Khi mỗi ngày đến lớp không phải là một ngày vui…

Chủ nhật, 23/04/2023 08:59
(ĐCSVN) – Không phải là những câu chuyện “chỉ có trên phim ảnh”, những vụ việc gần đây liên quan đến bạo lực học đường đã cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề - khi mà hậu quả của những vụ việc ấy là nỗi sợ hãi của nhiều em học sinh khi phải đến trường, là cái chết để kết thúc những nỗi ám ảnh, là sự đau đớn, day dứt của những người ở lại…
 Bạo lực học đường là vấn đề không mới nhưng thời gian gần đây đang có chiều hướng gia tăng với mức độ phức tạp, trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Liên tiếp các vụ việc về bạo lực học đường

Vụ việc nữ sinh N.T.Y.N. (SN 2007, học sinh lớp 10A15, Trường THPT chuyên Đại học Vinh, thuộc Đại học Vinh) treo cổ tự tử tại nhà riêng nghi liên quan đến vấn đề bạo lực học đường đã một lần nữa khiến chúng ta phải suy ngẫm. Vì sao em N.T.Y.N. phải tìm đến cái chết? Vì sao lại xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vậy? Và vì sao những câu chuyện về bạo lực học đường vẫn cứ tiếp diễn thường xuyên?

Trong vụ việc này, mặc dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng mẹ của em N.T.Y.N. đã chia sẻ về việc con mình có học lực giỏi, nhưng bỗng dưng bỏ học, nói với mẹ "con sợ đi học, sợ đến trường". Khi người mẹ tìm hiểu thì biết con bị đánh, bị ngược đãi và bị áp đảo tâm lý. Vì thế, người mẹ đã tìm đến trường để xin chuyển lớp cho con, tìm đến cô chủ nhiệm để xin được can thiệp. Người mẹ cũng chủ động đưa đón con đi học để tránh việc con bị bắt nạt. Nhưng vào ngày 15/4, do bố mẹ đi vắng, em N. đã treo cổ tự tử tại nhà riêng. Cái chết của em N. là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp nổi đối với gia đình em, đồng thời cũng để lại nỗi day dứt khôn nguôi với những người làm cha, làm mẹ khi đã có phần chủ quan và không thể giúp con vượt qua được “cơn ác mộng” bạo lực học đường.

Trước vụ việc đáng tiếc xảy ra đối với em nữ sinh ở Vinh, đã có rất nhiều vụ việc khác liên quan đến bạo lực học đường trong thời gian gần đây.

Ngày 20/4, UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) đã có thông tin ban đầu về vụ việc xảy ra vào ngày 2/4 khi học sinh G.T.C (học sinh lớp 8A2 trường THCS Xuân Nộn) đi giám định thương tích sau vụ bị một số em học sinh khác đánh hội đồng. Trong vụ việc, một số học sinh trường Cao đẳng Việt -  Hàn, trường THCS Xuân Nộn và một số em học sinh khác đến nhà em G.T.C. và yêu cầu em này ra ngoài nói chuyện. Sau đó nhóm học sinh trên đã có hành vi đánh em C. và quay clip. Sự việc diễn ra tại khu vực ngoài nhà trường, trong ngày nghỉ. Nguyên nhân ban đầu được cho là do các nữ sinh mâu thuẫn trong sinh hoạt, học tập. Gia đình nạn nhân đã gửi đơn tố giác với Công an xã Xuân Nộn, đồng thời gửi đơn kiến nghị tới Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh.

Ngày 4/4/2023, tại Trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Huế) xảy ra vụ việc hết sức đau lòng. Trong giờ ra chơi, em N.Đ.Th. đi mua thạch dừa. Lúc ăn, sơ ý để nước thạch dừa chảy vào tay, Th. chùi vào tường của lớp. Lúc này, bạn cùng lớp là H.V.G.B có lời qua tiếng lại. Sau đó, Th. xông vào hành hung, xô B. ngã đầu đập vào bàn học. Giáo viên của trường đã đưa B. đến Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu nhưng nam sinh không qua khỏi.

Vào tháng 12/2022, một nữ sinh bị đánh dã man ngay trước cổng Trường Trung học cơ sở Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Vụ việc được ghi lại và tung clip lên mạng xã hội. Đoạn clip cho thấy nữ sinh lớp 9 bị nữ sinh khác lớp dùng mũ bảo hiểm đánh vào vùng đầu. Nạn nhân còn bị kéo xuống ruộng để hành hung. Chỉ đến khi nữ sinh bị đánh toàn thân lấm lem bùn đất, nữ sinh cùng trường mới chịu dừng hành vi bạo lực trên. Một điều đáng nói trong vụ việc này là những người đứng xem là học sinh, nhưng không bạn nào can ngăn, không bạn nào đi báo người có trách nhiệm để can ngăn. Tệ hại hơn, có nhiều học sinh còn hò reo, cổ vũ.

Ngày 21/10/2022, tại Trường THCS Đức Giang (Hoài Đức, Hà Nội), em H.X.Q bị bạn tụt quần ba lần trong một buổi học dẫn đến xấu hổ, uất ức rồi nhảy lầu, gây chấn thương nặng. 

Những con số đáng buồn

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình, cứ 5.200 học sinh lại có 1 vụ đánh nhau, cứ hơn 11.000 học sinh có 1 em bị buộc thôi học vì đánh nhau, cứ 9 trường có 1 trường có học sinh đánh nhau. Nghiêm trọng hơn, đối tượng phạm tội ngày càng có xu hướng trẻ hóa, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, hành vi bạo lực cũng ngày càng đa dạng hơn.

Không chỉ ở Việt Nam, vấn đề bạo lực học đường là câu chuyện không mới tại các nước trên thế giới. Liên hợp quốc ước tính mỗi năm có 246 triệu bé gái và bé trai bị bạo lực trong và xung quanh trường học. Trước thực trạng bạo lực học đường diễn biến phức tạp, các nước trên thế giới đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình, chiến lược quốc gia về vấn đề này.

Chẳng hạn như, Hàn Quốc đã ban hành luật chống bạo lực và bắt nạt học đường vào năm 2004, hay Philippines cũng ban hành Đạo luật chống bắt nạt (2016) đề cập đến cả bắt nạt truyền thống và bắt nạt trực tuyến, Australia có Khung chuẩn quốc gia về trường học an toàn (2004); Thụy Điển có Luật chống phân biệt (2009) và Luật Giáo dục sửa đổi (2010) cấm tất cả các hình thức phân biệt và bắt nạt ở trường học….

Tại Hàn Quốc, Chính phủ nước này đang thúc đẩy dự luật mới nhằm ngăn chặn bạo lực học đường. Dự luật sẽ kéo dài thời gian lưu giữ hồ sơ bạo lực học đường trong hồ sơ của sinh viên, cho tới khi sinh viên này tìm được việc làm. Đồng thời xem xét những hồ sơ này trong quá trình xét tuyển đại học sớm và thông thường. Trước đó, vào cuối năm ngoái, chính phủ Hàn Quốc đã thông qua dự luật hạ thấp giới hạn độ tuổi từ 14 xuống 13 trong Đạo luật Phòng chống Tội phạm và Tư pháp Vị thành niên.

Rõ ràng, bạo lực học đường là vấn đề không mới nhưng thời gian gần đây đang có chiều hướng gia tăng với mức độ phức tạp, trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội. Đã đến lúc toàn xã hội, nhà trường, gia đình, các bậc cha mẹ cần nhận thức rõ hơn về vấn đề này.

Ở góc độ gia đình, thiết nghĩ mỗi bậc phụ huynh không chỉ gần gũi để chia sẻ, đồng hành cùng con, để con không phải là nạn nhân của bạo lực học đường mà còn là người có vai trò giáo dục, định hướng để con không phải là người gây ra những hành vi bạo lực học đường. Thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh luôn có tâm lý bênh vực, nuông chiều, hoặc “mặc kệ”, không nghiêm khắc với con, dẫn đến việc con cái họ trở thành những người đi bắt nạt các bạn khác.

Việc chủ động từ phía phụ huynh để góp sức cùng các nhà trường và xã hội xây dựng môi trường học đường lành mạnh, chú trọng nuôi dưỡng nhân cách, đạo đức cho học sinh sẽ giúp các em biết yêu thương bạn bè, xót xa trước nỗi đau của người khác và từ đó sẽ tránh xa được vấn nạn bạo lực học đường./.

 

Song Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực