Buôn bán, trông giữ các phương tiện tràn lan trên vỉa hè
|
Hà Nội cần làm kiên quyết, kiên trì, "không đánh trống bỏ dùi", đòi lại vỉa hè cho người đi bộ. |
Có thể nói không những ngày này, mà đã lâu rồi người dân buôn bán tràn lan trên vỉa hè các tuyến phố ở quận nội thành Hà Nội như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa… Nhất là các tiểu thương chiếm dụng từng mét vỉa hè ở phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm để bày bán đủ thứ hàng hoá. Nhiều tuyến phố, chủ các hàng quán cho nhân viên bày la liệt bàn, ghế trên vỉa hè trở thành “lãnh địa” riêng để bán hàng ăn.
Việc nhiều hàng quán ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè thành nơi buôn bán buộc người dân, du khách phải đi xuống lòng đường trước cảnh ô tô, xe máy nườm nượp qua lại. Điều này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Theo bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khoá XIII, thực tế lực lượng chức năng các quận nội thành của TP Hà Nội đã nhiều lần ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau khi phong trào lắng xuống, người dân lại đua nhau lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán. Vì vậy, cần làm kiên quyết, kiên trì, "không đánh trống bỏ dùi".
“Muốn đạt được mục tiêu Hà Nội là thành phố đáng sống và là đầu tàu của cả nước về mọi mặt thì người dân phải được hưởng thụ những nét đẹp của Thủ đô văn minh, cổ kính. Do vậy, thành phố không nên để người dân lấn chiếm hết vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị, còn người đi bộ thì cũng chẳng có lối mà đi”, bà Bùi Thị An nói.
Rằng, chính quyền các cấp của TP Hà Nội, đặc biệt là cấp quận, phường phải quyết liệt trong việc xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Bên cạnh đó cũng phải có chính sách hỗ trợ việc làm cho người dân khi không được buôn bán trên vỉa hè.
“Đối với những người mất việc làm thì cần phải tạo sinh kế cho họ. Có như vậy thì người dân mới hiểu và đồng lòng với chính quyền TP Hà Nội trong chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, bà Bùi Thị An cho hay.
Theo bà Bùi Thị An, "kinh tế vỉa hè" là một phần ngành dịch vụ của TP Hà Nội trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, Hà Nội cần phải nghiên cứu kỹ vỉa hè tuyến phố nào đủ điều kiện cho các tiểu thương buôn bán, vỉa hè nào không. Từ đó, TP Hà Nội có thể xây dựng đề án thí điểm cho buôn bán trên vỉa hè một cách hợp lý.
Cùng vấn đề trên, PGS.TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Bộ GTVT cho rằng, cơ quan chức năng của TP Hà Nội cần phải tìm hiểu những người lấn chiếm vỉa hè là ai và tại sao họ lấn chiếm.
“Nếu người dân lấn chiếm vỉa hè làm nơi mưu sinh thì TP Hà Nội phải có trách nhiệm giúp đỡ, hướng dẫn họ buôn bán ở nơi phù hợp. Khi thành phố đảm bảo chiến lược an sinh thì người dân sẵn sàng trả lại vỉa hè cho người đi bộ”, ông Doãn Minh Tâm nói.
Theo ông Doãn Minh Tâm, nếu xét thuần túy về mặt giao thông thì vỉa hè phải dành cho người đi bộ. “Nhưng sử dụng công năng vỉa hè như thế nào cho hiệu quả thì mỗi địa phương cần phải nghiên cứu kỹ để đưa ra chính sách phù hợp quy định và đảm bảo lợi ích của xã hội”, ông Doãn Minh Tâm lưu ý thêm.
Theo TS. Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông, chức năng của vỉa hè là dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, cho đến nay việc quản lý, sử dụng vỉa hè không được chặt chẽ. Vì vậy, vỉa hè nhiều tuyến phố bị lấn chiếm làm nơi đỗ xe, kinh doanh buôn bán, mất đi diện tích dành cho người đi bộ.
“Tôi là người thường xuyên đi xe buýt nên phải đi bộ rất nhiều. Qua đó thấy rằng, vỉa hè hầu hết các tuyến phố bị chiếm dụng làm hàng quán hoặc điểm đỗ xe. Nhiều tuyến phố bị chiếm dụng, tôi phải đi bộ dưới lòng đường chung với ô tô, xe máy đang lưu thông, rất nguy hiểm”, ông Phan Lê Bình chia sẻ.
TS. Phan Lê Bình nêu nguyện vọng chính quyền các cấp của TP Hà Nội là đưa vỉa hè về đúng chức năng, nhiệm vụ của nó là phục vụ người đi bộ.
“Nếu làm tốt công tác quản lý Nhà nước thì sẽ lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. Bởi không ai có "sổ đỏ" trên vỉa hè nên Nhà nước có toàn quyền đảm bảo vỉa hè được sử dụng cho mục đích gì”, ông Phan Lê Bình nói thêm.
Cảnh nhiều hộ kinh doanh bày hàng tràn vỉa hè không chừa một centimet nào diễn ra triền miên khiến không chỉ người dân tham gia giao thông ngán ngẩm mà nhiều du khách nước ngoài khi đến Hà Nội thấy lạ và lắc đầu chán ngán đành đi bộ xuống lòng đường. Khách quốc tế có lẽ cảm thấy đường phố Hà Nội lạ lẫm khi vỉa hè ở đây không được quản lý chặt như ở các nước phát triển. “Mà giao thông thì quả là rắc rối, đèn đỏ ở quanh khu phố này gần như không có tác dụng gì” - một du khách nước ngoài chia sẻ.
Phố cổ Hà Nội là một trong những khu vực điển hình nhất về việc vỉa hè bị chiếm dụng. Cách đây một thời gian, quận Hoàn Kiếm từng ra quân với chiến dịch giành lại vỉa hè nhưng sau đó tình hình vẫn chưa được cải thiện, đâu lại vào đấy. Xe máy được xếp ngay trước cửa, không để lại khoảng trống nào trên vỉa hè. Vào khung giờ cao điểm, người điều khiển phương tiện lao xe lên vỉa hè.
Mỗi năm, Hà Nội đều có các đợt ra quân xử lý. Thế nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng, tình trạng lấn chiếm vỉa hè lặp lại như cũ trong nhiều năm qua. Điều này đã cho thấy cần có sự quyết liệt trong việc xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Cùng với đó là những chính sách hỗ trợ cho người dân để thay đổi thói quen buôn bán trên vỉa hè.
Quyết tâm giành vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ
|
Lực lượng chức năng của quận Thanh Xuân ra quân xử lý vi phạm. |
Trước thực trạng nhức nhối về việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, lần này Ban Chỉ đạo 197 TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn TP.Hà Nội năm 2023.
Theo đó, các cơ quan chức năng thành phố sẽ kiểm tra quyết liệt, đồng bộ, toàn diện về những nội dung trên trong phạm vi toàn địa bàn Thành phố.
Phát hiện, xử lý 100% hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng để tạo tính răn đe; kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”.
Thông qua cuộc tổng kiểm tra nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, đô thị; nâng cao nhận thức, ý thức của người dân và trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng trên địa bàn thành phố; hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng.
Từ đó đánh giá đúng thực trạng tình hình, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng trên địa bàn thành phố; phát hiện những sơ hở, thiếu sót để kịp thời kiến nghị UBND Thành phố, các cơ quan hữu quan khắc phục nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương và các ngành có liên quan trong việc quy hoạch cấp phép, quản lý, xử lý vi phạm.
Nâng cao hiệu quả công tác của các cơ quan chức năng, thường xuyên duy trì, đôn đốc việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng, tránh tình trạng ''đánh trống bỏ dùi".
Ban Chỉ đạo 197 cũng nêu rõ quan điểm, đó là làm đến đâu dứt điểm đến đó trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng.
Theo kế hoạch của TP Hà Nội, Ban Chỉ đạo 197 Thành phố giao Công an Thành phố hằng tháng tập hợp những tồn tại, hạn chế của các sở, ngành, ban chỉ đạo 30 quận, huyện, thị xã.
Trên cơ sở đó, Công an TP Hà Nội phối hợp với Sở Nội vụ Hà Nội đề xuất hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm (hạ thi đua, cắt thi đua); đề xuất các hình thức xử lý theo quy định, báo cáo UBND Thành phố.
Đồng thời, kiến nghị Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố không duyệt đề xuất các hình thức thi đua, khen thưởng đối với các cá nhân, đơn vị có tồn tại, hạn chế (có công văn đôn đốc nhắc nhở hoặc phiếu giao việc của cơ quan thường trực quá 2 lần/đợt; để tồn tại các điểm vi phạm phức tạp, gây bức xúc dư luận, bị báo chí, người dân phản ánh) trong thực hiện kế hoạch này.
Trên cơ sở theo dõi, tập hợp tình hình, kết quả thực hiện của các đơn vị, Công an Thành phố có nhiệm vụ đề xuất khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc khi thực hiện kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý vi phạm.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan duy trì chế độ báo cáo kết quả thực hiện theo từng tuần, từng tháng ở mỗi giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 kể từ khi triển khai kế hoạch đến hết ngày 28/2, Thành phố yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định; ký cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng hè phố, lòng đường.
Giai đoạn 2, từ ngày 01 - 31/3, các thành viên Ban Chỉ đạo đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực phụ trách.
Giai đoạn 3, từ ngày 01/4 - 01/11, các lực lượng, đơn vị tiếp tục thực hiện, duy trì các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kiên quyết không để vi phạm tái diễn.
Thiết nghĩ, ý trí và quyết tâm của TP Hà Nội đã rõ, đó là ban hành các quyết định về việc quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố, trong đó quy định cụ thể nội dung quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, nếu sử dụng cho mục đích khác thì phải có sự cho phép của UBND. Lần này người dân mong Hà Nội quyết không “đánh trống bỏ dùi” trong việc giành lại hè phố cho người đi bộ trở thành hiện thực làm cho Thủ đô sạch đẹp văn minh hơn.../.