Kỹ năng mềm là tập hợp kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác, làm việc theo nhóm, kỹ năng sáng tạo độc lập, kỹ năng ứng xử, kỹ năng thích nghi… Những kỹ năng này rất cần thiết đối với con người, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên. Trong quá trình giáo dục, các bậc học đã rất chú trọng đến việc hình thành, rèn kỹ năng mềm cho người học, giúp cho học sinh, sinh viên luôn thích ứng trước mọi hoàn cảnh, có kỹ năng giao tiếp với mọi người, có tinh thần hợp tác, làm việc tập thể, có sự sáng tạo và ứng xử hợp lý trước hoàn cảnh xã hội. Vì vậy, những kỹ năng này được các nhà trường lồng ghép thông qua các hoạt động giáo dục, trải nghiệm sáng tạo, đưa học sinh, sinh viên vào môi trường thực tế, vào những tình huống sư phạm để bản thân các em giải quyết, ứng xử các vấn đề liên quan đến bản thân mình.
|
Ảnh minh họa |
Từ đó, học sinh, sinh viên có khả năng thích nghi với môi trường xã hội, có những kỹ năng để đạt được những thành công trong cuộc sống, trong công việc. Kỹ năng mềm được hình thành, phát triển trong mỗi học sinh, sinh viên theo quá trình dài lâu, bền bỉ và đa dạng. Vì thế, trong quá trình dạy và học, việc lồng ghép, tích hợp giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên được các bậc học thực hiện đều đặn, có kế hoạch và mục tiêu cụ thể.
Trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều trường học tại các địa phương phải tổ chức dạy học online, nhất là các trường đại học thì thời lượng học online kéo dài đến hết cả kỳ học, năm học. Học online là giải pháp tối ưu nhất để tránh sự tác động của dịch COVID-19 đến người học. Tuy nhiên, khoảng thời gian học online cũng có tác động và ảnh hưởng đến việc hình thành, phát triển kỹ năng mềm cho người học, nhất là học sinh phổ thông và sinh viên các trường đại học. Việc tương tác giữa giáo viên, giảng viên với học sinh, sinh viên trong lớp học khá hạn chế. Thầy cô giáo đưa ra câu hỏi, gọi người học trả lời một cách ngắn gọn, cô đọng mà ít có sự tương tác qua lại giống như trực tiếp trên lớp học. Tại phòng học online, người học cũng ít có điều kiện bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình, ít có không gian làm việc theo kiểu hợp tác nhóm để cùng nhau giải quyết các vấn đề đặt ra. Đồng thời, không gian học online cũng có ít tạo ra những tình huống thực tế để học sinh, sinh viên giải quyết. Người học chỉ chú trọng vào học kiến thức mà ít có cơ hội trải nghiệm thực tế.
Chính vì vậy, trong quá trình dạy học online, thầy và trò đôi khi đã gặp phải những “tai nạn” không mong muốn, ảnh hưởng không nhỏ đến không gian lớp học online, làm cho mối quan hệ giữa người dạy và người học trở nên căng thẳng, không có sự tương tác tích cực. Điển hình như sự bất đồng giữa giảng viên và sinh viên đã dẫn đến việc “đấu khẩu” tay đôi, làm xấu đi mối quan hệ giữa thầy và trò, chứng tỏ kỹ năng ứng xử, kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề còn rất hạn chế; hoặc việc sinh viên để lộ “hình ảnh nóng” khi tham gia môn học; học sinh lớp 1 bị tai nạn khi học online; rồi giáo viên buông lời mắng học trò gay gắt trên không gian mạng… Ngoài ra, còn hàng loạt những hạn chế thuộc về người học ở các cấp học như trạng thái uể oải, căng thẳng đầu óc sau khi học một tiết học online; trạng thái ở nhà lâu ngày dẫn đến tác phong chậm chạp, giảm sự năng động, ít giao tiếp; khả năng sáng tạo bị hạn chế; người học ít có sự tương tác, hợp tác...
Từ thực tế cho thấy, kỹ năng mềm đặc biệt cần đối với học sinh, sinh viên trong giai đoạn hiện nay. Đối với học sinh phổ thông, kỹ năng mềm giúp các em tự tin, năng động, sáng tạo để phát triển toàn diện. Đối với sinh viên, kỹ năng mềm được phát triển sẽ quyết định phần lớn sự thành công của bản thân trong tương lai. Bởi vậy, việc tổ chức học online trong khi dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp hiện nay là biện pháp tối ưu nhất nhưng các bậc học, các nhà trường cần chú trọng đến việc hình thành, phát triển kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên.
Mỗi bộ môn cần có kế hoạch giáo dục kỹ năng mềm lồng ghép vào chương trình môn học, tăng cường tích hợp giáo dục kỹ năng mềm trong dạy và học. Cần tạo không gian, thời gian và những tình huống cụ thể để học sinh, sinh viên phát huy tính tích cực, khả năng hợp tác cùng nhau giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Đồng thời, cần tăng cường sự tương tác giữa người dạy và người học, giữa người học với người học trong khi dạy-học online để vừa tạo ra không học giờ học sôi nổi, hứng thú, vừa góp phần phát triển kỹ năng giao tiếp cho người học. Không gian giờ học online cần đưa vào các chương trình trải nghiệm thực tế để người học có cơ hội tham gia và giải quyết các vấn đề thực tiễn./.