Cần có những “con người công nghiệp”

Thứ bảy, 25/11/2023 08:10
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN)- Để có một nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam thực sự chúng ta cần phải có những “con người công nghiệp”. Yếu tố con người luôn đóng vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định trong công việc, dự án, kế hoạch, và cả một nền điện ảnh.
Hội thảo Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam (Ảnh: BTC) 

 

Xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn

Hội thảo “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam” vừa được tổ chức ngày 23/11/2023 đã giải mã được một số vấn đề trọng tâm, cấp bách, tháo gỡ những điểm nghẽ và rào cản bấy lâu của điện ảnh nước nhà.

Phát biểu tại Hội thảo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: Công nghiệp điện ảnh là ngành kinh tế sáng tạo thông qua tài năng nghệ thuật, sức sáng tạo của các nghệ sĩ, và ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo nên sản phẩm hàng hóa đặc biệt là những bộ phim lôi cuốn, đến với người xem bằng nhiều hình thức phổ biến hiện đại, phù hợp với thời đại công nghệ 4.0 và tính toàn cầu hóa của nghệ thuật điện ảnh. Cùng đó, các tác phẩm điện ảnh của chúng ta vừa đạt hiệu quả kinh tế, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, có tác động tích cực đến đời sống xã hội. Sức sáng tạo độc đáo, nhân văn, hướng thiện của các nghệ sĩ điện ảnh trong mỗi tác phẩm điện ảnh đóng vai trò quan trọng để thu hút công chúng khán giả và khẳng định vị trí của điện ảnh Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Một trong những mục tiêu quan trọng trong "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Chính phủ ban hành và Luật Điện ảnh được ban hành tháng 6/2022 là phát triển điện ảnh là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế. Đặc biệt, từng bước xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút khách du lịch và tạo vị thế của điện ảnh Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn phat biểu tại Hội thảo  (Ảnh: BTC)

Đánh giá về thực trạng điện ảnh Việt Nam hiện nay, bà Trần Hải Vân – Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ VHTTDL cho rằng điện ảnh Việt Nam thời gian qua có nhiều khởi sắc.

Trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam ngày càng thể hiện là thành viên tích cực và trách nhiệm trong các hoạt động thường kỳ, các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về điện ảnh... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế, dự án về điện ảnh, nghe nhìn, lưu trữ trong khuôn khổ ASEAN, UNESCO, ủng hộ các nỗ lực của Hàn Quốc trong việc thành lập tổ chức Điện ảnh ASEAN - Hàn Quốc…

Được biết, hàng năm, Nhà nước đều dành kinh phí để điện ảnh Việt Nam tham dự các Liên hoan phim quốc tế có uy tín như Liên hoan phim Tokyo, Liên hoan phim Busan… Từ năm 2010 đến nay, điện ảnh Việt Nam đã tham gia 148 liên hoan phim quốc tế với 330 lượt đầu phim; Điện ảnh Việt Nam cũng gửi phim tham dự các Liên hoan phim, Giải thưởng phim danh tiếng như Oscar, Liên hoan phim Cannes, Liên hoan phim Berlin, Liên hoan phim Thượng Hải…

Theo bà Trần Hải Vân nhiều phim Việt không chỉ gây ấn tượng ở phòng vé trong nước mà còn tạo kỳ tích vượt qua những tiêu chí khắt khe của thị trường phim nước ngoài để có mặt tại các rạp chiếu phim ở nhiều quốc gia vốn có thị trường điện ảnh lớn mạnh.

Thế nhưng tại sao bao lâu nay chúng ta chưa xây dựng được nền công nghiệp điện ảnh theo đúng nghĩa của nó?

Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt còn có nhiều việc phải làm, nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ

Theo Nghệ sĩ Ưu tú, Đạo diễn Phi Tiến Sơn, để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh cần những con người công nghiệp.Lý giải về điều này, Nghệ sĩ Ưu tú, Đạo diễn Phi Tiến Sơn cho rằng, một nền công nghiệp điện ảnh đòi hỏi sự phát triển đồng bộ nhiều mặt, từ quản lý nhà nước, chính sách, quy mô thực hiện, đầu tư, đào tạo…Ví dụ Hàn Quốc, một quốc gia có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, vài chục năm trước, hàng nghìn người trẻ tài năng được đưa sang Hollywood đào tạo, đủ các ngành nghề. Vài năm sau khi trở về, họ được tiếp quản một cơ ngơi điện ảnh hoàn thiện, đầy đủ và khá tiên tiến, gồm: nhà xưởng, trường quay, thiết bị kỹ thuật cho tiền kỳ, hậu kỳ. Con người công nghiệp ăn khớp với nền tảng công nghệ, cộng với chính sách "văn hóa mềm" cởi mở mạnh dạn đã tạo nên một nền công nghiệp điện ảnh giàu có và hữu ích cho đất nước Hàn Quốc hôm nay.

Còn ở ta, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho rằng, nước ngoài vào Việt Nam làm phim trước hết vì họ cần bối cảnh. Thiên nhiên ưu đãi cho nước ta nhiều bối cảnh đẹp, lạ mắt. Nhưng để có thể giới thiệu tổng quan và chi tiết, để khách hàng không mất thời gian đi nhiều nơi lựa chọn, để tiết kiệm chi phí… chúng ta chưa làm được.

 Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Đỗ Lệnh Hùng Tú. (Ảnh: BTC)

Trước nhiều bất cập vẫn còn tồn tại, đạo diễn Phi Tiến Sơn khẳng định: con đường phát triển trở thành một nền điện ảnh công nghiệp ở nước ta còn khó. Máy móc phương tiện hiện đại có thể mua được. Nhà xưởng đất đai trường quay hoành tráng có thể được đầu tư, nếu nhà nước coi phát triển điện ảnh là một quốc sách để quảng bá hình ảnh, để phát triển kinh tế văn hóa du lịch (như Hàn Quốc chẳng hạn). Nhưng không có con người công nghiệp thì cũng chẳng làm được. Yếu tố con người luôn đóng vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định trong công việc, dự án, kế hoạch, và cả một nền điện ảnh.

Chung quan điểm với đạo diễn Phi Tiến Sơn, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng, cần rất nhiều yếu tố để xây dựng một nền công nghiệp điện ảnh, trong đó ngoài vấn đề con người như đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ thì còn vấn đề về truyền thông. Lấy ví dụ về việc "ai cũng có thể trở thành nhà phê bình điện ảnh" trên mạng xã hội thời gian vừa qua, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, sự thiếu chuyên nghiệp trong phê bình điện ảnh mang lại cái nhìn phiến diện, ảnh hưởng rất lớn đến tác phẩm điện ảnh trong việc tiếp cận công chúng.

“Để điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp thì vai trò của truyền thông càng trở nên quan trọng, mối quan hệ giữa truyền thông và điện ảnh ngày càng khăng khít, gắn bó. Nếu nêu một nhận định so sánh về điện ảnh xưa và điện ảnh ngày nay thì có lẽ, sự khác biệt lớn nhất chính là công nghệ thông tin và truyền thông trong sản xuất và phát hành phim đã làm thay đổi và ở trong một số tình huống còn quyết định sự thành bại của một chiến lược hay một bộ phim” - Tổng Biên tập Báo điện tử Tổ quốc, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan khẳng định.

Truyền thông là cách nhanh nhất, chuyên nghiệp nhất để một bộ phim khiến công chúng biết tới rộng rãi và hưởng ứng, bỏ tiền ra mua vé tới rạp, hay thu hút được người xem ngồi trước màn hình tivi hoặc bỏ tiền ra mua các ứng dụng xem phim trực tuyến. Và cũng thông qua đó, gián tiếp, người xem còn sử dụng nhiều sản phẩm mà bộ phim đó quảng bá: điểm đến, thời trang, đồ ăn… giúp phát triển văn hóa, du lịch của địa phương nơi bộ phim đó diễn ra.Chính vì vậy để có một ngành công nghiệp điện ảnh phải có chiến lược truyền thông trước mắt cũng như lâu dài với những mục tiêu cụ thể

Điện ảnh là ngành tổng hợp của nghệ thuật và công nghiệp, dù công nghệ có sức mạnh và ảnh hưởng lớn đến đâu thì vai trò lao động, sáng tạo của con người vẫn không thể thay thế. Xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam là một chặng đường dài, còn có rất nhiều việc phải làm, rất nhiều khó khăn phải vượt qua, có không ít điểm nghẽn phải tháo gỡ, đòi hỏi ý chí quyết tâm và sự phối hợp chặt chẽ của các nhà quản lý, đội ngũ người làm phim và doanh nghiệp. Tất cả các khâu từ sản xuất, phát hành đến quản lý, phê bình đều phải được tổ chức, vận hành một cách chuyên nghiệp, đồng bộ và trong đó dấu ấn của con người- chủ thể sáng tạo phải chăng vẫn là quan trọng nhất, mang tính quyết định?

 

K.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực