Hãy sẵn sàng trước khi quá muộn!

Thứ năm, 02/09/2021 08:01
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, trong khi đó, từ nay đến cuối năm là thời gian nước ta thường phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai mang tính tàn phá cao như: bão, lũ, sạt lở đất,…Điều này càng gây thêm áp lực cho các địa phương, đòi hỏi chúng ta cần chuẩn bị thực sự chu đáo, sẵn sàng tất cả các kịch bản để nếu trong trường hợp “thảm họa kép” thiên tai và dịch bệnh cùng xảy ra, sẽ không bị lúng túng.
 Ứng phó với thiên tai luôn là nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của nước ta (Ảnh: ĐT)

Nhiều thách thức “nan giải” khi “thảm họa kép” xảy ra

Mùa mưa bão từ bao đời nay là một quy luật tất yếu thường xảy ra vào nước ta, bắt đầu từ tháng 6, tuy nhiên, cao điểm vẫn là những tháng cuối năm. Thiên tai như: bão, lũ,..mang sức tàn phá nặng nề xảy ra trên phạm vi rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Chính vì vậy, phòng chống thiên tai luôn là vấn đề thường trực và càng được chú ý, cẩn trọng hơn khi đến mùa. Và chắc chắn, với những hậu quả khôn lường mà thiên tai gây ra buộc chúng ta phải tập trung cao độ, ứng phó nhanh với thiên tai trước, trong và sau khi xảy ra. Điều này cũng đòi hỏi một nguồn lực rất lớn từ địa phương từ con người, lực lượng trang thiết bị, các đơn vị, bộ, ngành…cùng vào cuộc để chống chọi lại với thiên tai, giảm thiểu hậu quả.

Không ở đâu xa, hẳn chúng ta còn nhớ đợt lũ lụt lịch sử trong năm 2020 diễn ra tại các tỉnh miền Trung. Chưa có năm nào mưa lớn cực đoan, nước lũ ghi nhận ở mức lịch sử, ngập lụt kéo dài ngày xảy ra trên diện rộng tại nhiều địa phương. Chỉ trong vòng 45 ngày từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10, mưa lũ lớn lịch sử tại khu vực Trung Bộ đã làm 267 người chết và gây thiệt hại 35.808 tỷ đồng – một con số rất lớn.

Trong bối cảnh năm nay, ngoài việc nhiệm vụ phải chống chọi lại với thiên tai, nước ta còn phải thực hiện chống dịch bệnh COVID-19. Với những đặc thù để dập dịch khi phải thực hiện cách ly các ca F0, F1 không để tiếp xúc cộng đồng, hoặc giãn cách xã hội, nguồn lực cần phải chi để chống dịch dẫn đến bị phân tán đòi hỏi công tác phòng chống thiên tai phải được tính toán cụ thể để cùng một lúc đạt được hai mục tiêu “vừa phòng chống được dịch bệnh, vừa phòng chống được thiên tai” trong các hoạt động cần thiết phải triển khai như: sơ tán người dân, hỗ trợ người dân trong khu sơ tán, khu bị cô lập, huy động lực lượng, vận chuyển nhu yếu phẩm, trang thiết bị,…

Theo ông Lý Phát Việt Linh - Chuyên gia giảm nhẹ rủi ro thiên tai của UNICEF, có 4 thách thức rất lớn khi thảm họa kép thiên tai và dịch bệnh cùng lúc xảy ra. Thứ nhất, đó là làm thế nào chúng ta đảm bảo được giãn cách, không tụ tập đông người khi có thiên tai xảy ra. Ví dụ như: một cơn mưa to, một cơn bão lớn đang đến gần, lũ đang lên nhanh và phải tiến hành sơ tán dân, vậy phải làm thế nào để sơ tán một cách an toàn và thực hiện được 5K? Làm thế nào thực hiện giãn cách xã hội tại các cơ sở sơ tán thường hay bị quá tải khi thiên tai xảy ra? Chiến lược di dời tại chỗ như thế nào để các gia đình không bị lây nhiễm lẫn nhau?

Thách thức thứ hai là về nước sạch, vệ sinh và môi trường. Khi ảnh hưởng của thiên tai gây mưa lớn, ngập nước trên diện rộng, bùn đất tại các trường học, rác nổi lên mặt nước,…, việc cấp nước sạch thường bị gián đoạn. Trong khi đó, trong bối cảnh dịch bệnh thì nước sạch là một trong những yếu tố cơ bản để đảm bảo yếu tố vệ sinh cá nhân, đảm bảo vệ sinh hộ gia đình.

Thách thức thứ ba là về vấn đề về hậu cần và giao thông. Theo ông Lý Phát Việt Linh, ở những địa điểm người dân cần được hỗ trợ, từ việc di dời người dân, đưa hàng hóa, trang thiết bị đến với người dân nhanh nhất, kịp thời nhất,…nhưng vẫn phải đảm bảo giãn cách xã hội, đảm bảo 5K. Ông Linh cho rằng, trong những tình huống thế này, vấn đề lưu trữ, tích trữ vật tư, trang thiết bị đảm bảo phòng chống thiên tai rất khó khăn.

Thách thức thứ tư đó là năng lực ứng phó với thách thức kép của các địa phương khi vẫn còn khoảng trống về năng lực để giải quyết khủng hoảng này.

“Khi những thách thức này cùng xảy ra thì nguồn lực của địa phương sẽ bị dàn trải để xử lý khủng hoảng kép. Chúng ta vừa chống dịch tốn kém rất lớn, chúng ta vừa phải phòng chống thiên tai mà ngân sách địa phương thì rất hạn chế. Cho nên phải có kế hoạch trước để đảm bảo nguồn lực chúng ta sử dụng một cách tập trung như thế nào cho hiệu quả nhất” – ông Linh nhấn mạnh.

Chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi tình huống có thể xảy ra

Khi thiên tai cùng xảy ra tại khu vực đang có dịch bệnh buộc các địa phương phải hoàn toàn chuẩn bị sẵn sàng cách kịch bản, lên kế hoạch cụ thể, chi tiết đến từng con người, công việc để khi nếu có tình huống xảy ra sẽ không phải rơi vào thế bị động.

Ông Lý Phát Việt Linh cho rằng, khi thiên tai xảy ra ở những nơi có dịch bệnh thì việc điều phối, phối hợp giữa các cơ quan ban ngành là điều cần phải lưu ý, đặc biệt là việc phối hợp giữa lực lượng phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn và lực lượng ngành y tế.

“Chúng ta sẽ chỉ đạo giữa UBND xã, trạm y tế, trường học,… như thế nào trong trường hợp mất điện, viễn thông không hoạt động, giao thông tắc nghẽn. Cho nên chúng ta cần phối hợp, kết hợp để hỗ trợ người dân một cách hiệu quả nhất” – ông Linh nhấn mạnh.

Theo ông Linh, cách làm tốt nhất để ứng phó trong tình huống “thảm họa kép” là thực hiện phương châm “4 tại chỗ, kết hợp thực hành 5K và chiến lược vắc xin”. Trong “4 tại chỗ”, ông Linh đặc biệt lưu ý đến lực lượng tại chỗ (con người). Bởi nếu chúng ta có lực lượng “4 tại chỗ” này tốt, tinh nhuệ thì lực lượng này sẽ làm tốt “3 tại chỗ” còn lại.

Ông Linh cũng nêu rõ đến hướng giải quyết, trên cơ sở đánh giá rủi ro thiên tai ở địa phương, cần đánh giá rủi ro thiên tai của cộng đồng, từ đó, cập nhật lại kế hoạch phòng chống thiên tai với các kịch bản khác nhau, có thể theo các chỉ thị 15, 16,...

“Chúng ta cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân tại huyện, thôn, xã trong kế hoạch. Đầu mối cấp huyện và tỉnh là ai? Đặc biệt, ngành y tế, cán bộ y tế địa phương phải tham gia chặt chẽ từ đầu” – ông Linh nêu quan điểm.

Ông Linh cũng nêu lên những công việc cụ thể cần phải quan tâm trước khi các tình huống có thể xảy ra. Đó là, phải tiến hành đi khảo sát, đánh giá và chọn địa điểm sơ tán và có kế hoạch di dời người dân. Ví dụ ở: trụ sở trạm y tế, trụ sở ủy ban, trường học,… cần được chuẩn bị nhân lực, vật tư như thế nào để đảm bảo địa điểm di dời đó đảm bảo được 5K. Phải xác định người chịu trách nhiệm trong vấn đề này. Ai phụ trách công tác khử khuẩn? Ai đảm bảo công tác phòng bệnh, chữa bệnh?. Tất cả phải có trong kế hoạch một cách chi tiết.

Bên cạnh đó, địa điểm sơ tán thiên tai trong bối cảnh COVID-19 cần đảm bảo 5K, địa điểm sơ tán nên có các quy trình đầu vào để phân loại và có khu riêng cho F0, F1, F2,…Mỗi nhóm cần có khu vực dành riêng cho việc ăn uống, nhà vệ sinh cá nhân riêng,… Tránh cho phép tương tác giữa các nhóm.

Các cách thức để thúc đẩy giãn cách bao gồm dựng các rào cản vật lý như vách ngăn bằng nhựa; đánh dấu sàn nhà để phân định các khu vực; vẽ đường đi trong khu cách ly để di chuyển một chiều, tránh đụng chạm đối đầu. Khi truy vết, bao gồm ghi lại tên của những người đi sơ tán, chi tiết liên lạc, thời gian đến, thời gian rời đi, và vị trí trong địa điểm sơ tán nơi họ đã ở.

Bên cạnh đó, ông Bùi Quang Huy – Phó Giám đốc Trung tâm chính sách và kỹ thuật phòng chống thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) cho rằng, để sẵn sàng ứng phó với thảm họa kép có thể xảy ra, các địa phương cần xác định đối tượng dễ bị tổn thương, bao gồm: trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo, người nghi nhiễm, bị nhiễm dịch bệnh COVID-19,…Ông Huy cho rằng, cần phải xác định cụ thể các đối tượng này để có phương án cụ thể nhất.

Đồng thời, với đội xung kích phòng chống thiên tai cần được trang bị kiến thức về phòng chống dịch bệnh, đồ bảo hộ y tế hoặc được xét nghiệm nhanh trước khi triển khai các hoạt động ứng phó thiên tai.

Ông Huy cũng nhấn mạnh phải đảm bảo 5K trong các hoạt động sơ tán dân tại các điểm tránh trú an toàn. Đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch bệnh tại các điểm tránh trú. Đảm bảo an toàn về người, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc men,…tại khu điều trị, chăm sóc và khu cách ly người nhiễm bệnh dịch.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Công Sinh – nguyên Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Bộ Y tế lưu ý đến vấn đề chăm sóc y tế trong các khu sơ tán. Ông Sinh cho rằng, cần kiểm tra thân nhiệt, phát hiện sớm các triệu chứng (sốt, ho, đau họng, đau mỏi cơ, tức ngực…) và tổ chức ghi nhật ký sức khỏe, thông báo kịp thời nếu có bất thường về sức khỏe của người dân. Đồng thời, cần chuẩn bị oxy để cung cấp cho khu cách ly y tế tạm thời.

Về khu sơ tán, cần được phun khử khuẩn, ít nhất 1 lần/ngày. Lau chùi sàn nhà, đồ chơi trẻ em, những vị trí thường cầm nắm bằng dung dịch có chứa 0,05% clo hoạt tính. Đảm bảo nơi lưu trú được thông thoáng khí.

Ông Sinh cũng lưu ý, sau thiên tai, khi di chuyển người dân về nhà, cần di chuyển khu sơ tán trước, khu cách ly tạm thời sau. Mỗi người dân đều phải được kiểm tra thân nhiệt trước khi rời khu sơ tán, khu cách ly tạm thời và nộp lại cho cơ quan y tế nhật ký sức khỏe.

Sau khi người dân về nhà, cơ quan y tế cần tiếp tục quản lý, giám sát các trường hợp nghi ngờ liên quan đến COVID-19 trong vòng 7 ngày tiếp theo. Riêng với cách ly F1 tại nhà, theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tại gia đình, mọi người dân cần tiếp tục thực hiện 5K+vắc xin. Nếu trong khu cách ly tạm thời có F1 biểu hiện triệu chứng F0, cần báo gấp cho cơ quan y tế cấp trên để xử lý theo đúng quy định hiện hành.

Việc ứng phó với “thảm họa kép” thiên tai và dịch bệnh cùng lúc xảy ra là điều không hề dễ dàng. Chính vì vậy, để chuẩn bị cho những tình huống có thể xảy ra, hơn ai hết, ngay từ lúc này, các địa phương cần sẵn sàng các phương án, các kịch bản cụ thể, chi tiết để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Để có những phương án này, đòi hỏi các địa phương phải thật sự có sự tính toán kỹ càng, lường trước tất cả các tình huống có thể xảy ra để chủ động trong mọi tình huống.

Dẫu biết trong bối cảnh hiện nay, nhiều địa phương đang phải căng mình chống dịch nhưng nhiệm vụ phòng chống thiên tai vẫn luôn là vấn đề thường trực mỗi khi đến mùa. Chính vì vậy, các địa phương cần phải vào cuộc ngay, lên phương án để xử lý các tình huống hoặc nếu khi điều kiện cho phép, cần tham gia diễn tập, xử lý các tình huống, đồng thời, tham khảo thêm các ý kiến của các chuyên gia, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai để sẵn sàng phương án ứng phó. Hãy sẵn sàng chuẩn bị trước khi quá muộn./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực