Đường thôn Nà Án, xã Xuân La, huyện Pác Nặm, Bắc Kạn được làm từ nguồn vốn chương trình 135 (Ảnh: Báo Bắc Kạn)
Theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Bắc Kạn chiếm 29,4%, hộ cận nghèo chiếm 12%. Trong 6 tháng đầu năm 2016, các đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo cho cả giai đoạn 2016 - 2020, trong đó đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, lộ trình, kinh phí và các giải pháp cụ thể; kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp, phân công theo dõi phụ trách các địa bàn; xây dựng kế hoạch phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, giao cho các xã với chỉ tiêu và các giải pháp cụ thể, phân công các đảng viên và các chi hội đoàn thể giúp đỡ trực tiếp các hộ nghèo dự kiến giảm có địa chỉ cụ thể; tổ chức triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ cho người nghèo, tạo điều kiện để người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện đời sống nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo.
Các chính sách giảm nghèo trong lĩnh vực giáo dục được triển khai đầy đủ. Các chính sách hỗ trợ về giáo dục (như miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn, ở cho học sinh bán trú) đã góp phần giảm tỉ lệ học sinh bỏ học, tăng tỉ lệ huy động trẻ em đến trường theo độ tuổi, nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.
Thực hiện chính sách về y tế, toàn tỉnh Bắc Kạn có 213.711 lượt người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, với số kinh phí hơn 66 tỷ đồng. Công tác khám chữa bệnh cho người nghèo được chú trọng, trong 6 tháng đầu năm đã có 118.508 lượt người nghèo được khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Các chương trình Mục tiêu quốc gia về y tế, các dự án quốc tế lồng ghép với công tác giảm nghèo trong lĩnh vực y tế được triển khai đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, nâng cao năng lực của cán bộ y tế, hỗ trợ y tế cơ sở, phục vụ tốt cho nhân dân về y tế, trong đó có người nghèo.
Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù tại huyện nghèo theo Chương trình 30a, chương trình 135 được triển khai theo kế hoạch.
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, hạn chế còn tồn tại và giải pháp tháo gỡ trong thực hiện công tác giảm nghèo như: Việc thực hiện phân bổ nguồn vốn năm 2016 đối với chương trình 30a, chương trình 135; việc xác định đối tượng thụ hưởng chính sách theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủvề chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh khi hộ gia đình gặp biến cố, rủi ro; vấn đề cho vay giải quyết việc làm; sự phối kết hợp giữa các ngành trong việc lồng ghép chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư với nguồn vốn tín dụng chính sách...
Thực hiện công tác giảm nghèo những tháng cuối năm 2016, các địa phương, đơn vị xác định tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng kế hoạch triển khai Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo; huy động, bố trí và sử dụng có hiệu quả nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo; đầu tư cơ sở hạ tầng theo thứ tự ưu tiên gắn với xây dựng nông thôn mới; cập nhật, quản lý, theo dõi đầy đủ dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo theo kết quả điều tra, rà soát; tổ chức tốt công tác theo dõi, giúp đỡ hộ nghèo, địa bàn được phân công phụ trách, tập trung các nguồn lực hỗ trợ để phấn đấu đạt mục tiêu giảm nghèo theo kế hoạch đề ra; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các nguồn vốn, các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đúng quy định.
Bà Hoàng Thu Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn cho rằng vấn đề huy động và lồng ghép các nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới cần được các địa phương chú trọng hơn nữa nhằm nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững. Trong thực hiện các chương trình cần quan tâm đến tiêu chí thu nhập của người dân, tìm ra những giải pháp khả thi nhằm nâng cao thu nhập, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, các địa phương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện và kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác giảm nghèo; quan tâm sát sao, hướng dẫn cụ thể cho các xã từ khâu xây dựng kế hoạch đến quá trình triển khai giải pháp các giảm nghèo ở cơ sở.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thông tin - truyền thông trong việc hỗ trợ thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, lãnh đạo cần chỉ đạo các địa phương quan tâm đầu tư mới, nâng cấp sửa chữa các trạm truyền thanh cấp xã, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt tới cơ sở; tổ chức tốt phong trào văn hóa văn nghệ trong cộng đồng nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Bên cạnh đó, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Bắc Kạn là lãnh đạo các sở, ngành chuyên môn cần quan tâm triển khai thực hiện kế hoạch giảm nghèo gắn với nhiệm vụ chuyên môn được phân công, từ đó hỗ trợ có hiệu quả cho công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh./.