|
Ảnh minh họa. Nguồn: VA |
Từ tối 19/4, thông tin trên mạng xã hội phản ánh hai trường THCS ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) có hiện tượng giáo viên vận động học sinh lớp 9 học lực không tốt chuyển trường và không dự thi vào lớp 10 THPT. Nhiều phụ huynh ở quận khác cũng lên tiếng “con tôi cũng giống trường hợp này”, và nhận được “lời khuyên” nên đi học nghề vì lý do những em học lực trung bình, kém không thể đỗ được lớp 10 công lập, nên chuyển hướng học nghề là giải pháp tốt hơn cả. Họ thậm chí còn được yêu cầu viết cam kết chuyển trường hoặc không dự thi vào lớp 10.
Việc này cũng đã “đến tai” Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Ngay sáng 20/4, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh và yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên. Sự quyết liệt của Bộ GD&ĐT được thể hiện bằng cách kêu gọi những người trong cuộc: nếu có thông tin và minh chứng về nội dung này, đề nghị các vị phụ huynh và quý vị gửi về cơ quan Bộ GD&ĐT theo địa chỉ email: trungtamtruyenthonggiaoduc@moet.edu.vn, hoặc liên hệ qua số điện thoại: 0985.111179 và 0943.316147.
Cũng liên quan việc này, trưa ngày 20/4, Văn phòng UBND TP Hà Nội có văn bản số 3653/VP-KGVX gửi Sở GD&ĐT Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng về việc xử lý thông tin liên quan đến kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2022-2023. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu xác minh, làm rõ thông tin, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có), báo cáo UBND TP kết quả thực hiện.
Chiều cùng ngày (20/4), lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng đã lên tiếng giải thích. Ông Đoàn Tiến Trung, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, ngay khi có thông tin về sự việc, tối 19/4, Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy đã yêu cầu nhà trường báo cáo. Sáng 20/4, lãnh đạo quận Cầu Giấy và Phòng GD&ĐT đã làm việc và yêu cầu các trường báo cáo, rà soát hồ sơ để kiểm tra. Qua nắm bắt, có 11 em chuyển trường thì đa số là chuyển sang địa phương khác vì lý do gia đình. Lãnh đạo Phòng cũng gọi trao đổi trực tiếp với phụ huynh, học sinh và không có chuyện Ban Giám hiệu hay nhà trường ép học sinh chuyển trường.
Ông Đoàn Tiến Trung cho rằng các nhà trường không có lý do để ngăn cản học sinh kém thi vào lớp 10 bởi tỷ lệ trúng tuyển vào các trường công lập không nằm trong tiêu chí đánh giá thành tích của trường hay giáo viên. Các trường đặt quyền lợi học sinh lên trên hết, không để xảy ra ép buộc học sinh có học lực yếu, trung bình ra học trường ngoài công lập.
Ông Đoàn Tiến Trung cũng khẳng định thông tin về việc ép học sinh và phụ huynh phải cam kết, gặp tư vấn định hướng chuyển trường, không thi vào 10 là không chính xác. "Cách truyền đạt của giáo viên có thể gây hiểu sai. Sắp tới chúng tôi sẽ bồi dưỡng kỹ năng truyền đạt, trao đổi cho giáo viên", ông Trung nói.
Dù lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy đã giải thích, nhưng phụ huynh và dư luận xã hội vẫn không “tâm phục, khẩu phục”. Một số ý kiến cho rằng “không có lửa làm sao có khói” vì hiện tượng này không chỉ xảy ra ở quận Cầu Giấy hay ở địa bàn Hà Nội, mà còn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố khác. Và cũng không phải chỉ năm nay mà việc vận động học sinh lớp 9 có học lực trung bình, kém không đăng ký thi vào lớp 10 công lập đã xảy ra nhiều năm, gây ra nỗi bức xúc trong lòng của nhiều phụ huynh nhưng không phải ai cũng dám lên tiếng, vì muốn bảo vệ con em mình.
Vậy phải chăng gốc rễ vấn đề nằm ở bệnh thành tích? Ông Đoàn Tiến Trung, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy khẳng định, tỷ lệ trúng tuyển vào các trường công lập không nằm trong tiêu chí đánh giá thành tích của trường hay giáo viên. Thế nhưng, khi xã hội và phụ huynh nhìn vào bảng thống kê điểm bình quân thi vào lớp 10 của các trường THCS để “ngầm” đánh giá chất lượng giáo dục, thì việc có nhiều em học lực không tốt dự thi vào lớp 10 bị trượt sẽ “kéo” thành tích của các trường xuống, phần nào ảnh hưởng “danh tiếng” của trường.
Việc học, việc được dự thi vào lớp 10 công lập là quyền chính đáng của học sinh, của gia đình các em. Hành động "cản trở" thi vào lớp 10 là rất vô lý và phản giáo dục. Phụ huynh L.T.T.H có con học lớp 8 ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: Cá nhân tôi cũng thông cảm phần nào áp lực của cô giáo và nhà trường phải làm vậy, cũng là bất đắc dĩ thôi. Có những cô giáo rất thật tâm tư vấn khi cho rằng với năng lực học yếu kém thì việc đỗ vào lớp 10 công lập là rất khó, nếu thi tiếp sẽ được gì, mất gì, nên chăng chọn một môi trường học tập khác phù hợp hơn, "nói phải củ cải cũng nghe".
"Nhưng họ không thể và không được phép tước đi quyền dự thi của các em. Nếu học sinh muốn thi, kết quả thế nào, các em và gia đình sẽ chịu trách nhiệm với quyết định đó. Càng không thể mang danh nghĩa “vì quyền lợi của các con” mà ép buộc những học sinh có học lực không tốt từ bỏ mong ước của chính mình”. Nên chăng nhà trường, các thầy cô giáo quan tâm hướng nghiệp cho học sinh bằng cách mời những chuyên gia đến nói chuyện với các em, qua đó các em hiểu được bản thân và có được những lựa chọn phù hợp"- chị L.T.T.H nói.
Có thể thấy, sự vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng từ cấp trên xuống cấp dưới của ngành Giáo dục cho thấy vụ việc đang được xử lý một cách có trách nhiệm. Đây là việc làm cần thiết, nhất là trong thời điểm các trường THCS đang tổ chức hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp trước kỳ thi vào lớp 10./.