Nâng cao tính chủ động, tích cực của địa phương nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình 135

Thứ ba, 03/01/2017 14:24
(ĐCSVN) - Nhằm xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt với các thôn, bản miền núi khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều Chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, trong đó có Chương trình 135. Sau 10 năm thực hiện, Chương trình đã thể hiện tính ưu việt, nhưng bên cạnh đó cũng còn những hạn chế cần khắc phục.

Máy xay xát được Chương trình 135 đầu tư cho nhóm hộ gia đình đã phát huy hiệu quả,
giúp người dân nghèo, dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn nâng cao chất lượng cuộc sống (Ảnh: Trần Quỳnh)

Những hiệu quả tích cực

Việc triển khai có hiệu quả Chương trình 135 đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; giúp cho bà con được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, được hỗ trợ về cây, con giống, chuyển giao tiến bộ khoa học trong sản xuất, tăng thêm thu nhập, nâng cao kiến thức thông qua việc học tập từ các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả. Ngoài ra, Chương trình còn hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng; các công trình này đã mang lại một diện mạo mới cho các xã còn khó khăn.

Ở huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn), nhờ sự hỗ trợ vốn từ Chương trình 135, bà con được hỗ trợ phát triển sản xuất. Nhiều mô hình V.A.C.R tổng hợp đã giúp cho đồng bào từng bước thay đổi nhận thức về phương pháp, kỹ thuật canh tác cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp về giống, phân bón, chương trình còn triển khai hỗ trợ những công cụ và máy móc thiết bị phục vụ sản xuất cho hộ nghèo và nhóm hộ, giúp giảm bớt phần nào lao động nặng nhọc, từ đó tạo sự chuyển biến trong cơ cấu kinh tế sản xuất tại địa phương... Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến nay xuống còn 14% theo tiêu chí mới.

Xã Bản Ngoại (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), qua các giai đoạn của Chương trình 135 đến nay, được Nhà nước đầu tư nhiều công trình về kết cấu hạ tầng nông thôn đã tạo diện mạo mới. Đặc biệt, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế giúp người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Ngoài việc hỗ trợ hộ nghèo mua giống cây trồng (lúa lai, ngô lai, chè cành), vật nuôi (bò sinh sản, lợn Móng Cái), vật tư sản xuất, xã còn thực hiện hỗ trợ 4 mô hình sản xuất hiệu quả (2 mô hình sản xuất lúa lai và 2 mô hình trồng ngô lai) để nhân dân tham quan học tập và nhân ra diện rộng. Đặc biệt, xã Bản Ngoại đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân về trồng trọt, chăn nuôi, bảo dưỡng máy móc cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, từ đó giúp người dân hiểu và có thêm kiến thức về khoa học kỹ thuật phục vụ có hiệu quả trong việc phát triển kinh tế gia đình.

Lãnh đạo UBND xã Bản Ngoại cho biết, thông qua các các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã giúp các hộ nghèo nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập, cải thiện và ổn định đời sống. Không những vậy, Chương trình 135 còn góp phần tạo việc làm, tăng năng suất lao động, tạo nền tảng cho sản xuất bền vững, thực hiện tốt công tác giảm nghèo của địa phương, cụ thể tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 46,7% vào năm 2006 xuống còn 14,99% như hiện nay.

Hay như ở tỉnh Sơn La, đến nay đã có 922 công trình (giao thông, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, lớp học, nhà văn hóa... Hỗ trợ phát triển sản xuất: 126.710 triệu đồng. Đã cấp cho 6.638 hộ với 252,718 tấn giống ngô lai; 14,153 tấn thức ăn gia súc; 18.915 con gia súc, gia cầm, thủy sản; hỗ trợ 203 mô hình nuôi gà giống, nuôi lợn thịt, cá lồng, trồng cây sơn tra; hỗ trợ thiết bị máy móc, công cụ sản xuất, phân bón.

Ở tỉnh Lai Châu, trong 3 năm từ 2014 đến 2016, Chương trình 135 đã hỗ trợ cho trên 34.300 lượt hộ nghèo, cận nghèo và nhóm hộ được thụ hưởng với tổng số 195 con trâu, 12 con bò; 1.821 con lợn, 399 con dê; gần 165.500 con gà, vịt; xấp xỉ 2.000 máy móc sản xuất; hỗ trợ làm 559 chuồng trại chăn nuôi; xây dựng 2 mô hình sản xuất;… Trong quá trình thực hiện hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, tỉnh còn lồng ghép để thực hiện các mục tiêu quy hoạch phát triển nông nghiệp trên địa bàn, giúp cho đồng bào giải quyết bớt phần khó khăn về giống và kỹ thuật, vật tư sản xuất, giúp nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi.

Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Bình được phân bổ nguồn vốn từ Chương trình 135 gồm 6 tỷ đồng. Hiện nay, bằng nguồn vốn của Chương trình 136, đã có 36 công trình khởi công mới, tổng kinh phí đầu tư là 12,43 tỷ đồng; 13 công trình hoàn thành chuyển tiếp, tổng kinh phí đầu tư là 7,35 tỷ đồng; có 37 công trình đã hoàn thành, kinh phí 18,1 tỷ đồng; có 8 công trình chuẩn bị đầu tư, kinh phí 910 triệu đồng. Tỉnh cũng đã hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn và thôn, bản đặc biệt khó khăn 12,9 tỷ đồng, tập trung chủ yếu cho các nội dung như hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất; mua sắm thiết bị máy móc, công cụ sản xuất, chế biến sản phẩm. Bên cạnh đó, kinh phí cho duy tu bảo dưỡng là 2,15 tỷ đồng. UBND các huyện đã bố trí duy tu bảo dưỡng cho 63 công trình, đạt 100% kế hoạch. Ban Dân tộc của tỉnh đã triển khai tập huấn được 19 lớp với khoảng 1.300 lượt người tham gia (01 lớp ở tỉnh, 06 lớp ở huyện, 12 lớp ở xã) đạt trên 95% so với kế hoạch.

Vẫn còn những hạn chế

Bên cạnh những mặt đã làm được, trong quá trình chỉ đạo, phối hợp thực hiện Chương trình 135, cũng bộc lộ những hạn chế khiến hiệu quả của Chương trình mang lại không được như mong muốn, việc giảm nghèo thiếu tính bền vững (tái nghèo), cần sớm khắc phục.

Trước hết, văn bản hướng dẫn chậm ban hành, chưa sát thực tế. Việc ban hành văn bản từ Trung ương đến cơ sở chậm, dẫn đến việc giải ngân chậm, không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ví dụ, đến gần giữa năm 2016, các địa phương mới được giao vốn thực hiện Chương trình, trong khi đó, địa phương còn phải làm các thủ tục cần thiết mới có thể triển khai. Đến tháng 12, rất nhiều công trình, hạng mục chưa làm xong, chưa thể thanh quyết toán, do đó hầu hết các địa phương chỉ thực hiện được một phần nhỏ các dự án đã lập ra.

Ngoài ra, nhiều văn bản quản lý, hướng dẫn có nội dung khó hiểu, khó triển khai, định mức không phù hợp, khi có ý kiến góp ý thì chậm được sửa đổi hoặc đã sửa đổi nhưng vẫn còn bất cập; thiếu cơ chế khuyến khích các địa phương lồng ghép nguồn lực, thực hiện tốt các mục tiêu của các chương trình, chính sách; chưa có chế tài xử lý đối với địa phương triển khai chậm, kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc sử dụng vốn Chương trình cũng bị chồng chéo. Ví như ở thôn Khuổi Pái, xã Huyền Tụng (thị xã Bắc Cạn), được đầu tư 400 triệu đồng từ Chương trình 135 trong 2 năm để xây dựng được tuyến đường bê tông dài 560 mét, rộng 3 mét. Tuy nhiên, để giải ngân được số vốn này theo từng năm, Ban Quản lý dự án của xã phải làm thành hai dự án (200 triệu đồng/dự án); và ở mỗi dự án, theo quy định, đều phải có chi phí tư vấn khảo sát, thiết kế (16% tổng vốn đầu tư). Như vậy, xã đã phải chi tiền đến 2 lần cho việc khảo sát, thiết kế cùng một con đường.

Một thực trạng nữa là vốn Chương trình 135 cấp cho các dự án ít, dẫn đến đầu tư dở dang hoặc kéo dài, gây lãng phí lớn. Nói về tình trạng này, lãnh đạo UBND xã Trà Ðốc, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) cho biết, xây dựng một công trình ở miền núi tốn kém hơn ở miền xuôi, nhưng nguồn vốn Chương trình 135 cấp hằng năm quá ít, cho nên nhiều tuyến đường giao thông phải làm từng đoạn. Ngay như tuyến đường huyết mạch từ trung tâm xã về các thôn, trước đây làm bằng đất và đến nay mới bê tông hóa được một đoạn từ thôn 1 đến thôn 2; còn đoạn từ thôn 2 về thôn 5 (dài 25 km) chưa được nâng cấp, cho nên cứ đến mùa mưa, đường bị xói mòn, lầy lội không đi được. Thực tế cho thấy, vốn nhỏ, thời gian thi công dài, chất lượng đường kém, hư hỏng nhanh.

Năng lực cán bộ xã, thôn, bản cũng là vấn đề nan giải đặt ra. Hầu hết, số cán bộ này trình độ, năng lực còn hạn chế, ảnh hưởng lớn đến việc lập dự án, triển khai thực hiện các chính sách, chế độ. Ðây là bất cập lớn trong xây dựng, quản lý các dự án, công trình đầu tư; hướng dẫn, lãnh đạo, chỉ đạo, động viên nhân dân thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mô hình sản xuất.

Hầu hết lãnh đạo tỉnh, thành phố đều có chung nhận định "do trình độ cán bộ xã còn hạn chế, nên việc phân cấp cho xã quản lý đầu tư một công trình xây dựng cơ bản gặp khó khăn; công tác thanh quyết toán các công trình do xã làm chủ đầu tư, duy tu bảo dưỡng công trình... còn nhiều lúng túng".

Đối với hợp phần cấp vốn cho người nghèo phát triển kinh tế, ý kiến từ nhiều địa phương cho thấy, việc hỗ trợ từ Chương trình đôi khi chưa đồng bộ, mang tính nhất thời, chỉ hỗ trợ sản xuất một khâu, một mặt nào đó, chỉ quan tâm "cho cá" chứ không phải "cho cần câu" và "dạy câu cá", nên việc giảm nghèo không bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Ngoài ra, mức hỗ trợ vốn của Chương trình quá thấp, không đủ để một hộ gia đình nghèo có thể phát triển sản xuất, do đó việc xóa đói giảm nghèo không hiệu quả. Việc xác định đối tượng cây trồng, vật nuôi, qui mô sản xuất cho phù hợp với từng đối tượng hộ nghèo đôi khi cũng chưa phù hợp. Bên cạnh đó, một số hộ thuộc diện nghèo lại chưa có ý thức, chưa tích cực vươn lên trong phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, có tư tưởng ỷ lại.

Việc giảm nghèo cần phải theo tiêu chí bền vững

Thời gian qua, công tác giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, tập trung nhiều nguồn lực và đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Tuy nhiên, để phát huy những mặt tích cực của Chương trình, hạn chế mặt tiêu cực, trước tiên, các cấp chính quyền cần hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách, sao cho kịp thời, dễ hiểu, dễ tiếp cận và dễ thực hiện. Việc phân bổ nguồn vốn cũng cần thực hiện sớm thể các địa phương căn cứ vào đó lập kế hoạch thực hiện.

Việc tăng nguồn vốn cho xây dựng kết cấu hạ tầng, tránh chia làm nhiều giai đoạn dẫn đến những lãng phí không cần thiết, tăng hỗ trợ sản xuất cho người dân là những việc cần làm ngay. Đồng thời, cần đơn giản hóa thủ tục đầu tư, nâng cấp và duy tu, sửa chữa công trình để đồng vốn phát huy hiệu quả cao nhất cũng sẽ tạo thuận lợi cho người dân vùng dân tộc miền núi.

Một báo cáo của Ủy ban Dân tộc cũng nêu rõ, đối với Chương trình 135, cần xây dựng cơ chế lồng ghép và phối hợp trong việc bố trí nguồn lực trong việc đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng (đầu tư dứt điểm, bố trí đủ nguồn lực) từ đó mới phát huy hiệu quả đồng bộ của các công trình; trong hỗ trợ phương tiện sản xuất cần hỗ trợ đầy đủ các nội dung; nâng cao xuất đầu tư, đảm bảo để người dân có đủ điều kiện để sản xuất.

Cần tiếp tục xây dựng những chương trình, dự án phù hợp với từng vùng sinh thái, để tranh thủ tối đa các nguồn kinh phí của Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài, hỗ trợ một cách thiết thực cho các hộ nghèo và cận nghèo. Bên cạnh việc đầu tư hỗ trợ cây, con giống, vật tư thiết bị sản xuất, phải kết hợp tập huấn kỹ thuật theo kiểu cầm tay, chỉ việc; động viên, khuyến khích họ hăng say sản xuất. Tạo điều kiện cho họ được sinh hoạt trong các câu lạc bộ nông dân, các tổ chức đoàn thể tại địa phương hay đi tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề, đi tham quan các mô hình có hiệu quả. Đồng thời, vận động người dân tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả và bền vững.

Tại Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành, có hợp phần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ cơ sở. Đây được coi là giải pháp căn cơ, nhằm nâng cao trình độ, khả năng tiếp cận với nền kinh tế trong tình hình mới của cộng đồng dân cư sẽ giúp cho địa phương thực hiện và quản lý tốt các dự án đầu tư từ Chương trình. Điều này cũng nhằm tận dụng tối đa năng lực, trình độ của nguồn nhân lực tại chỗ.

Để đạt được những mục tiêu đề ra của Chương trình 135 giai đoạn tới, vẫn đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành chức năng, nhất là sự chủ động, sáng tạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, nơi thụ hưởng chính sách. Mặt khác, bản thân người nghèo, hộ nghèo cũng cần tích cực tham gia, coi đây là cơ hội thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình, góp phần vào quá trình phát triển chung của đất nước. Do đó, công tác tuyên truyền cũng cần được chú trọng và phát huy./. 

Thu Hà
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực