 135 trong những năm qua đã chứng minh sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước cho vùng dân tộc, miền núi sẽ góp phần hiện thực hóa mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “phấn đấu để miền núi tiến kịp miền xuôi”. Và như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận:“Công tác dân tộc, chính sách dân tộc là vấn đề cơ bản, lâu dài, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, bảo đảm bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, có ý nghĩa quan trọng góp phần quyết định sự phát triển bền vững của đất nước”./.