|
Có những công trình kéo dài cả thập kỷ vẫn nằm “đắp chiếu”gây ra một sự lãnh phí không hề nhỏ. (Ảnh minh họa: TH) |
Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là việc không mới. Công tác này vẫn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, đồng thời là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp chính quyền. Hằng năm đều báo cáo cho các cơ quan dân cử, cho Nhân dân biết và giám sát.
Trong Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 khẳng định: Thời gian qua công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.
Việc quản lý và thu chi ngân sách chặt chẽ, có tiết kiệm cơ cấu chi hợp lý, không dàn trải có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho phát triển và đầu tư, đảm bảo chi cho an sinh xã hội, với con số rất ấn tượng trong tiết kiệm chi là hơn 350 nghìn tỷ, bội chi ngân sách ở mức cho phép, trần nợ công giảm mạnh. Nhiều tài sản các vụ án tham nhũng được thu hồi năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt là việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính là điểm cộng đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, điều đáng nói, Báo cáo kết quả giám sát có tổng cộng 93 trang nhưng những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân được liệt kê là gần 60 trang. Điều này có nghĩa là nhìn đâu cũng thấy lãng phí và thất thoát. Ví như về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, giai đoạn 2016 - 2021 phát hiện và xử lý 12.640 vụ vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ với tổng giá trị được kiến nghị thu hồi và bồi thường là 894,1 tỷ đồng.
Còn về tài sản Nhà nước có đến gần 7.000 phương tiện đi lại, 33.608 tài sản khác được trang bị, hàng trăm nghìn mét vuông diện tích trụ sở, nhà công vụ sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ. Đặc biệt, giai đoạn 2016 - 2021 vẫn còn 650.624.498 m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm thu được lại rất nhỏ là 242.082 triệu đồng. Nhìn vào những “con số biết nói” đó để thấy sự lãng phí nguồn lực rất lớn.
Một lãng phí mà chúng ta rất dễ nhìn thấy đó là cứ “đến hẹn lại lên”, vỉa hè đang yên đang lành lại bị bới tung lên để sửa chữa. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học nghiệm thu xong lại cất ngăn kéo khiến dư luận đặt câu hỏi có hay không những công trình không có khoa học mà chỉ để tiêu tiền? Hay một thực tế đang hiển hiện trong việc sắp xếp lại nhà, đất, trụ sở làm việc của các bộ, ngành, địa phương và khối doanh nghiệp còn chậm, chưa hiệu quả. Thậm chí một số trụ sở của các cơ quan đã di dời nhưng trụ sở cũ lại bỏ không, gây lãng phí không nhỏ…
Có một sự lãng phí rất lớn khác đã được nói nhiều nhưng kết qủa lại chưa có chuyển biến nhiều. Đó chính là những dự án treo, quy hoạch treo, những công trình kéo dài cả thập kỷ vẫn nằm “đắp chiếu” không biết đến bao giờ. Hay tình trạng chậm giải ngân đầu tư công, đầu tư hạ tầng mà không hiệu quả… đã được đề cập rất nhiều nhưng kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn, vẫn đang tồn tại theo kiểu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”… Và hậu quả là hàng ngàn tỉ “bốc hơi”.
Đồng thời, có những cái lãng phí không thể cân đo đong đếm như thời gian, cơ hội, đất đai, đặc biệt là sức lực, trí tuệ, hay cách thức tổ chức làm việc, chủ trương, chính sách… Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí từng nêu ví dụ: Văn bằng, chứng chỉ không hợp lý, gây ra tình trạng “đua” nhau đi học. Nhiều khi không biết học để làm gì cũng cứ học, vì thấy người bên cạnh học, người trong cơ quan học. Những ngoại ngữ không cần thiết cũng đi học để làm đẹp bằng cấp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần đặt đi đặt lại vấn đề lãng phí. Đồng chí đã từng nói: Cùng với việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ, Quốc hội cũng cần coi trọng vấn đề thực hành tiết kiệm chống lãng phí hằng năm và cả nhiệm kỳ. Bởi đôi khi thất thoát, lãng phí không kém gì thất thoát do các vụ án tham nhũng, tiêu cực gây ra, thậm chí còn lớn hơn cả tham nhũng.
Đồng tình với Chủ tịch Quốc hội, trên diễn đàn Quốc hội nhiều đại biểu đã lên tiếng về vấn đề này và cảm thấy xót xa trước sự lãng phí. Có đại biểu Quốc hội cũng từng ví lãng phí và tham nhũng như “anh em sinh đôi”. Thậm chí “lãng phí nguy hại hơn tham nhũng” theo hướng lập luận: Tham nhũng thì tài sản không mất đi mà nó chỉ từ của nhà nước lòng vòng xuống cá nhân, xuống đối tượng tham nhũng. Còn lãng phí là cái mất đi, không vào ai cả…
Nói như vậy để thấy rằng, dù hậu quả không dễ được lượng hóa về những thất thoát như hành vi tham nhũng gây ra, nhưng rõ ràng lãng phí đang gây nên những hậu quả khôn lường, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nguyên nhân của tình trạng nêu trên được liệt kê ra thì rất nhiều. Đó là do bất cập từ một số quy định chính sách pháp luật còn chồng chéo; quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức chưa theo kịp yêu cầu phát triển; còn hiện tượng buông lỏng quản lý, nể nang, né tránh tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương... Nhưng có một nguyên nhân đến từ yếu tố chủ quan chính là khâu tổ chức thực hiện, trong đó có nguyên nhân từ kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện chưa nghiêm.
Để nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tại kỳ họp thứ Tư mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, Nghị quyết đã nêu lên một loạt các biện pháp để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như: Tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xử lý nghiêm minh, kịp thời trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không thể chung chung, phải gắn cơ chế xử lý trách nhiệm với mỗi cá nhân, tổ chức khi thực hiện quy định này….
Những biện pháp nêu trên là rất quan trọng, cần thiết. Nhưng thiết nghĩ chống lãng phí không phải là đợi để bắt, xét xử rồi cho vào tù, vì khi xảy ra rồi thì việc xử lý không còn nhiều hiệu quả. Chống là để chủ động không gây lãng phí, muốn vậy công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần làm lâu dài, bền vững và làm ở mọi nơi, mọi lúc. Tiết kiệm, chống lãng phí cần phải trở thành thói quen, nếp sống của từng cá nhân trước khi là yêu cầu của một cán bộ, công chức, một cơ quan. Do đó, việc cần làm thường xuyên, liên tục là quan tâm hơn nữa tới việc phát triển văn hóa toàn diện, trong đó nhấn mạnh vào việc giáo dục lối sống văn minh, nâng cao ý thức đạo đức mới là gốc của việc chống lãng phí…/.