Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bộ mặt nông thôn vùng miền núi ngày càng khởi sắc (Ảnh: QL)
Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số và 53 dân tộc thiểu số. Các dân tộc thiểu số ở nước ta sinh sống trên địa bàn chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên. Cả nước có 56/63 tỉnh, thành phố, 463 huyện và 5.453 xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống theo cộng đồng tại các thôn, bản, làng, phum, sóc.
Lịch sử dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm luôn chứng minh tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc thiểu số đã góp phần làm nên những giá trị cốt lõi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Lịch sử cũng chứng minh trong quá trình thực hiện các cuộc cách mạng, các cuộc kháng chiến đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho dân tộc từ năm 1930 đến nay, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng vùng dân tộc thiểu số, xác định đây là một địa bàn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tất cả các dân tộc, bất kỳ to hay là nhỏ, đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà”; “Phải đưa miền núi nhanh chóng tiến kịp với miền xuôi”…, khi sự nghiệp cách mạng hoàn thành, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục chăm lo đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo…
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (năm 2011) khẳng định: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội vùng dân tộc thiểu số. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”.
Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục khẳng định: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội vùng dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”.
Như vậy, phần nói về vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII ngắn gọn hơn so với những Đại hội trước. Ngắn hơn, nhưng lại có tầm bao quát hơn, cụ thể và sâu sắc hơn. Đó cũng là dễ hiểu, bởi điều đó phản ánh tư duy lý luận của Đảng ta về vùng đồng bào miền núi không ngừng được bổ sung và nâng lên; đồng thời cũng phản ánh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với vùng đồng bào miền núi không ngừng được củng cố và phát triển.
Điểm mới trong Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII về vùng miền núi, dân tộc thiểu số nổi bật hai ý:
Thứ nhất, đề cập tới chính sách phát triển, Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI viết: “Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội vùng dân tộc thiểu số”, thì trong Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, ngoài việc nhắc lại chủ trương của Đảng: “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội vùng dân tộc thiểu số”, đã nhấn mạnh và chỉ rõ thêm: “nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung”.
Thứ hai, đề cập tới vấn đề phát triển giáo dục - đào tạo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần XI viết: “Quan tâm hơn tới phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn”, thì trong Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã cụ thể hóa hơn: “Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số”.
Về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Đây đều là những địa bàn có vị trí địa chính trị đặc biệt của nước ta, bao chứa trong đó vùng núi, biên giới, biển đảo, vùng xâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Những năm qua, hầu hết các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước (các Chương trình, Dự án: 327, 661, 134, 135, 551, 1722, 30a…) về hỗ trợ an sinh xã hội đối với đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí đều được triển khai ở bốn vùng trọng điểm này là chủ yếu. Theo số liệu của Ủy ban Dân tộc cho biết: Trong 5 năm (2011 – 2015), nguồn lực bố trí cho công tác dân tộc khoảng 36.900 tỷ đồng; việc triển khai hệ thống chính sách dân tộc đã thu được những thành quả quan trọng, góp phần làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của vùng này đã có sự chuyển dịch khá tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc miền núi giảm trung bình 3 – 4%/năm, trong đó: vùng Đông Bắc giảm 9,05%; vùng Tây Bắc giảm 10,26%; vùng Bắc Trung bộ giảm 9,02%; vùng Tây Nguyên giảm 8,4%; vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm 5,91%... Giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã quyết định đầu tư 48.397 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1% - 1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3% - 4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020; Phấn đấu 50% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 20 - 30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Mặc dù vậy, do có nhiều khó khăn về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu, cách xa những vùng trung tâm và các đô thị lớn, nên cả bốn vùng này đều chịu nhiều thiệt thòi, sự phát triển còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng trung của cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2016, miền núi Tây Bắc là khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, chiếm tới 31,24% cả nước, tiếp đến là miền núi Đông Bắc với 17,72%. Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ lần lượt là 15,27% và 10,34; trong khi đó, đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam bộ tỷ lệ chỉ là 3,23% và 1,05%.
Vì vậy, Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định và nhấn mạnh cần phải chú ý quan tâm đến các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung là phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và nhằm thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng nông thôn với vùng thành thị, giữa miền núi với miền xuôi.
Tuy nhiên, mọi nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước dù lớn đến bao nhiêu cũng sẽ tới một giới hạn nào đó. Vì vậy, để vùng dân tộc và miền núi phát triển bền vững, không có cách nào khác là phải động viên, hỗ trợ cho người dân nâng cao trình độ dân trí, khả năng nắm bắt khoa học kỹ thuật, ý chí tự lực vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững, trong đó đặc biệt chú trọng tới vấn đề phát triển chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, như trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề cập.
Sở dĩ cần phải quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số là bởi vì hiện nay, trong 63 tỉnh, thành phố, có 12 tỉnh, thành phố tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm quá nửa dân số của địa phương (Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Kon Tum), nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ dân tộc thiểu số từ 30% đến dưới 50%. Như vậy, nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá cao, tập trung chủ yếu ở vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Về cơ cấu ngành, nghề: Hiện nay, lao động của vùng dân tộc chủ yếu tham gia vào nghề nông và các nghề đơn giản, các lĩnh vực đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và trung bình hầu như rất ít. Tại vùng miền núi vùng Trung du và miền núi phía Bắc có đến 78,44% dân số từ 15 tuổi trở lên đang tham gia vào nghề nông và các ngành nghề đơn giản, trong khi đó chỉ có 6,26% tham gia vào các ngành nghề có chuyên môn kỹ thuật cao và trung bình; vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung tương ứng là 64,81% và 7,31%; Tây Nguyên là 76,33% và 5,93%... Các chỉ tiêu này phần nào phản ánh thực trạng về trình độ và năng lực của lao động vùng dân tộc và miền núi hiện nay.
Nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động của vùng dân tộc thiểu số đã qua đào tạo mới đạt 10,5% (so cả nước 25%), trong khi chưa qua đào tạo chiếm tỷ trọng quá lớn 89,5%; Nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi có trình độ đại học, trên đại học đạt 2,8%, riêng người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 1,1% (thấp hơn 4 lần so với toàn quốc); trong đó vùng Trung du và miền núi phía Bắc 2,8%; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 3,6%; Tây Nguyên 2,8%; Đồng bằng sông Cửu Long 2,1%.
Về trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số: ở cấp hội đồng nhân dân tỉnh, trình độ đại học trở lên chiếm 77,26%, vẫn còn 22,74% cán bộ có trình độ dưới đại học; đối với cấp ủy ban nhân dân tỉnh, trình độ đại học trở lên chiếm tỷ lệ 87,36%, vẫn còn 12,64% có trình độ dưới đại học. Tương tự ở cấp hội đồng nhân dân huyện, có trình độ đại học trở lên thấp hơn cấp tỉnh, chỉ đạt 45,63% và có đến 54,37% cán bộ có trình độ dưới đại học; ở cấp hội đồng nhân dân xã, cán bộ có trình độ đại học rất thấp, chỉ chiếm 5,87%, còn lại 94,13% có trình độ thấp hơn. Đội ngũ cán bộ thôn, bản năng lực, trình độ còn thấp hơn nhiều...
Từ những phân tích, đánh giá trên cho thấy, điểm mới trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII liên quan đến vùng miền núi, dân tộc thiểu số chính là kết quả quá trình đúc rút và tích lũy từ thực tế để kết tinh, chuyển hóa, nâng lên thành lý luận. Từ đó, tiếp tục chỉ đạo, định hướng cho công tác dân tộc, miền núi trong 5 năm tới và những năm tiếp theo nhằm giải quyết hai vấn đề cơ bản và cốt lõi nhất của vùng dân tộc, miền núi, đó là xóa đói giảm nghèo và nâng cao dân trí.
Những điểm mới Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII liên quan đến vùng miền núi, dân tộc thiểu số không dài, nhưng để thực hiện đầy đủ nội hàm của nó đòi hỏi sự nỗ lực quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, sự chung tay đồng lòng của nhân dân cả nước, trong đó có sự nỗ lực cao độ của đồng bào các dân tộc thiểu số. Làm được như vậy chính là góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
------------------------------
Chú thích: Các số liệu trong bài được tham khảo từ:
- Tổng cục Thống kê: "Niên giám thống kê năm 2014", Nxb. Thống kê;
- Báo cáo kết quả khảo sát của Ủy ban Dân tộc về "Thực trạng nguồn nhân lực và hệ thống chính sách phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số ở Việt Nam".