Đại biểu Quốc hội Bạch Thị Hương Thủy (đoàn Hòa Bình) phát biểu tại kỳ họp Quốc hội (ảnh: quochoi.vn)
Đó là ý kiến của của đại biểu Quốc hội Bạch Thị Hương Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình tại Hội trường Quốc hội ngày 31/10, khi đóng góp ý kiến về nội dung thực hiện các chính sách giúp thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Theo bà Hương Thủy, trong thời gian qua, chính sách an sinh xã hội được thực hiện cơ bản đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân và các đối tượng chính sách của xã hội tiếp tục được chăm lo. Nhiều chương trình, chính sách đã đi vào cuộc sống như chương trình giảm nghèo bền vững cho 62 huyện nghèo; chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn ở khu vực dân tộc thiểu số và miền núi; phong trào cả nước chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau;… Ước tính năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm khoảng 1 - 1,5% so với cuối năm 2016.
Tuy nhiên, đời sống một bộ phận dân cư, đặc biệt là vùng cao, vùng sâu, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng. Theo bà Thủy, nguyên nhân của những hạn chế đó xuất phát từ một số vấn đề như: Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng núi dân tộc thiểu số vẫn còn yếu kém. Địa hình chia cắt, chi phí sản xuất đầu tư lớn, thiên tai lũ lụt ngày càng phức tạp làm cho hệ thống cơ sở hạ tầng hư hỏng, nhất là hệ thống giao thông và thủy lợi. Đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Rừng có xu hướng nghèo, kiệt, khả năng tái sinh thấp. Tập quán sản xuất lạc hậu nên thu nhập bình quân của dân khu vực này là thấp và bấp bênh, phụ thuộc vào thời tiết. Khả năng tích lũy của người dân thấp, hầu như không đáng kể. Do đó, việc đầu tư cho sản xuất gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi hạn chế, hạn mức vay thấp, thời gian ngắn trong khi chu kỳ sản xuất và yêu cầu thời gian tích lũy cần dài nên hiệu quả xóa đói giảm nghèo của tín dụng ưu đãi chưa thực sự đến với người dân đầy đủ.Trình độ sản xuất theo hướng thị trường của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế không đáp ứng được yêu cầu thị trường nên sản phẩm sản xuất ra gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ... Đó là những nguyên nhân cơ bản làm cho công tác xóa đói giảm nghèo nói chung và giảm nghèo khu vực miền núi, dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn.
Đại biểu quốc hội Bạch Thị Hương Thủy khẳng định, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm, theo báo cáo của Chính phủ huyện nghèo giảm 4%, nhưng tỷ lệ hộ tái nghèo rất cao. Đây là điều rất đáng quan tâm.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đại biểu quốc hội Bạch Thị Hương Thủy đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ quan tâm thực hiện một số nội dung như: Ban hành chính sách khung và giao ngân sách tổng thể trung hạn. Cấp tỉnh quyết định các chính sách cụ thể phương thức thực hiện và phân khai ngân sách cho cấp huyện. Cấp huyện quyết định các hoạt động hỗ trợ hoặc công trình được đầu tư trên cơ sở đề nghị của cấp xã, cộng đồng dân cư.
Cùng với đó, nên có cơ chế để huy động nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và chính bản thân hộ nghèo trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Các chính sách và nguồn lực phải được công khai minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng và hiệu quả, chuyển dần từ hình thức hỗ trợ “cho không” sang hỗ trợ có điều kiện hoặc có thu hồi để người dân có ý thức bảo toàn vốn, tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời tăng cường giám sát quản lý sử dụng nguồn lực bảo đảm tính dân chủ công khai; thực hiện nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng" trong quản lý và sử dụng nguồn nhân lực.
Xây dựng quy trình giám sát và hệ thống chỉ tiêu, theo dõi chi tiêu chặt chẽ, bảo đảm vốn được sử dụng đúng mục tiêu, đúng đối tượng, có hiệu quả, không thất thoát. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng phải thực hiện nguyên tắc xã có công trình, dân có việc làm và thu nhập. Trên cơ sở tiềm năng của mỗi địa phương, cần nghiên cứu ban hành chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nông, lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn của các huyện nghèo. Khuyến khích hộ nghèo, xã nghèo vươn lên thoát nghèo thông qua hình thức tăng thêm nguồn lực đối với những địa bàn thực hiện tốt; cắt giảm các huyện, xã thực hiện kém hiệu quả, thất thoát lãng phí nguồn vốn đầu tư.
Nhà nước luôn giữ vai trò quyết định trong việc ưu tiên và bố trí kịp thời nguồn vốn để thực hiện chương trình giảm nghèo, trong đó ưu tiên cho các địa bàn nghèo như huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn để giúp họ thoát nghèo bền vững hơn.
Cuối cùng, đại biểu Hương Thủy đã đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù cho việc xây dựng mới các khu tái định cư, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tái định cư, đầu tư xây dựng để có thể nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, nhất là những địa bàn dễ xảy ra lũ lụt, hạn hán, sạt lở do ảnh hưởng tác động xấu của biến đổi khí hậu, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội toàn diện./.