Từ nguồn hỗ trợ của Dự án giảm nghèo, nhiều hộ dân ở xã Mai Lạp (Chợ Mới) đã được vay
vốn với lãi suất 0% trong vòng 2 năm để đầu tư nuôi trâu bò vỗ béo. Ảnh: baobackan.org.vn
Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm ở vùng Đông Bắc Bắc Bộ, có 2 huyện nghèo thuộc diện hỗ trợ Chương trình 30a và 58 xã đặc biệt khó khăn thụ hưởng Chương trình 135. Qua thực hiện các chương trình giảm nghèo, trong giai đoạn 2010-2015 toàn tỉnh đã có trên 40 ngàn lượt hộ được hỗ trợ máy móc, thiết bị và công cụ sản xuất, vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ khai hoang, phục hóa, xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt; trên 30 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; xóa nhà tạm cho gần 3.700 hộ nghèo; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho trên 4 ngàn lượt cán bộ; xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo...
Các công trình hạ tầng cũng được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện với 820 công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường, lớp học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, nước sinh hoạt tập trung. Từ nguồn vốn phân bổ cho các Chương trình giảm nghèo, trong đó có Chương trình 135, nhiều công trình được đầu tư xây mới, duy tu bảo dưỡng, điển hình như: tại huyện Bạch Thông đã đầu tư xây dựng 84 công trình, chủ yếu là thủy lợi, giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình dân dụng; duy tu bảo dưỡng 20 công trình chủ yếu là các công trình nước sinh hoạt tập trung, giao thông, trường học... Tại huyện Pác Nặm, giai đoạn 2012 - 2015, Chương trình 135 được triển khai tại 10 xã với 118 thôn bản, trong đó có 98 thôn đặc biệt khó khăn với tổng vốn được giao là trên 67 tỷ đồng để triển khai các hợp phần hỗ trợ sản xuất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và duy tu bảo dưỡng các công trình. Riêng trong năm 2015, huyện Pác Nặm đã đầu tư xây dựng mới 5 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, đến nay cả 5 công trình đã được hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất nông nghiệp, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn nước tưới tiêu ở các địa phương.
Sau 5 năm thực hiện các chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 32,13% năm 2011 xuống còn 11,63% vào cuối năm 2015. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 16,93% năm 2011 xuống còn 7,91% cuối năm 2015.
Đánh giá về những kết quả và hạn chế của công tác giảm nghèo thời gian qua, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh nhận định, sau 5 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo, kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá… trên địa bàn tỉnh đã từng bước được đầu tư hoàn thiện, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, phục vụ dân sinh; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; tỷ lệ giảm hộ nghèo còn chậm; mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo khác biệt không đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao; đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng chưa sâu rộng nên nhận thức của một bộ phận cán bộ cơ sở và một số hộ nghèo còn hạn chế, có biểu hiện trông chờ, ỷ lại và không muốn thoát nghèo; các chính sách, dự án hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo hiệu quả còn thấp. Công tác rà soát, bình xét hộ nghèo còn nhiều bất cập về tiêu chí và biện pháp thực hiện, còn nể nang, né tránh, chưa phán ánh đúng đối tượng.
Xuất phát từ thực trạng giảm nghèo thời gian qua, UBND tỉnh đã thông qua Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2 đến 2,5%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều; nâng cao mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo đến năm 2020, theo đó phấn đấu 100% người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 85% hộ nghèo có người từ 15 đến dưới 30 tuổi tốt nghiệp trung học cơ sở; 98% hộ nghèo có trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường; 80% hộ nghèo có nhà ở đảm bảo chất lượng; 95% hộ nghèo đảm bảo về diện tích nhà ở; 95% hộ nghèo có nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90% hộ nghèo có hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; 95% hộ nghèo sử dụng dịch vụ viễn thông; 95% hộ nghèo có thiết bị phục vụ tiếp cận thông tin.
Để đạt được những mục tiêu trên, UBND tỉnh cũng triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp như: xây dựng các quy định để khuyến khích sự tham gia của người dân về các hoạt động giảm nghèo, từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, triển khai thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả. Chuyển dần phương thức hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện (cho vay); từ hỗ trợ đầu vào trong sản xuất sang hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người nghèo hiểu được trách nhiệm vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tập trung phát triển sản xuất, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo. Tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế, đặc biệt phát triển kinh tế hàng hóa ở các huyện nghèo; xã, thôn đặc biệt khó khăn....
Bên cạnh đó, theo chia sẻ của lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, muốn đạt được những mục tiêu đặt ra, quan trọng nhất là sớm rà soát, đề xuất, sửa đổi các chính sách giảm nghèo không còn phù hợp, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo, thôn nghèo. Bên cạnh đó, cần đổi mới hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên, tham gia các tổ chức sản xuất như hợp tác xã, tổ hợp tác và chuỗi liên kết sản xuất kinh doanh, tiêu thụ để thoát nghèo. Đặc biệt, gốc rễ của giảm nghèo phải giải quyết vấn đề mấu chốt là cải thiện thu nhập và kích thích ý thức tự vươn lên của các hộ nghèo.
Được biết, theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, cuối năm 2015, toàn tỉnh Bắc Kạn có 22.706 hộ nghèo/77.220 hộ, chiếm tỉ lệ 29,4%; có 9.269 hộ cận nghèo, chiếm tỉ lệ 12,0%. Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo tỉnh Bắc Kạn đầu giai đoạn 2016 - 2020 là 41,4%. Qua điều tra, phân tích cho thấy, sự thiếu hụt các chỉ số cơ bản của hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là do thiếu hụt về tiếp cận dịch vụ y tế (2,06%), bảo hiểm y tế (18,06%), trình độ giáo dục của người lớn (17,85%), đi học của trẻ em (2,99%), diện tích nhà ở (23,36%), nguồn nước sinh hoạt (18,13%),...