Nội dung thư cho biết cơ sở giáo dục này ghi nhận 89 học sinh không đủ khả năng mua thẻ bảo hiểm y tế học đường. Giá trị mỗi thẻ là 680.400 đồng, sử dụng cho năm 2024. Tổng số tiền để mua thẻ bảo hiểm y tế khoảng 60 triệu đồng.
Tâm tư tình cảm trong bức thư được nhân lên nhiều hơn nhờ những con số biết nói. Đại diện nhà trường cho biết sau 2 ngày phát động đã nhận số tiền ủng hộ tương đương 200 thẻ, đơn vị cũng đã thông báo ngừng vận động. Số tiền dư sẽ chăm lo cho các em vào dịp Tết Nguyên đán.
Đặc biệt hơn, nó xuất phát từ một cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, vốn được biết tới là trung tâm tài chính, đầu tàu kinh tế của cả nước. Nói rộng hơn, thì trên dải đất hình chữ S thân thương này còn biết bao hoàn cảnh cần được hỗ trợ.
|
Bản thân giáo viên mong muốn được tôn vinh nghề cao quý dịp 20/11. Hoa và quà không phải là điều thầy cô muốn hướng tới (Ảnh minh họa, nguồn: Việt Hà/ vietnamplus.vn) |
Tương tự, bà Đoàn Thị Tuyết Yến, Hiệu trưởng trường tiểu học Tô Hiệu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cũng vừa gửi thư ngỏ từ chối nhận hoa từ phụ huynh, thay vào đó kêu gọi mua thẻ bảo hiểm y tế cho 55 em có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Thư ngỏ của 2 trường trên ngay lập tức nhận được hưởng ứng đông đảo từ dư luận. Nhiều người đánh giá đây là hành động đẹp, ý nghĩa và sâu sắc nhất mà các thầy cô nhận được trong ngày lễ 20/11 thay vì hoa và quà.
Ngành bảo hiểm xã hội đã đạt được nhiều thành tựu, từng bước khẳng định bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là 2 chính sách có vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội. Vượt qua những áp lực, toan tính nhất định, cũng như chắc hẳn phải có sự trao đổi và sẻ chia chân tình giữa nhà trường với cán bộ truyền thông của ngành bảo hiểm xã hội để từ đó thống nhất cao và quyết định phát hành thư ngỏ.
Ở khía cạnh nào đó, họ chính là những “chiến binh không mang quân hàm, cầu vai”, suy nghĩ và hành động theo tinh thần “7 dám”: “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta từng căn dặn: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Từng câu từng chữ trong bức thư ngỏ như những bông hoa đẹp tươi trong ca khúc “Những bông hoa trong vườn Bác” của cố nhạc sĩ Văn Dung.
Tin rằng, đây thực sự là mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, từ đó tạo sức lan tỏa ra một số mảng lĩnh vực khác trong xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng yếu thế như phụ nữ, người già, người neo đơn...
Ngày vui của ngành của nghề sắp tới, bỏ qua và cũng chẳng cần thiết phải thống kê xem có bao nhiêu cơ sở giáo dục đủ bản lĩnh theo đúng nghĩa để làm được những điều giản dị mà hết sức nhân văn như trên.
Thông lệ, cứ đến ngày 20/11, nhiều doanh nghiệp, phụ huynh học sinh, các đối tác của nhà trường lại tặng hoa, bánh kem rất lãng phí. Thống kê một năm chúng ta có bao nhiêu ngày kỷ niệm, ngày truyền thống, và tất nhiên rất nhiều rất nhiều lẵng hoa, giỏ hoa có giá từ vài trăm nghìn tới hàng triệu đồng cũng sẽ được đặt hàng.
Vậy nhưng, hoa dù tươi mấy đi chăng nữa rồi cũng sẽ héo tàn, trong khi còn bao nhiêu những đứa trẻ gia đình hoàn cảnh khó khăn lại đang cần có sự bảo đảm nhất định về sức khỏe để có cơ hội thụ hưởng quyền được học, quyền được chơi và quyền được sống tốt.
Đâu đó, những người kinh doanh hoa tươi, trái cây tươi hay cơ sở sản xuất bánh kem cũng sẽ vẫn vui dù doanh thu “có thể suy giảm” bởi đây là ý nguyện tốt đẹp của tập thể nhà trường, còn phụ huynh nào muốn cảm ơn chân thành tới riêng thầy cô chủ nhiệm của con của cháu mình thì cứ mạnh dạn hành động bởi tri ân nhà giáo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta bao đời nay./.