Thực trạng đáng báo động
Theo định nghĩa của WHO, sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng) đều có chứa nicotine, nhưng khác nhau ở thành phần. Thuốc lá làm nóng có nguyên liệu thuốc lá trong điếu thuốc lá ngắn đặc chế. Thuốc lá điện tử thì có thành phần là dung dịch tinh dầu với khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, có thể gây cháy nổ, và có thể pha trộn các chất khác vào dung dịch như ma túy, cần sa.
Thuốc lá mới hiện đang được bày bán công khai ở nhiều nơi và 100% đều là hàng nhập lậu do mặt hàng này chưa được phép nhập khẩu vào Việt Nam, và chưa có đơn vị nào tại Việt Nam sản xuất các sản phẩm này. Chúng được mua, bán dễ dàng và đang được sử dụng khá phổ biến trong xã hội, cộng đồng.
|
Các đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ và Lưu Bình Nhưỡng xem xét các sản phẩm thuốc lá mới nhập lậu |
Điều đáng lưu tâm là sản phẩm này đang hướng đến giới trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên. Kết quả một điều tra lứa tuổi 13 – 15 cho thấy, có tới 60% các em trả lời đã được người khác cho, tặng thuốc lá điện tử lậu, 20% đi mua và 2% là mua từ chính các bạn của mình. Các sản phẩm này đang hướng tới đối tượng là trẻ, với mẫu mã đa dạng bắt mắt, hương vị hấp dẫn, thu hút.
Điều này mang đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe của người dùng khi không được tiếp cận các sản phẩm chính danh, có nguồn gốc, chất lượng được thẩm định rõ ràng, từ đó tạo gánh nặng cho ngành y tế và toàn xã hội nói chung. Ngoài ra, để sản phẩm nhập lậu tràn vào trong nước cũng khiến Nhà nước thất thu thuế nghiêm trọng.
Có cho sử dụng, lưu thông thuốc lá mới hay không?
Về cơ sở pháp lý, tiến trình kiểm soát thuốc lá mới, có ý kiến cho rằng cần cấm tuyệt đối thuốc lá điện tử, lại có ý kiến đồng ý cho sử dụng, lưu thông. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nhà quản lý, thuốc lá mới là sản phẩm công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là xu thế khó tránh khỏi.
Hiện nay, đã có 184/195 quốc gia đã ban hành quy định quản lý thuốc lá làm nóng, 111/195 ban hành quy định quản lý thuốc lá điện tử, trong đó có Mỹ, Anh, 28 nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước trong khối ASEAN như Malaysia, Indonesia, Philippines… Cơ chế quản lý 2 sản phẩm này còn khác nhau giữa các nước, nhưng điểm chung là phần lớn đều áp dụng quy định theo Luật phòng chống tác hại thuốc lá của nước sở tại. Việt Nam không thể đứng ngoài bối cảnh quốc tế.
Không thể nói Việt Nam không có văn bản về quản lý thuốc lá mới. Luật Phòng chống tác hại thuốc lá 2012 đã giải thích từ ngữ “thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”, quy định rõ vùng ảnh hưởng, phạm vi, đối tượng bị cấm tiếp xúc với mọi loại thuốc lá, cũng như đã giải thích rõ định nghĩa về sản phẩm thuốc lá thuộc phạm vi điều chỉnh của luật. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng đã nghiêm cấm trẻ em dưới 18 tuổi hút thuốc lá, không phân biệt thuốc là truyền thống hay thuốc lá mới.
Song nhìn lại, Luật lại chưa có quy định cụ thể về thuốc lá mới, giao bộ ngành nào chịu trách nhiệm nội dung gì. Như vậy, vẫn còn khoảng trống trong quy định pháp luật nên ta không có công cụ, phương tiện để quản lý thuốc lá mới, tức thiếu điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá theo quy định của Luật. Theo các chuyên gia, nhà quản lý, việc quản lý thuốc lá mới đang gặp khó khăn do trong nhận thức của các bộ ngành vẫn chưa thống nhất, thiếu đầy đủ, còn thiên lệch, chủ yếu tập trung vào việc làm thế nào để giảm bớt tác hại của thuốc lá mới mà chưa quan tâm đến tính tổng thể của hệ thống các quy định.
Sớm thống nhất để có chính sách quản lý thuốc lá mới
Từ năm 2017, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương đề xuất chính sách quản lý thuốc lá mới. Tuy nhiên, đến nay câu chuyện quản lý sản phẩm này vẫn chỉ đang trong tiến trình thảo luận giữa các bộ, ngành.
|
Đại biểu Tạ Văn Hà khá lo lắng về tình trạng giới trẻ tiếp xúc dễ dàng với thuốc lá điện tử |
Tại tọa đàm mới đây về thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức ngày 19/12/2023, nhiều chuyên gia đưa ra giải pháp quản lý thuốc lá mới. Theo đó, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp Lê Đại Hải cho rằng, hiện tình hình quản lý thuốc lá mới đang rất cấp thiết, đã đến lúc cần phải khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan. Nếu chờ đưa thuốc lá mới vào trong Luật sẽ phải theo quy trình và cần thời gian, nên có thể xem xét giao cho Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh, xuất nhập khẩu đối với sản phẩm này (tức sửa ngay Nghị định số 67/2013/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất và kinh doanh thuốc lá).
Ông Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế chia sẻ góc nhìn, thuốc lá mới không chỉ là một mặt hàng mà là lĩnh vực rất rộng, vì liên quan nhiều bộ ngành quản lý (Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế)… Thêm vào đó, hiện nay mới chỉ tiếp cận theo hướng bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, trong khi chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề thị trường. Do đó, phải làm rõ nhiệm vụ cơ quan quản lý. Cùng với biện pháp hành chính, cần có biện pháp tuyên truyền để người dân hiểu về thuốc lá mới cùng tác hại mà nó gây ra, đặc biệt đối với lớp trẻ.
Đồng ý kiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho rằng phải có cơ quan chức năng để đánh giá tác động, ảnh hưởng của thuốc lá với sức khỏe, môi trường sống, môi trường xã hội. Từ đó, hoàn thiện hành lang pháp lý cho dòng sản phẩm mới này. Trong khi chờ đợi khung pháp lý hoàn chỉnh, cần có những biện pháp tức thời để kiểm soát ngay vấn đề giới trẻ tiếp xúc với thuốc lá mới, như kiểm tra độ tuổi, quy định chặt chẽ kênh bán lẻ, xử lý nghiêm minh các vi phạm đối với vấn đề nhập lậu, lưu thông sản phẩm không đúng luật, v.v.
Được biết, Bộ Công Thương đã có 2 lần trình Chính phủ nghị định về quản lý thuốc lá mới, song hiện vẫn chưa thống nhất với Bộ Y tế. Bộ Công Thương đang xây dựng nghị định theo hướng tiệm cận gần nhất với Bộ Y tế để bảo đảm phù hợp với thực tiễn quản lý cũng như thông lệ quốc tế.
Hy vọng, sớm thống nhất tiếng nói chung của các bộ ngành trong quản lý thuốc lá mới. Chính phủ, Quốc hội tiếp tục có những chỉ đạo sát sao để thuốc lá mới được quản lý tốt hơn, với mục tiêu trước tiên và lớn nhất là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ thế hệ trẻ của đất nước.
Tháng 11 sắp tới, Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Các bên toàn cầu về kiểm soát thuốc lá lần thứ 10 (COP10). Đây là sự kiện góp mặt 183 quốc gia thành viên của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá do Tổ chức Y tế Thế giới thành lập. Theo thông lệ, từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã giao Bộ Y tế làm trưởng đoàn đại diện quốc gia để cùng các đại diện của Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học - Công nghệ... tham dự hội nghị và chia sẻ quan điểm quốc gia về thuốc lá mới. Năm nay, COP10 sẽ tiếp tục bàn luận về chính sách kiểm soát thuốc lá mới. |