|
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại kỳ họp quốc hội khóa XV. |
Những ngày gần đây cơn sốt chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” hay một số bộ phim của Trấn Thành ra rạp luôn trong tình trạng cháy vé đã phần nào khẳng định sức hút mạnh mẽ, làm thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân khi cho rằng văn hóa hay các sản phẩm của văn hóa đơn thuần chỉ mang giá trị tinh thần tuyên truyền, giáo dục… là chủ yếu.
Thực tế ở các nước phát triển cũng cho thấy công nghiệp văn hóa từ lâu đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tăng sức mạnh mềm và có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của mỗi quốc gia. Nhiều sản phẩm văn hóa của họ mang tính sáng tạo cao, trở thành hàng hóa, mang tính kinh tế và vận hành theo cơ chế thị trường. Còn nhớ năm 1993, kinh phí sản xuất bộ phim “Công viên kỷ Jura” (Mỹ) chỉ là 63 triệu USD nhưng đã mang lại doanh thu khổng lồ 1,029 tỷ USD, tương đương lợi nhuận 500.000 chiếc xe ô tô của hãng Huyndai (Hàn Quốc).
Trước thực tế đó, chính phủ Hàn Quốc đã học tập, quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng phát triển văn hóa trong đó đặc biệt chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa bằng việc thực thi một loạt chính sách đồng bộ, triển khai khẩn trương nên đã tạo ra “làn sóng Hàn Quốc” (Hallyu) với đại diện là phim ảnh, thời trang, ca nhạc… Sau hơn 20 năm, công nghiệp văn hóa đã trở thành động lực của nền kinh tế xứ sở Kim chi khi đóng góp gần 9% trong tổng số GDP lên tới hơn 1.500 tỷ USD, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 16% mỗi năm.
Ở các quốc gia khác, công nghiệp văn hóa cũng đều đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế: Thu về 26 tỷ Bảng Anh chiếm 10,6% xuất khẩu, cung cấp hơn hai triệu việc làm tại Vương quốc Anh; chiếm khoảng 7% doanh thu nền kinh tế Nhật Bản, thu hút 5% nhân công lao động toàn quốc; chiếm tỷ trọng 7,2% GDP của Indonesia…
Công nghiệp văn hóa bản chất là công nghiệp “không khói” không gây tác động lớn đến môi trường, hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên vô tội vạ. Lợi ích của công nghiệp văn hóa còn giúp nền kinh tế các quốc gia linh hoạt tái cơ cấu, giữ vững ổn định. Ngay cả các sản phẩm cũ nhờ công nghiệp bản quyền trợ giúp cũng có thể tiếp tục sinh lời như tất cả các sản phẩm liên quan đến chú mèo máy giả tưởng Doraemon ra đời từ năm 1969 đến nay đã thu về hơn 5,592 tỷ USD; con số trên chưa dừng lại khi bộ phim mới nhất về Doraemon vẫn gây ra cơn sốt vé, thu về hơn 83 triệu USD….
Ở Việt Nam Ngày 8/9/2016 Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” xác định công nghiệp văn hóa là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam hiện nay gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công, mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Hiện các lĩnh vực này đang phấn đấu đóng góp 7% GDP cho đất nước.
|
Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển công nghiệp văn hóa. |
Đánh giá về tiềm năng, các chuyên gia đều cho rằng Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển công nghiệp văn hóa.Tài nguyên trong lòng đất, dưới biển, trên rừng có thể bị cạn kiệt, nhưng riêng văn hóa sẽ là nguồn của cải vô tận nếu biết khai thác, sử dụng, phát huy giá trị. Thực hiện “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” Việt Nam đang xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp văn hóa, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang khẳng định sức hút mạnh mẽ của các ngành công nghiệp văn hóa. Việt Nam hiện có hơn 70 nghìn cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa, thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp bình quân đạt hơn 1 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa vào GDP năm 2015 là 2,68% GDP; đến năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP. Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD).
Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. So sánh số liệu thống kê sau 7 năm của chúng ta với tình hình chung trên thế giới, có thể thấy, Việt Nam đang là quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hóa và còn nhiều dư địa phát triển.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nguyễn Văn Hùng, bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều bất cập và thách thức đặt ra. Theo đó, hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật (luật, nghị định) quy định thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa. Đồng thời, còn thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện trên cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng.
Nguồn lực đầu tư cho văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng còn mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu về số lượng và chất lượng. Chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn chưa thực sự khuyến khích và thu hút nhân lực vào lĩnh vực này.
Ngoài ra, chưa có chỉ số thống kê về ngành công nghiệp văn hóa trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Thống kê của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan mới chỉ đáp ứng yêu cầu báo cáo phục vụ công tác quản lý, chưa được thực hiện toàn diện và đầy đủ dẫn đến việc đề xuất giải pháp phát triển của từng lĩnh vực chưa kịp thời và sát thực tế; các ngành công nghiệp văn hóa là nhóm ngành dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa của Việt Nam hiện nay chưa đưa được hết các giá trị cốt lõi, bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều doanh nghiệp Việt chưa đề cao xây dựng giá trị thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ và các yếu tố pháp lý liên quan đến bảo vệ bản quyền.
Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chưa được nhiều nhà đầu tư quan tâm, do nguồn vốn chi cho đầu tư sáng tạo lớn, nhưng khả năng thu hồi vốn chậm, nhỏ lẻ và tiềm ẩn nhiều rủi ro từ cơ chế, chính sách, phương pháp quản lý, đến ứng xử của cộng đồng, xã hội đối với từng sản phẩm công nghiệp văn hoá.
Việt Nam có một thị trường nội địa tiềm năng với dân số trẻ, cởi mở, dễ tiếp cận, tuy nhiên đối tượng này chưa hình thành thói quen, ý thức trong việc tôn trọng, bảo vệ và phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa của Việt Nam một cách toàn vẹn, khai thác, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tuân thủ đúng quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Đầu tư tài chính cho văn hóa trong đó có công nghiệp văn hóa từng bước được nâng lên nhưng hiện tại còn thấp hơn so với nhu cầu….
Trước những bất cập này việc giải bài toán về phát triển công nghiệp văn hóa với mục tiêu đạt 7% GDP hàng năm chắc chắn vẫn còn xa vời. Nhưng chúng ta vẫn có quyền hy vọng và kỳ vọng khi Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 đã được Quốc hội vừa mới thông qua. Đây chắc chắn sẽ là “bà đỡ” là cơ sở quan trọng để công nghiệp văn hóa Việt Nam cất cánh trong tương lai.