Lan tỏa hiệu quả từ mô hình Câu lạc bộ “Liên thế hệ tự giúp nhau”
Thứ ba, 14/12/2021 18:43 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Ra đời từ yêu cầu thực tiễn tại cơ sở, thời gian qua, mô hình Câu lạc bộ “Liên thế hệ tự giúp nhau” tại tỉnh Tuyên Quang đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong phát huy vai trò của người cao tuổi, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương...
Thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ (CLB) “Liên thế hệ tự giúp nhau” theo Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 2/8/2016 và Đề án nhân rộng mô hình CLB “Liên thế hệ tự giúp nhau” giai đoạn đến năm 2025 theo Quyết định 1336/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ, mô hình đã được duy trì và nhân rộng tại nhiều địa bàn của tỉnh Tuyên Quang. Mục tiêu của CLB nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi thuộc nhóm dễ bị tổn thương thông qua việc tự giúp nhau dựa vào cộng đồng và cách tiếp cận liên thế hệ. Đây là kiểu mô hình CLB đa chức năng, có sự tổng hợp hoạt động của tất cả các loại hình CLB của người cao tuổi mang tính đặc thù có sẵn trước khi mô hình CLB này được thành lập. Thực tế, mô hình CLB “Liên thế hệ tự giúp nhau” đã trở thành địa chỉ tin cậy cho hàng nghìn người cao tuổi trên địa bàn tỉnh.
|
Câu lạc bộ thị trấn Yên Sơn. Ảnh: KD |
Tại tỉnh Tuyên Quang, nét nổi bật của mô hình là có sự kết hợp liên thế hệ phù hợp với mong muốn của người cao tuổi, góp phần gắn kết người cao tuổi với các thế hệ trẻ trong một cộng đồng dân cư, giúp họ phát huy tối đa vai trò trong sự phát triển chung của xã hội. Bên cạnh đó, hoạt động chăm sóc sức khỏe của CLB cũng đem lại hiệu quả thiết thực. Hầu hết các CLB trên địa bàn đã thường xuyên tổ chức luyện tập thể dục dưỡng sinh và thực hiện hoạt động thăm khám sức khỏe cho các thành viên, như đo huyết áp, cân nặng, kiểm tra tim mạch vào các buổi sinh hoạt định kỳ; mời cán bộ y tế thôn bản tổ chức truyền thông, tư vấn cho các thành viên về phòng, chống các bệnh thường gặp, cách tự chăm sóc sức khoẻ của người cao tuổi. Ngoài ra, hoạt động văn hoá, văn nghệ cũng góp phần cải thiện sức khỏe, tinh thần cho các thành viên. Đến nay, 100% CLB đều có đội văn nghệ nòng cốt, luyện tập thường xuyên, tích cực tham gia vào hoạt động phong trào tại địa phương. Tiêu biểu như CLB tại thị trấn Yên Sơn thuộc Thành phố Tuyên Quang.
Đặc biệt, hoạt động tăng thu nhập thông qua Quỹ tăng thu nhập của CLB đã giúp nhiều người cao tuổi phát huy được vai trò tham gia phát triển kinh tế. Nguồn vốn của Quỹ đã được các CLB cho thành viên vay tối đa 5 triệu đồng/người, thời hạn không quá 2 năm với lãi suất từ 0,6 - 1%/năm. Thời gian qua, đã có hàng nghìn lượt thành viên được vay vốn phát triển sản xuất; trong đó, hàng trăm hộ đã vươn lên thoát nghèo. Đáng chú ý, các CLB đều có tình nguyện viên phát triển kinh tế, giúp tư vấn nâng cao nhận thức, kỹ thuật, kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ cho các thành viên nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.
Thực tế cho thấy, việc triển khai, nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau tại tỉnh Tuyên Quang đã phát huy hiệu quả thiết thực, được Trung ương đánh giá cao; góp phần cùng Việt Nam giành giải thưởng lớn trong hạng mục Sáng kiến dựa vào Cộng đồng do Ban tổ chức của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN Đông Nam Á và Trung tâm Giao lưu quốc tế Nhật Bản trao tặng giải thưởng Sáng kiến vì một châu Á già hóa khỏe mạnh lần thứ Nhất, năm 2020.
Nguyễn Khánh Dư