Ký ức về những ngày khó khăn chồng chất
|
Quang cảnh phòng hồi sức tích cực Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh tại TP Thủ Đức những ngày căng thẳng bởi dịch bệnh (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
|
Có lẽ ai đã từng có mặt tại TP Hồ Chí Minh trong những tháng, ngày mà đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh hẳn sẽ còn thấy ám ảnh và sợ hãi. Đường phố vắng tanh, nhà nào nhà nấy cửa đóng then cài. Hình ảnh xô bồ, náo nhiệt, nét đặc trưng “kẹt xe” của Thành phố thường ngày đã nhường chỗ cho tiếng còi xe cứu thương nối đuôi nhau, nghe mà xé lòng. Các bệnh viện không đủ sức chứa bệnh nhân, các trung tâm cách ly y tế mở ra liên tiếp cũng quá tải, các nhà xác, các cơ sở hỏa táng hoạt động hết công suất…nhưng cũng không thể đáp ứng nhu cầu. Khắp các quận huyện, chợ truyền thống đóng cửa, người dân được phát phiếu đi mua sắm theo ngày cố định hoặc nhờ lực lượng đi chợ hộ mua giúp thực phẩm. Chuỗi cung ứng đứt gãy, có thời điểm hàng hóa vô cùng khan hiếm…Khi ấy, nhiều người còn thật sự chưa hiểu hết COVID-19 là gì mà “khủng khiếp” tới vậy. Cảm giác hoang mang, lo sợ bao trùm cả Thành phố những ngày này.
Cấp độ dịch mỗi ngày một tăng, các biện pháp giãn cách cũng tương ứng được Thành phố ban hành theo hướng siết chặt hơn việc đi lại bên ngoài của người dân. Những khó khăn ngày càng chồng chất. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Thành phố thật sự rơi vào khủng hoảng. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, thậm chí phải chấp nhận phá sản. Những doanh nghiệp còn duy trì được thì xoay sở đủ cách để cầm cự. Trong lúc ấy, giải pháp “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” thật sự là một sáng kiến để sản xuất không bị đứt gãy, song không hề đơn giản với các doanh nghiệp khi họ phải bố trí được nơi ăn, ở cho công nhân. Nhà xưởng, bãi giữ xe đã được chuyển đổi công năng. Doanh nghiệp phải triển khai mua sắm từ chăn, màn, chiếu ngủ hay lắp đặt khu vệ sinh, nhà tắm… để phục vụ cho công nhân ở lại nơi sản xuất. Chi phí cho “3 tại chỗ” tăng trong khi doanh nghiệp chỉ được bố trí số lao động làm việc tại chỗ có hạn, do đó, công suất giảm đáng kể, dẫn đến các đơn hàng bị trễ, nguy cơ tiềm ẩn mất thanh khoản, nợ xấu gia tăng. Nhiều người cho rằng, thời khắc ấy không khác gì đang trong một cuộc chiến. Có nhiều cuộc họp diễn ra thay vì lên kế hoạch phát triển kinh doanh thì nay chỉ tranh luận với nhau làm thế nào để mọi người không trở thành F0,F1, F2...
Số lao động phải nghỉ việc, giãn việc, mất việc gia tăng. Nhiều lao động không thể trụ nổi ở Thành phố phải bỏ về quê. Những cuộc “hồi hương bất đắc dĩ” cứ ùn ùn diễn ra, thậm chí bất chấp sự tuyên truyền và ngăn cản của các cơ quan chức năng.
Một vài con số làm chúng ta giật mình, đó là doanh số thương mại dịch vụ tháng 8/2021 chỉ còn 35.500 tỷ đồng, chưa bằng 30% doanh thu hàng tháng trong điều kiện bình thường. Ngành công nghiệp lúc này cũng giảm sâu 22,4% so với tháng trước.
Suốt cả tháng, số doanh nghiệp thành lập mới chỉ 594, thấp hơn cả số hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trung bình trong một ngày giai đoạn bình thường.
Năm 2021, tăng trưởng kinh tế Thành phố (GRDP) giảm sâu (-6,78%). Theo báo cáo của Cục thống kê TP Hồ Chí Minh, trong năm 2021, tất cả các thành phần của GRDP của Thành phố đều giảm. Theo đó, khu vực nông - lâm - thuỷ sản giảm 13,68%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 12,96%; khu vực thương mại dịch vụ giảm 5,5%; thuế sản phẩm giảm 0,43%. Đặc biệt, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm rất mạnh (-54,93%) và ngành kinh doanh bất động sản giảm 17,32% so với cùng kỳ.
Tại kỳ họp thứ 4, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức vào tháng 12/2021, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết ước tính thiệt hại kinh tế năm 2020 và 2021 của Thành phố do đại dịch COVID-19 khoảng 273.000 tỉ đồng - tương đương 11,9 tỉ USD.
Thiệt hại về kinh tế là vô cùng nghiêm trọng. Nhưng với thời gian, và bằng sự nỗ lực và quyết tâm chúng ta có thể sẽ dần lấy lại được kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, những thiệt hại về người thì không gì bù đắp được. Trong đợt dịch vừa qua, Thành phố đã có hàng chục ngàn người đã không vượt qua được dịch bệnh, phải ra đi mãi mãi. Những con số thiệt hại về định lượng đã quá tàn khốc, nhưng bên cạnh đó còn có những thiệt hại không thể đong đếm, đó là những ảnh hưởng về thể chất của người nhiễm bệnh khi được điều trị khỏi, là nỗi đau về tinh thần của người ở lại khi có người thân qua đời, đó là những vấn đề về tâm lý dễ hoang mang, trầm cảm... khiến cho chất lượng cuộc sống bị giảm đáng kể.
Bứt phá thần kỳ
|
Công nhân may Nhà Bè nỗ lực sản xuất phục vụ đơn hàng xuất khẩu trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Ảnh: VĂN LỢI.
|
Chia sẻ tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy chiều 11/9/2021, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng, việc áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt không thể kéo dài, điều đó là quá sức chịu đựng của người dân và nền kinh tế. Thành phố phải xây dựng một chương trình phục hồi kinh tế sớm để kịp chớp thời cơ. Nội dung này ngay sau đó cũng được Bí thư Thành ủy chia sẻ với các chuyên gia, bàn việc phục hồi kinh tế Thành phố.
Có thể nói, TP Hồ Chí Minh là địa phương có truyền thống năng động, sáng tạo nên dù còn diễn biến phức tạp nhưng thấy dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát, Thành phố đã xây dựng ngay chương trình phục hồi. Khi ấy, Thành phố đã thí điểm ở các quận huyện, sau đó ban hành kế hoạch phục hồi với 11 chiến lược. Tiếp theo Chính phủ cũng ban hành nghị định 128, đánh dấu cột mốc chuyển từ chiến lược "Zero COVID-19" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", các địa phương mở cửa, đã giúp Thành phố có thêm động lực, thuận lợi hơn. Mọi người đều đánh giá rằng, TP Hồ Chí Minh đã luôn đi đầu, tổn thương nhiều nhất nhưng lại khôi phục sớm nhất, phục hồi nhanh nhất.
Và điều đó đã được minh chứng qua các con số cụ thể. Kết quả, Quý 1/2022, quý đầu tiên Thành phố thực hiện chương trình phục hồi kinh tế sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, kinh tế Thành phố ghi nhận nhiều tín hiệu phục hồi tích cực với mức tăng trưởng GRDP đạt 1,88%. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý 1/2022 đạt cao nhất so với cùng kỳ 3 năm gần đây.
Trên 98% các cơ sở sản xuất trên địa bàn Thành phố đã mở cửa nhà máy, phân xưởng sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, không bị đứt gãy, các cấp chính quyền chú trọng đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tổng thu ngân sách nhà nước (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) ước thực hiện 121.000 tỷ đồng, đạt 31,31% dự toán và tăng 9,41% so với cùng kỳ…
Sang tới Quý 2/2022, kinh tế Thành phố đã có mức tăng trưởng mạnh mẽ mà như chia sẻ của đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh tại hội nghị lần thứ 15 mở rộng của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025) vừa được tổ chức tuần qua, thì Thành phố đã vượt qua nhiều chướng ngại vật, tăng tốc khá mạnh mẽ, tạo ra nhiều xung lực mới và kinh tế phục hồi nhanh hơn dự báo.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng GRDP theo quý trong hai năm 2021 và 2022, có thể thấy nền kinh tế TP Hồ Chí Minh đã có sự hồi phục theo hình chữ V và đến nay đang trên đà tăng ổn định.
Báo cáo của UBND Thành phố tại kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X vừa được diễn ra (từ ngày 6-8/7/2022) cho thấy con số cụ thể từ mức giảm sâu ở quý 3 và 4 năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, đến quý 1 và 2 năm 2022 tăng lần lượt lên 1,88% và 5,73%. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng quý 2 tăng hơn 3 lần so với quý 1, cho thấy kinh tế Thành phố phục hồi sớm hơn kỳ vọng. Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện 6 tháng đầu năm ước đạt 238.000 tỷ đồng (đạt 61,7% dự toán năm và tăng 17,5% so cùng kỳ).
Trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát, nền kinh tế hồi phục, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ nửa đầu năm 2022 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng tăng trưởng ấn tượng 6,2% với hơn 556.440 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, từ đầu năm nay đến hết ngày 20/6, tổng số vốn cấp phép đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Thành phố đã tăng tới 55,2%, đạt mốc 2,21 tỉ USD. Hoạt động du lịch trên địa bàn cũng ghi nhận nhiều khả quan, với khách du lịch nội địa tăng 43% (hơn 11 triệu lượt khách) và khách du lịch quốc tế tăng mạnh 100% so với cùng kỳ năm trước (hơn 477.980 lượt khách)…
Đạt được kết quả đó là nhờ Thành phố đã chấp hành nghiêm, có hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương. Nhưng trên hết, đó là nhờ tinh thần mạnh mẽ, khí thế hăng hái thi đua, tinh thần đoàn kết quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố, của cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với đó là sự hỗ trợ, sẻ chia của bạn bè trong và ngoài nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài.
Với chủ đề năm 2022 của TP Hồ Chí Minh: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”, lãnh đạo Thành phố cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để triển khai quyết liệt các kế hoạch đã đề ra nhằm đạt mục tiêu năm 2022 cũng như của cả nhiệm kỳ. Chúng ta cùng hi vọng về sự bứt phá ngoạn mục của kinh tế Thành phố và những giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục đón nhận những thông tin đáng mừng đó là đạt được mức cao hơn, nhanh hơn so với dự báo./.