Cải thiện một bước đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội
Theo ông Nguyễn Ngọc Toản - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Nghị định 20 phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, không chồng chéo nội dung, đối tượng.
Đồng thời, những quy định được triển khai sẽ cải thiện một bước đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội.
Theo tính toán, ngân sách chi trợ giúp xã hội hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, mai táng phí cho đối tượng theo Nghị định 20 vào khoảng 23.675 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, đến thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định 20, đã có 12 tỉnh, thành phố chủ động tăng mức chuẩn trợ cấp, mức trung bình khoảng 390.000 đồng/tháng, cho gần 700.000 đối tượng với kinh phí 3.514 tỷ đồng/năm.
Trong đó, tỉnh Vĩnh Phúc quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội bằng 1/3 mức lương cơ sở, cao nhất trong cả nước (tương đương khoảng 500.000 đồng/tháng).
Để Nghị định 20 nhanh chóng đi vào cuộc sống, Bộ LĐTB&XH đã ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP; ban hành Quyết định số 635/QĐ-LĐTBXH về công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong lĩnh vực bảo trợ xã hội thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ LĐTB&XH. Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát, tổng hợp đối tượng, dự kiến ngân sách và thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã dự thảo thông tư hướng dẫn về nội dung chi, mức chi, nguồn kinh phí, lập, phân bổ và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp xã hội. Hiện đã lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 7/2021.
|
Nghị định 20 phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, không chồng chéo nội dung, đối tượng. (Hình minh họa)
|
Nhiều địa phương đã thực hiện
Theo ông Nguyễn Ngọc Toản, cho đến thời điểm này, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Nghị quyết, kế hoạch, văn bản hướng dẫn huyện, xã tổ chức thực hiện, bảo đảm đối tượng đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội được chuyển sang hưởng mức mới từ ngày 1/7/2021.
Theo đó, tại tỉnh Đắk Lắk, ngày từ giữa tháng 7/2021, UBND tỉnh này đã ban hành công văn, trong đó giao UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 1/7/2021 là 360.000 đồng/tháng (theo quy định tại khoản 2, Điều 4 của Nghị định 20). Mức chuẩn trợ giúp xã hội là căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; mức trợ cấp nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội và các mức trợ giúp xã hội khác.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh; Phối hợp, chỉ đạo các đơn vị thực hiện chi trả đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, xây dựng phương án chi trả cụ thể để thực hiện chi trả trợ cấp kịp thời, công khai, an toàn, đúng quy trình…
Cũng trong thời gian trên, tại tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh này cũng ban hành Công văn giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính triển khai hướng dẫn các địa phương, cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện việc rà soát, lập danh sách đối tượng hưởng trợ cấp xã hội mới và đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, tại cơ sở trợ giúp xã hội được chuyển mức trợ cấp xã hội và hệ số tương ứng theo quy định tại Nghị định 20; tăng cường công tác quản lý đối tượng, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại các địa phương, tình hình hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh.
|
Hiện nay, nhiều địa phương đã triển khai chi trả trợ cấp xã hội theo mức mới.
(Hình minh họa)
|
Bên cạnh với ban hành công văn chỉ đạo, một số địa phương trên cả nước cũng đã tiến hành chi trả tiền trợ cấp xã hội theo Nghị định 20. Là một trong những địa phương của tỉnh Bình Định thực hiện sớm việc chi trả tiền trợ cấp xã hội theo Nghị định 20 của Chính phủ, đến nay toàn huyện Tuy Phước đã xét duyệt, phê duyệt trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng phát sinh và thực hiện điều chỉnh mức, hệ số tương ứng theo Nghị định 20 của Chính phủ cho hơn 10.390 đối tượng, với tổng số tiền thực hiện trong tháng 9, 10 và truy lĩnh hơn 15 tỷ đồng, trong đó 25 đối tượng là trẻ em mồ côi; 127 đối tượng người cao tuổi neo đơn, hộ nghèo; 4.865 đối tượng người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên; 5.195 đối tượng khuyết tật; 139 đối tượng đơn thân nghèo đang nuôi con nhỏ; 39 đối tượng khác./.