Giai đoạn 2016 – 2020 chỉ xây dựng 2 chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới

Thứ tư, 29/07/2015 15:16

(ĐCSVN) – Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội làm rõ 2 vấn đề được quan tâm, đó là: Định hướng của Chính phủ trong xây dựng chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2020 nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo, vừa tạo tiền đề cho phát triển lâu dài, bền vững đối với vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc; việc bố trí vốn cho thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc năm 2015, khả năng kế hoạch năm 2016 cũng như định hướng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

 

Đồng bào dân tộc Mông ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang thu hoạch lúa
được hỗ trợ một phần từ Chương trình 135 (Ảnh: Trần Quỳnh)

Định hướng của Chính phủ trong xây dựng chính sách dân tộc giai đoạn 2016 – 2020

Hệ thống chính sách dân tộc hiện nay được thể chế hóa, quy định tại gần 180 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành; được triển khai trên tất cả các lĩnh vực, vùng miền. Giai đoạn 2016 – 2020, Chính phủ giao các Bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát, tổng kết việc thực hiện chính sách dân tộc, trên cơ sở đó đề xuất ban hành, lồng ghép các chính sách dân tộc, các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới trong vùng dân tộc thiểu số, đảm bảo tính hiệu quả, bền vững.

Trong giai đoạn này, chủ trương của Quốc hội và Chính phủ là chỉ xây dựng và thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chính phủ đã yêu cầu mỗi Bộ, ngành rà soát, tích hợp các chương trình, chính sách theo hướng đa mục tiêu, tránh trùng lắp, giảm cho không, tăng cho vay, tăng cường phân cấp cho địa phương, tăng nguồn lực đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sinh kế, mở rộng đối tượng hưởng lợi, tập trung ưu tiên các địa bàn đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, có cơ chế khuyến khích địa phương thực hiện tốt chính sách và cơ chế cho các địa phương tự cân đối được nguồn lực chủ động bố trí kinh phí thực hiện chính sách dân tộc cao hơn, phù hợp thực tế.

Như vậy, chính sách dân tộc giai đoạn 2016 – 2020 sẽ là các hợp phần, nội dung được triển khai của 2 Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình mục tiêu của từng Bộ, ngành và các chính sách đặc thù do Ủy ban Dân tộc quản lý.

Bố trí vốn thực hiện chính sách dân tộc

Năm 2015, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội thông qua kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước của các chương trình mục tiêu có liên quan đến công tác dân tộc. Tổng số vốn được phê duyệt là 6.949 tỷ đồng. Một số chương trình có vốn đầu tư lớn: Chương trình hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết 30a 1.850 tỷ đồng, Chương trình 135 2.869 tỷ đồng, Chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định 755/QĐ-TTg 200 tỷ đồng, Chương trình di dân, định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg 300 tỷ đồng…

Vừa qua, Chính phủ đã trình và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận bố trí kinh phí 3.362 tỷ đồng từ nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2014, cho 6 chính sách dân tộc, cụ thể: Chính sách bảo vệ rừng và phát triển rừng, gắn với chính sách xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020 450 tỷ đồng; Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long 290 tỷ đồng; Chính sách hỗ trợ di dân định canh, định cư 377 tỷ đồng; Chính sách giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020 6 tỷ đồng; Chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013 - 2015 889 tỷ đồng.

Về định hướng kế hoạch đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2016 và giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ khẳng định sẽ bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực