Lãng phí vẫn bị xem nhẹ!

Thứ sáu, 11/01/2019 13:24
(ĐCSVN) - Có câu “Mưa dầm lâu sẽ lụt, rơi vãi nhiều sẽ hụt, sẽ hao”…, lãng phí gây nguy hại cho xã hội không kém gì tham nhũng. Ai cũng hiểu lãng phí gây mất mát nguồn lực lớn của mỗi cá nhân và xã hội, nhưng lãng phí vẫn đang diễn ra hằng giờ, hằng ngày…
Tranh minh họa. (Nguồn: dantri.com.vn) 

Có thể nói, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí (PCTNLP) chưa bao giờ được làm mạnh và quyết liệt như những năm gần đây. Những con số thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ở những đại án làm cho xã hội không khỏi giật mình về sự lãng phí quá lớn trong khi đất nước còn nghèo, người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không dễ phân định ranh giới giữa tham nhũng và lãng phí một cách rõ ràng để chỉ mặt điểm tên những tổ chức, cá nhân gây ra lãng phí. Vì thế, hành vi làm thất thoát lãng phí ít bị xử lý và hầu như chưa có ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thực tế cho thấy, có những lãng phí chưa chắc đã liên quan đến tham nhũng, không loại trừ, trình độ, năng lực yếu kém của cán bộ, lãnh đạo…; có những quyết định không phù hợp có khi còn gây ra lãng phí nặng nề, tổn hại khôn lường cho xã hội.

Lĩnh vực đầu tư công ở nước ta được cho là gây ra thất thoát, lãng phí thuộc nhóm đứng đầu. Không ít những công trình xây dựng hoành tráng cuối cùng chỉ để làm cảnh vì hoạt động khai thác sử dụng được đếm trên đầu ngón tay mỗi năm; có những công trình đầu tư nhiều tỷ đồng để rồi đắp chiếu nhiều năm chưa thể đưa vào khai thác do bị đội vốn, thiếu vốn…, hay những lễ hội rườm rà, lễ kỷ niệm, khai trương, động thổ phô trương hình thức; sử dụng xe ô tô công không đúng mục đích cũng như việc tổ chức các đoàn cán bộ đi nước ngoài theo kiểu phong trào… gây lãng phí lớn là không thể phủ nhận.

Lãng phí không đơn thuần chỉ là những số tiền thất thoát được công bố bởi các cơ quan có trách nhiệm cũng như phản ánh của báo chí. Còn có những lãng phí ghê gớm vẫn âm thầm diễn ra mà có thể người ta chưa lượng hoá được ngay những thiệt hại của nó bằng cách quy chiếu ra những con số bằng tiền ở tại thời điểm diễn ra lãng phí...

Có lẽ, không riêng ai, mỗi người trong đời chắc hẳn không chỉ một vài lần phải luyến tiếc về quá khứ, về thời gian đã đi qua để rồi phải thốt lên những câu “tiếc rằng, giá như…” . Thời gian chính là một trong những thứ vô cùng quý giá đó, nếu lỡ để lãng phí thì không bao giờ có thể lấy lại; nhưng với nhiều người, hình như chưa nhận ra giá trị mất mát rất lớn của loại hình lãng phí này.

Thời gian là cơ hội, là tiền bạc…, mỗi phút trôi qua là sự tiêu tốn, thế nhưng, sự chậm trễ trong thực hiện công vụ, kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân vẫn thường xuyên xảy ra ở nhiều nơi. Người ta không thể sốt ruột hơn khi phải chấp nhận cách thức giải quyết thủ tục hành chính của một bộ phận không nhỏ cán bộ công quyền, kiểu “muốn nhanh thì phải từ từ”. Thậm chí ngay ở thủ đô vẫn tồn tại những câu nói khá hài ước: “Hà Nội không vội được đâu”…, rất có thể câu nói “không vội” ở đây được hiểu dưới nhiều khía cạnh khác nhau, tuy nhiên nếu như mọi thứ cứ nhẩn nha, thư thả thì nhiều cơ hội của người dân, của đất nước sẽ bị bỏ lỡ, nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân. Đó chính là nguyên nhân gây sự lãng phí nguồn lực xã hội không thể xem nhẹ.

Năng lượng luôn là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội…, song lãng phí năng lượng được cho là khá phổ biến ở nước ta. Hiện tượng cơ quan, công sở, giảng đường, phòng học, phòng họp... sau khi học/họp xong vẫn để đèn, quạt, máy lạnh... mà không ai tắt có lẽ không phải là chuyện hiếm gặp ở Việt Nam. Hình như đa số đều có tâm lý không phải trách nhiệm của mình. Việc tắt các thiết bị sử dụng điện năng khi là người cuối cùng rời khỏi phòng để tiết kiệm năng lượng dường như chưa phải là ý thức của người Việt; phần lớn vẫn rất thiếu ý thức, vẫn giữ thói quen kiểu “cha chung không ai khóc” là biểu hiện không chỉ của riêng vấn đề lãng phí năng lượng!

Nói đến lãng phí, không thể bỏ qua vấn đề lãng phí nguồn nhân lực. Người Việt Nam vẫn được cho là thông minh, chăm chỉ cần cù… vậy tại sao năng suất lao động lại không cao? Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam thấp và còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực ASEAN. Đặc biệt là nguồn nhân lực làm việc ở khu vực công, với phương thức quản lý (quản trị) hiện tại vẫn còn nặng về giờ giấc hành chính đã tạo ra kẽ hở cho một bộ phận cán bộ sáng cắp ô đi, tối cắp về vẫn không ảnh hưởng gì, chỉ cần có mặt - điểm danh là được, còn hiệu quả công việc thì được đánh giá bằng các báo cáo bởi những mỹ từ hết sức đẹp đẽ. Thay đổi phương thức quản lý (quản trị) là cần thiết, phải có công cụ, tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc mang tính định lượng (cân, đong, đo đếm…) được, giảm bớt các công cụ, tiêu chí đánh giá mang định tính (cảm tính, vô thưởng, vô phạt…) mới hạn chế lãng phí nguồn nhân lực.

Đề cập về lãng phí, có lẽ không thể liệt kê hay mô tả đầy đủ trong phạm vi của một bài viết. Có quá nhiều những hành vi lãng phí trong xã hội, thậm chí vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được luật hóa, song lãng phí hình như vẫn bị xem nhẹ. Có câu: “Mưa dầm lâu sẽ lụt, rơi vãi nhiều sẽ hụt sẽ hao”…, lãng phí gây nguy hại cho xã hội không kém gì tham nhũng. Ai cũng hiểu lãng phí gây mất mát nguồn lực lớn cho mỗi cá nhân và xã hội, nhưng lãng phí vẫn đang diễn ra hằng giờ, hằng ngày…

Thiết nghĩ, để ý thức của mỗi cá nhân, tổ chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành tự giác, nên đưa vấn đề này vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến “Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” sâu, rộng hơn nữa; truy cứu trách nhiệm đến cùng và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có những hành vi gây lãng phí; Tuyên truyền đậm nét hơn chuyên mục về phòng chống tham nhũng, lãng phí (PCTNLP) trên Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam cũng như các cơ quan báo chí, truyền thông để cộng đồng xã hội nhận diện rõ hơn về những hành vi lãng phí, nguyên nhân, tác hại của lãng phí đối với mỗi cá nhân và xã hội./.

Khắc Trường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực