Mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau trở thành điểm tựa tăng cường sự gắn bó, đoàn kết ở Lạng Sơn

Chủ nhật, 28/11/2021 22:38
(ĐCSVN)- Mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ nhiều năm trước. Đến thời điểm này, nhiều CLB đã đi vào hoạt động có hiệu quả, trở thành điểm tựa để người cao tuổi sống vui, sống khoẻ hơn.

Nhiều CLB được thành lập

Ngày 15/11 vừa qua, Hội Người cao tuổi (NCT) xã Tri Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Lễ ra mắt CLB Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN) thôn Bản Châu.

CLB LTHTGN Bản Châu có 50 thành viên, sinh hoạt định kì hằng tháng. Trong đó 70% là NCT, 70% là phụ nữ, ưu tiên thành viên nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ban Chủ nhiệm có 5 thành viên.

Đây là tổ chức xã hội tự nguyện, tự quản, với mục đích, cải thiện chất lượng cuộc sống tăng thu nhập, giúp nhau thoát nghèo và các hoạt động cộng đồng khác như trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tham quan các mô hình, giao lưu văn hóa văn nghệ, được vay vốn lãi xuất ưu đãi để sản xuất chăn nuôi; được chăm sóc, khám sức khoẻ định kì, chia sẻ và cùng giúp nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Được biết, đây không phải là CLB LTHTGN đầu tiên trên của tỉnh Lạng Sơn. Mô hình CLB LTHTGN đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ nhiều năm trước. Đến thời điểm này, nhiều CLB đã đi vào hoạt động có hiệu quả, trở thành điểm tựa để người cao tuổi sống vui, sống khoẻ hơn.

Theo thống kê, toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 19 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau với gần 1.000 thành viên tham gia.

Lễ ra mắt CLB Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN) thôn Bản Châu, xã Tri Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. 

“Mái nhà chung” để tăng cường sự gắn bó, đoàn kết

Môt trong những điển hình về hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đó là CLB LTHTGN khối 10, thị trấn Cao Lộc. CLB này được thành lập tháng 5/2019, hiện tại có 50 thành viên thuộc các thế hệ: cao tuổi, trung tuổi, trẻ tuổi, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.

Ông Hồ Hữu Hải, Chủ nhiệm CLB cho biết, mục đích thành lập CLB nhằm nâng cao sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của các thành viên, nhất là người cao tuổi, thông qua sự gắn kết giữa các thành viên.

Những ngày đầu thành lập, CLB được ngành chức năng của huyện và của tỉnh hỗ trợ tiền mặt và nhiều thiết bị phục vụ hoạt động như: 1 bộ máy vi tính, máy in, máy đo huyết áp, máy test nhanh bệnh tiểu đường và cân đo sức khoẻ. Để hoạt động hiệu quả, CLB đưa ra quy chế hoạt động cụ thể, trong đó đề ra 8 nội dung, lĩnh vực hoạt động, liên quan đến công tác chăm sóc sức khoẻ, phát triển kinh tế, văn hoá văn nghệ, thăm hỏi ốm đau, bệnh tật…

Đồng thời, thống nhất đóng góp 50 nghìn đồng/người/năm để làm quỹ hoạt động CLB và cho thành viên vay vốn phát triển kinh tế. Các thành viên trong Ban Chủ nhiệm CLB được giao nhiệm vụ tương ứng mỗi người một mảng, lĩnh vực phụ trách, phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn của từng người.

Ban Chủ nhiệm CLB Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN) thôn Bản Châu. 

Với tâm huyết, trách nhiệm vì tập thể, thời gian qua, Ban Chủ nhiệm và các thành viên CLB đã đoàn kết thực hiện hiệu quả các nội dung đề ra. Trong đó, từ năm 2020 đến nay, CLB đã tổ chức được 4 buổi chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế; 3 thành viên được hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế (từ nguồn quỹ của CLB). Thông qua các hoạt động này, các thành viên trong CLB đã xây dựng được 9 mô hình kinh tế mới và giúp nhiều trường hợp thoát nghèo.

Bà Bế Thị Khoa, thành viên CLB cho biết: “Tôi thường xuyên được các thành viên chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế. Tháng 11/2020, do hoàn cảnh khó khăn, tôi được CLB tạo điều kiện cho vay 3 triệu đồng để mở quán nước. Nay do quy định về phòng dịch COVID-19, tôi nghỉ bán nước và chuyển sang nấu rượu, đến nay, đời sống gia đình đã ổn định hơn”.

Được biết, gần 2 năm trở lại đây, CLB đã tổ chức thăm hỏi 24 thành viên ốm đau, bệnh tật. Mặt khác, hoạt động văn hoá, văn nghệ được chú trọng. Hiện tại, CLB có đội văn nghệ với 20 thành viên và đội dưỡng sinh với 25 thành viên.

Từ khi thành lập đến nay, câu lạc bộ đã góp phần giảm được 3 hộ nghèo và có 47/50 thành viên thuộc hộ gia đình văn hoá, tăng 3 hộ so với năm 2019. Đây còn là “mái nhà chung” để tăng cường sự gắn bó, đoàn kết giữa các thế hệ trong gia đình và cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực