Tỉnh Hòa Bình: công tác xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc đang từng bước mang lại hiệu quả

Thứ tư, 22/07/2015 11:20

Là tỉnh miền núi, dân số 82 vạn người, đồng bào dân tộc chiếm trên 73%, Hòa Bình có 95 xã đặc biệt khó khăn và 116 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II. Những năm qua, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước như: Chương trình 135, chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt, chính sách vay vốn cho hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn… góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

 

 Nông dân xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) được hỗ trợ giống, vốn trồng ngô

Các chương trình, dự án, chính sách được thực hiện công khai, dân chủ từ cơ sở, đầu tư đúng mục đích, đúng đối tượng, tạo được lòng tin và hưởng ứng của nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện. Chỉ tính riêng Chương trình 135 (2011 - 2014), tỉnh đã đầu tư 726 công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, trạm y tế, trường học... với tổng mức đầu tư 366,5 tỷ đồng đã cải thiện đáng kể hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn. Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng đã mở ra hướng sản xuất mới, bước đầu khai thác tiềm năng, xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc. Chương trình đầu tư nước sinh hoạt tập trung đã từng bước khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho những vùng khó khăn. Tỉnh được Trung ương đánh giá là địa phương triển khai tốt dự án định canh, định cư theo Quyết định số 33/QĐ-TTg, ngày 5/3/2007 và Quyết định số 1342/QĐ-TTg, ngày 25/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh cũng chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách về hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, chính sách đối với người có uy tín, chính sách vay vốn phát triển sản xuất, chính sách đào tạo nâng cao năng lực cán bộ dân tộc, huy động các nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc đem lại hiệu quả thiết thực. Việc thực hiện các chính sách dân tộc đã tạo chuyển biến mạnh mẽ ở vùng khó khăn. Về hạ tầng, đến nay, cơ bản các xã có đủ trường tiểu học và trung học cơ sở, điện sinh hoạt, đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã có điểm bưu điện văn hoá xã; 100% xã có trạm y tế, đảm bảo thực hiện vệ sinh phòng dịch, khám - chữa bệnh ban đầu cho nhân dân; 98,8% trẻ em trong độ tuổi được đến trường; 100% xã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, 66/68 xã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã từng bước ổn định, góp phần giảm dần khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và giữa các vùng trong tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh cơ bản không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2014 còn 15,46%; trên địa bàn các xã 135 còn khoảng 33%. Năng lực của cán bộ dân tộc, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị cơ sở từng bước được nâng cao. Đời sống văn hoá của đồng bào được cải thiện, văn hoá truyền thống được bảo tồn, giữ gìn và phát triển. Nhiều lễ hội, phong trào hoạt động văn hoá mới được khuyến khích, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình, ở vùng đồng bào dân tộc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song kinh tế nhìn chung còn chậm phát triển. Kết cấu hạ tầng ở địa bàn vùng cao, sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số của tỉnh còn cao, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao... Tỉnh ta đang kiến nghị với Trung ương tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn bản vùng đặc biệt khó khăn, nhất là hệ thống giao thông, thuỷ lợi, tập trung hỗ trợ các hộ nghèo phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, xóa đói giảm nghèo bền vững./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực