Mô hình vỗ béo bò đang mang lại thu nhập cao cho đồng bào dân tộc
Ra Glai ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận (ảnh: Nguyễn Trung)
Xuất phát điểm từ năm 2012, nhằm giúp các hộ dân tộc thiểu số (DTTS) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên xóa đói, giảm nghèo, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai Dự án “Ngân hàng bò” tại huyện miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, nơi có đông đồng bào dân tộc Ra Glai sinh sống.
Ban đầu, 130 hộ nghèo ở hai xã Phước Chính và Phước Trung được hỗ trợ mỗi hộ một con bò cái sinh sản. Khi bò mẹ sinh bê con lứa đầu, thì bê con đó hỗ trợ cho hộ nghèo khác nuôi dưỡng để tạo vốn. Hộ nuôi ban đầu tiếp tục giữ lại bò mẹ và được xem là chủ sở hữu con bò mẹ đó.
Sau 5 năm, đến nay, Dự án “Ngân hàng bò” ở huyện Bác Ái đã phát triển tăng thêm hơn 200 con. Nhiều hộ phát triển đàn bò gần chục con, gây dựng vốn liếng hàng trăm triệu đồng, vừa ổn định đời sống vừa có điều kiện đầu tư trồng cỏ để vỗ béo bò, ngày càng sinh lợi nhiều hơn.
Thấy được hiệu quả xóa đói giảm nghèo từ Dự án “Ngân hàng bò”, tỉnh Ninh Thuận đã quyết định dùng nguồn vốn của Chương trình 135 tiếp mục mở rộng quy mô của Dự án ra các địa phương khác trong tỉnh, chú trọng những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Đầu năm 2017, tại xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, Chương trình 135 của tỉnh đã hỗ trợ cho 47 hộ nghèo nơi đây mỗi hộ một con bò giống trị giá hơn 12,5 triệu đồng/con, nhằm giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Không chỉ dùng nguồn vốn của Chương trình 135, tỉnh còn vận động các doanh nghiệp cùng tham gia tài trợ vốn cho Dự án “Ngân hàng bò”. Hưởng ứng lời kêu gọi của tỉnh, tháng 4 năm 2017, Tập đoàn Vingroup tài trợ 100 con bò giống sinh sản, với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng. Số bò này đã được trao cho 25 thành viên thuộc một số nhóm hộ gia đình dân tộc Ra Glai ở hai xã Phước Chiến và Phước Kháng, huyện Thuận Bắc. Khi đi vào hoạt động, các nhóm này đã tổ chức lại hình thức chăn nuôi bằng cách phân loại và tách từng riêng nhóm bò chăn để có cách chăm sóc phù hợp cho đàn bò phát triển tốt.
Tỉnh Ninh Thuận nằm ở vùng khô hạn của miền ven biển cực Nam Trung Bộ, địa hình dốc từ tây sang đông với hơn nửa diện tích là miền núi; đồng bào Ra Glai chiếm 10% số dân. Những năm qua, Ninh Thuận rất nỗ lực giúp đồng bào nâng cao nhận thức bằng cách hướng dẫn bà con tiếp cận, ứng dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật để thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới, sử dụng hiệu quả đồng vốn được hỗ trợ để tăng thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã miền núi giảm đáng kể.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Ninh Thuận Phan Hữu Đức nhận xét, Dự án “Ngân hàng bò” đang được triển khai tại tại Ninh Thuận chính là việ trao “cần câu” giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Hiệu quả cảu Dự án này trong những năm qua cho thấy tỉnh Ninh Thuận đã mở ra hướng đi đúng đắn và đang tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào biết cách nâng cao hiệu quả trong phát triển chăn nuôi gia súc có sừng ở miền núi, góp phần thiết thực vào công tác xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương./.