Chính phủ quyết tâm tạo thêm nhiều nguồn lực phục vụ tốt hơn công tác xóa đói giảm nghèo và vùng đồng bào dân tộc

Thứ hai, 27/11/2017 15:36
(ĐCSVN) – Trong phiên họp chiều ngày 18/11/2017, kỳ họp lần thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ đã dành hai tiếng rưỡi, nhiều hơn dự kiến nửa tiếng, để trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, trong đó có vấn đề liên quan đến công tác xóa đói giảm nghèo và chính sách đối với vùng dân tộc, miền núi.
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) nêu câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum):

Kính thưa Quốc hội, Kính thưa Thủ tướng,

Chúng ta đang thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đã đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, thực hiện xóa đói, giảm nghèo khá thành công. Tuy nhiên, sự chênh lệch giàu nghèo, sự phân hóa xã hội cũng đang diễn ra. Ví dụ, chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng với miền núi, Tây Nguyên. Trong cơ chế thị trường, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, phân hóa xã hội ngày càng lớn như một xu hướng.

Đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm về vấn đề này và các giải pháp khắc phục? 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Kính thưa Quốc hội,

Đầu tiên tôi xin trả lời câu hỏi của đại biểu Tô Văn Tám. Đại biểu hỏi về sự chênh lệch giàu nghèo, văn hóa xã hội diễn ra trong xã hội chúng ta như thế nào và biện pháp ra sao?

Như chúng ta đã biết, mục đích của cuộc cách mạng là giải phóng dân tộc, nâng cao đời sống của người dân cả về vật chất và tinh thần, cả miền xuôi và miền núi, đô thị và nông thôn. Trong thời kỳ kháng chiến, chúng ta thực hiện phương châm người cày có ruộng và Bác Hồ đã nói không sợ thiếu mà chỉ sợ không công bằng. Đại hội Đảng của chúng ta cũng xác định dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Trên tinh thần đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị của chúng ta liên tục phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng như chúng ta đã biết, đời sống của nhân dân từ nông thôn đến miền núi, vùng sâu, vùng xa được cải thiện rất đáng kể, cái đói, cái thiếu giảm đi rất nhiều. Tuy vậy, tỷ lệ người nghèo, nhất là ở vùng xa xôi, hẻo lánh, biên giới, hải đảo, bãi ngang vẫn còn, thu nhập của người dân ở nông thôn chưa được bằng một nửa so với thành thị và đặc biệt ở vùng núi chỉ đạt được khoảng 44% như tôi đã trình bày. Cho nên việc phân phối của cải xã hội hợp lý để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội là chủ trương và phải làm liên tục. Điều này thể hiện định hướng xã hội chủ nghĩa theo quan điểm phát triển của nước ta.

Chính vì vậy, muốn giải quyết vấn đề này, chúng tôi nghĩ phải tiến hành nhiều việc. Trước hết, về mặt kinh tế, chúng ta phải đẩy mạnh ổn định tái cơ cấu kinh tế, tăng năng suất, chất lượng để hiệu quả của nền kinh tế tốt hơn và mang lại lợi ích cho toàn xã hội nhiều hơn. Đào tạo việc làm cho người nông dân ở nông thôn miền núi, điều tiết thu nhập qua thuế tốt hơn, an sinh xã hội có nhiều trụ cột khác nhau, đảm bảo quyền lợi cần thiết cho người dân phải được tiến hành mạnh mẽ hơn, nhất là hỗ trợ tín dụng cho người nghèo mạnh mẽ hơn.

Về mặt chính trị, chúng ta muốn giảm khoảng cách thì ổn định chính trị vô cùng quan trọng, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt, dân chủ, công khai để mọi người dân có cơ hội vươn lên và tạo điều kiện cho người dân làm chủ cũng là một thể hiện của giảm chênh lệch. Có nhận thức tốt, có hành động tốt, có chính trị tốt, có kinh tế tốt thì mới có thể giải quyết tốt vấn đề khoảng cách chênh lệch này. Đặc biệt về mặt xã hội chúng ta phải tiếp tục tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế, nhất là cho người nghèo, người yếu thế, chính sách cho người có công, chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới hảo đảo, vùng đặc biệt khó khăn cần phải tiếp tục đặt ra trong quá trình chỉ đạo và thực hiện của nước ta. Đặc biệt, ngân sách Nhà nước phải đầu tư mạnh mẽ hoạt động giảm nghèo; cần cho xã hội hóa công tác xóa đói giảm nghèo; giúp đỡ người dân vùng thiên tai; khơi dậy một tinh thần trách nhiệm xã hội, tinh thần vượt khó; nhân rộng các mô hình thoát nghèo hiệu quả.

Trong báo cáo tôi đã trình bày trước Quốc hội, chúng ta cảm ơn những tấm lòng hảo tâm của mọi người dân, mọi doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã cưu mang, giúp đỡ, hỗ trợ trực tiếp cho những vùng thiên tai khó khăn, thể hiện góp phần nhỏ để giảm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, nhất là những vùng bị thiên tai. Đặc biệt, tôi nghĩ rằng với tinh thần giảm khoảng cách giàu nghèo, chúng ta phải chỉ đạo, quan tâm mạnh mẽ hơn, dành nguồn lực nhiều hơn trong việc này ở các vùng, nhất là quan tâm đến vùng còn khó khăn chúng ta đã nêu ra, nhất là những vùng chưa có điện, chưa có đường, chưa có trạm xá hạ tầng cần thiết cho đời sống của người dân để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và những người yếu thế. Cần giải quyết tốt các chính sách mà chúng ta đã ban hành đến tận người dân. Tôi nghĩ giải quyết đồng bộ các vấn đề này sẽ giảm khoảng cách giàu nghèo của chúng ta.

Một bài báo của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân có nêu rau, củ, quả trong thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam nếu thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo tốt cũng góp phần cho việc xóa đói, giảm nghèo; giảm khoảng cách chênh lệch đói nghèo. Những lợi thế đó cần phát huy cụ thể trong thời gian tới để giảm khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị với nông thôn và miền núi. 

Đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân (Đoàn Thanh Hóa) nêu câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ

Đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân (Đoàn Thanh Hóa)

Kính thưa Quốc hội, Thưa Thủ tướng,

Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến chính sách dân tộc nhưng nguồn lực dành cho vùng đồng bào dân tộc còn rất thấp so với yêu cầu cần có. Ngân sách không đi liền với chính sách, hiện nay có trên 30% hộ dân tộc thiểu số là hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc miền núi chỉ bằng 44% bình quân chung của cả nước.

Để giảm sự cách biệt trong phát triển giữa các dân tộc cũng như thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi và vùng đồng bằng, đề nghị Thủ tướng cho biết quyết tâm của Thủ tướng và Chính phủ về vấn đề này?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thưa Quốc hội,

Chính sách dân tộc rất quan trọng của Đảng, Nhà nước ta, với tinh thần bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển. Tổng số hiện nay có 94 chính sách dân tộc, nhưng do ngân sách hạn hẹp nên giai đoạn 2010 - 2015 chúng ta mới bố trí được 50% nhu cầu. Trước yêu cầu bức xúc của vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khó khăn, Quốc hội và Chính phủ đều biết vấn đề này nên 2016 - 2020 chúng tôi cố gắn bố trí cao hơn, tinh thần là tạo thêm nhiều nguồn lực để phục vụ tốt hơn cho chính sách đồng bào dân tộc./.

PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực