Mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau: Điểm tựa của người cao tuổi

Thứ ba, 30/11/2021 17:08
(ĐCSVN) - Ở nước ta, Người cao tuổi luôn được Đảng và Nhà nước cũng như toàn xã hội dành sự quan tâm đặc biệt. Việt Nam cũng là một trong rất ít quốc gia trên thế giới đưa vấn đề chăm sóc, phát huy vai trò của Người cao tuổi thành luật, tạo điều kiện cho Người cao tuổi cũng như các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội ngày càng làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc Người cao tuổi góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tốc độ già hóa dân số của Việt Nam hiện nằm trong nhóm nhanh nhất thế giới. Theo số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam hiện có gần 13 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 13,6% tổng dân số, trong đó số người trên 65 tuổi trở lên là hơn 8,4 triệu người (chiếm tỷ lệ 8,9%); số người trên 80 tuổi trở lên xấp xỉ 2 triệu người (chiếm 17,6% tổng số NCT);  Tuổi thọ trung bình của NCT Việt Nam tăng từ 68,6 tuổi (năm 1999) lên 73,2 tuổi (năm 2014) và dự báo sẽ tăng lên tới 78 tuổi (năm 2030) và 80,4 tuổi vào năm 2050; đến năm 2050, NCT sẽ tăng lên khoảng 27 triệu người, chiếm 1/4 tổng dân số cả nước. Có thể khẳng định rằng già hóa dân số là một trong những thay đổi quan trọng nhất trong xã hội. Sự gia tăng về số lượng người cao tuổi ngày càng khẳng định tầm quan trọng của tình trạng già hóa đang diễn ra, mặc dù những thành kiến và phân biệt đối xử về tuổi tác vẫn còn tồn tại.

 Tư vấn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang trở thành một yêu cầu
thiết yếu. Ảnh: HD

Là tổ chức xã hội, hoạt động trong phạm vi cả nước, trong lĩnh vực Người cao tuổi theo quy định của pháp luật, từ khi thành lập và đi vào hoạt động tới nay, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Hội Người cao tuổi đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc, phát huy và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Người cao tuổi trong cả nước. Một trong những chính sách góp phần quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên là Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau theo Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 2/8/2016  và Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025  theo Quyết định 1336/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Qua thực tiễn triển khai thực hiện Đề án, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam là cơ quan thường trực chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra giám sát thực hiện Đề án. Báo cáo tổng kết thực hiện Đề án của 6 bộ, ngành và 58 địa phương, càng khẳng định CLB Liên thế hệ tự giúp nhau là một chính sách đúng đắn, nhân văn, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cộng đồng, đặc biệt hàng trăm nghìn Người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, cải thiện về kinh tế, sức khỏe, tinh thần, góp phần làm tốt công tác chăm sóc và phát huy vai trò Người cao tuổi tại cộng đồng. Đồng thời tạo điều kiện để Người cao tuổi tiếp tục đóng góp cho cộng đồng và sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Kết thúc giai đoạn 5 năm thực hiện Đề án (năm 2020), Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương đánh giá cụ thể kết quả đạt được theo các tiêu chí, chỉ tiêu của Đề án triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời xây dựng Đề án Nhân rộng CLB Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025, Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đúng dịp Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám thành công (Quyết định số 1336/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ).

Câu lạc bộ liên thế hệ giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe. Ảnh: Phương Thanh

Mục tiêu và các chỉ tiêu cơ bản của Đề án CLB Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025, có ít nhất 95% các tỉnh/thành phố trong cả nước có CLB Liên thế hệ tự giúp nhau; có thêm ít nhất 3.000 CLB mới được xây dựng với 150.000 thành viên, trong đó có hơn 100.000 là  Người cao tuổi. Chú trọng việc nhân rộng CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đối với các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động và quản lý 100% CLB liên thế hệ tự giúp nhau đã thành lập giai đoạn 2016 - 2020 và các CLB mới được thành lập.

Hiệu quả rất lớn của CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đã giúp cho rất nhiều Người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn nhận được sự giúp đỡ từ những người thuộc thế hệ trẻ, từ cộng đồng, giải quyết các nhu cầu an sinh xã hội tại cơ sở, góp phần làm tốt công tác chăm sóc Người cao tuổi đã được luật định.

Tính từ ngày 31/5/2021 đến cuối tháng 9/2021 có thêm 05 địa phương, gồm: Bình Định, Bình Thuận, Vĩnh Long, Bắc Ninh và Tuyên Quang được UBND tỉnh phê duyệt Đề án, nâng tổng số địa phương trên cả nước có Đề án/Kế hoạch là 53 tỉnh/thành phố với 2800 Câu lạc bộ. Số Câu lạc bộ mới sẽ thành lập trong giai đoạn 2021-2025 là 3226 Câu lạc bộ.

Thực tế đã cho thấy người cao tuổi đang dần dần được công nhận vì những đóng góp đáng kể của họ trong quá trình chăm sóc liên thế hệ, và tiếp tục tham gia vào đời sống cộng đồng. Người cao tuổi đã trở thành một lực lượng chính trị ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội của mỗi quốc gia. Đặc biệt tại các nước phát triển, các tổ chức của người cao tuổi góp phần đáng kể giúp người cao tuổi có tiếng nói lớn hơn trong việc hoạch định và ban hành các quyết sách của quốc gia./.

PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực