Để tránh rủi ro khi ký hợp đồng xuất khẩu - nhập khẩu

Thứ năm, 22/09/2022 07:40
(ĐCSVN) - Cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia tích cực vào các giao dịch thương mại quốc tế. Nhiều chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp cần cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch với đối tác nước ngoài để giảm thiểu rủi ro và hạn chế vướng vào các vấn đề pháp lý xuyên quốc gia…

Trong 8 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2021 đạt 431 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13,6%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2022 của nước ta ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD.

Tuy nhiên, hoạt động giao dịch thương mại quốc tế phát triển cũng đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ rủi ro, tranh chấp, lừa đảo trong các giao dịch thương mại. Điều này thể hiện khá rõ thông qua số vụ việc phát sinh trong thời gian qua. Điển hình nhất có thể kể đến vụ việc 76 container hạt điều của 5 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Italia, trị giá hàng chục triệu USD đã suýt bị đối tác lừa đảo hồi đầu năm nay. Đến thời điểm này, với sự hỗ trợ của Hiệp hội Điều Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Italia,… vụ việc đã cơ bản được giải quyết ổn thỏa. Các doanh nghiệp đã lấy lại được tài sản.

leftcenterrightdel

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), vụ việc 76 container hạt điều nêu trên có thể coi là “bài học kinh nghiệm” cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong tham gia các giao dịch thương mại quốc tế. “Để giảm thiểu rủi ro khi tham gia giao dịch, các doanh nghiệp của chúng ta phải hết sức cẩn trọng trong việc xác minh khách hàng, kể cả trong những trường hợp đã có một vài lần ký hợp đồng và thực hiện rồi thì vẫn phải tiếp tục duy trì quá trình xác minh khách hàng”, ông Trần Thanh Hải chia sẻ. Theo đó, doanh nghiệp có thể thực hiện việc xác minh thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có thể thông qua các Cơ quan Thương vụ của Việt Nam tại các nước cũng như thông qua các dịch vụ tư vấn, tùy từng các thị trường cụ thể…

Luật sư Đỗ Xuân Đang, Công ty Luật TNHH ĐT & Solutions (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: "Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thường chưa có nhiều kinh nghiệm pháp lý trong lĩnh vực thương mại quốc tế nên dễ bị “qua mặt”, dễ bị chi phối và bị thiệt hại mà chưa biết cách bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. Từ thực tế này, mỗi doanh nghiệp cần thận trọng ngay từ ban đầu thu thập, rà soát, thẩm định kỹ các thông tin về phía đối tác nước ngoài, nhất là các đối tác mới giao dịch lần đầu. Mặt khác, luật pháp cũng như thông lệ thị trường tại các nước sở tại không giống nhau nên doanh nghiệp cần nghiên cứu, hiểu rõ; đồng thời, doanh nghiệp nên có luật sư nội bộ, cán bộ pháp lý chuyên trách để vừa nâng cao tính chất chuyên nghiệp về mặt pháp lý trong các giao dịch, thỏa thuận, hợp đồng xuất nhập khẩu, vừa tăng hệ số an toàn, giảm thiểu nguy cơ rủi ro trong các giao dịch thương mại quốc tế”

Theo các chuyên gia, trong giao dịch nhập khẩu, đối tượng lừa đảo thường ký hợp đồng bán hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam; thực hiện giao dịch từ 1-2 hợp đồng đúng thời hạn, chất lượng sản phẩm tốt nhằm tạo ra sự tin tưởng. Sau đó, từ hợp đồng thứ ba, đối tượng yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền đặt cọc từ 30-50% trị giá hợp đồng, chiếm đoạt số tiền này và không giao hàng. Đối với giao dịch xuất khẩu, chính sự cả tin, dễ dãi, chủ quan trong phương thức thanh toán khiến cho các doanh nghiệp Việt là bên bán cuối cùng chịu cảnh "tiền mất tật mang" khi giao hàng nhưng bên mua không trả tiền. Mới đây nhất, Thương vụ Việt Nam tại Nigeria khuyến cáo các trường hợp thanh toán theo hình thức đặt cọc, doanh nghiệp nên yêu cầu đối tác đặt cọc từ 30-50% giá trị đối với các đơn hàng mới và lần đầu. Đặc biệt, doanh nghiệp không nên chuyển tiền với bất cứ hình thức nào khi đối tác đề nghị như phí môi giới, phí luật sư...

Nhiều ý kiến cho rằng, để tránh rủi ro khi ký hợp đồng xuất khẩu - nhập khẩu, cùng với việc thẩm tra, xác minh kỹ đối tác, doanh nghiệp nên lựa chọn hình thức thanh toán an toàn, phù hợp với đối tượng khách hàng. Cụ thể, trong các phương thức thanh toán quốc tế phổ biến, với đối tác mới giao dịch, doanh nghiệp nên lựa chọn phương thức chuyển tiền bằng điện (T/T); với hợp đồng trị giá lớn, nên dùng phương thức thư tín dụng (L/C). Đồng thời, cần phát huy vai trò quan trọng của logistics trong thương mại quốc tế. Doanh nghiệp logistics không chỉ giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện các thủ tục đưa hàng hóa đến tay người bán, người mua mà còn đóng vai trò như một "van" an toàn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Nếu người mua yêu cầu vận đơn đích danh, nên sử dụng nghiệp vụ 2 bộ vận đơn; vận đơn chủ và vận đơn thứ cấp. Vận đơn chủ được gửi cho đại lý của doanh nghiệp logistics còn vận đơn thứ cấp gửi cho ngân hàng người mua.

Khi thanh toán tiền cho ngân hàng, người mua nhận được vận đơn thứ cấp, đại lý của doanh nghiệp logistics sẽ dùng vận đơn chủ để nhận hàng từ hãng tàu và sau đó giao cho người mua. Như vậy, nếu người mua hay ai đó có trong tay bộ vận đơn thứ cấp cũng không thể trực tiếp nhận hàng từ hãng tàu; tính an toàn của giao dịch vì vậy sẽ được bảo đảm cao hơn.

Tính đến năm 2022, Việt Nam có 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đang đàm phán (trong đó có 3 FTA thế hệ mới). Đây được coi là thế mạnh để doanh nghiệp Việt tăng cường các hoạt động xuất, nhập khẩu. Bên cạnh đó, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam và thế giới sau đại dịch COVID-19 cũng đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường khu vực và thế giới. Để giao dịch an toàn và thu được lợi nhuận, đòi hỏi doanh nghiệp cần cẩn trọng trong các giao dịch thương mại quốc tế./.

Vũ Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực