"Thương người như thể thương thân"

Thứ tư, 28/07/2021 06:54
(ĐCSVN) – Có lẽ chưa bao giờ, truyền thống "thương người như thể thương thân" lại được truyền đi rộng khắp và nhân lên mạnh mẽ như trong thời gian này. Hai tiếng “đồng bào” đã thôi thúc trái tim mỗi người con đất Việt, để cùng nhau đùm bọc, sẻ chia, cùng nhau vượt qua những khó khăn của dịch bệnh.
Chị Đỗ Thị Ngọc Phượng (chủ nhà hàng chay Mãn Tự) cho biết, dù thời gian này mọi người đều rất vất vả, nhưng ai nấy đều nỗ lực để giúp đỡ phần nào cuộc sống bà con đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh (Ảnh: Ngô Tùng) 

Dịch bệnh mỗi ngày thêm phức tạp, do vậy, những hoàn cảnh khó khăn mỗi ngày lại tăng lên và tấm lòng nhân ái cứ thế được kích hoạt tự nhiên và lan tỏa. Trong đợt dịch này, TP Hồ Chí Minh đang là tâm điểm, khi hiện nay Thành phố đã ghi nhận gần 70 nghìn ca mắc COVID-19. Cùng với đó đã có khoảng 3.600 địa điểm trên địa bàn được phong tỏa tạm thời để thực hiện công tác phòng, chống dịch.

Trước những khó khăn này, trong những ngày qua, có biết bao chuyến xe nghĩa tình từ các tỉnh, thành đã chuyên chở lương thực thực phẩm, rau củ, cá tươi, đồ khô, trứng… về TP Hồ Chí Minh hỗ trợ người dân an tâm chống dịch. Nghĩa đồng bào gửi gắm cả vào từng mớ rau, quả trứng; tình yêu thương và niềm tin chiến thắng gửi vào từng hộp cá, từng trái bầu, trái bí vườn nhà.

Cùng với tình yêu thương ấy, sự động viên về vật chất lẫn tinh thần từ người dân cả nước, thì chính người dân đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh cũng đang hết mình hỗ trợ nhau. Người bỏ công làm ra những món ăn, thức uống; người góp tiền; người có hàng hóa thì ủng hộ hàng hóa để cùng lực lượng chức năng hỗ trợ người dân bị cách ly hay người nghèo khó. Đã có biết bao siêu thị 0 đồng, chợ 0 đồng, ATM gạo miễn phí được ra đời; đã có biết bao suất cơm miễn phí mỗi ngày từ các mạnh thường quân được đưa tới cho những người nơi tuyến đầu chống dịch, cho bà con đang ở các nơi cách ly, phong tỏa trên địa bàn.

Chúng ta thật xúc động khi đọc được thông tin chị Đỗ Thị Ngọc Phượng (chủ chuỗi quán chay Mãn Tự, Quận 1, TP Hồ Chí Minh) cùng nhóm thiện nguyện của mình, và sự hỗ trợ của các mạnh thường quân đã nấu 4.000 đến 5.000 suất ăn mỗi ngày trong vài tháng qua để gửi miễn phí đến các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch và người dân trong khu phong tỏa cách ly trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt, khi dịch bệnh COVID-19 ngày càng phức tạp, có ngày số suất ăn bếp nấu phát đi lên tới hơn 7.500 phần. Bên cạnh đó, các chị còn mở ‘chợ rau’ 0 đồng, mỗi ngày tặng 20 tấn rau cho các bếp ăn từ thiện khác và bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Chúng ta thật cảm mến khi đã có biết bao nhiêu bác sĩ, y tá, sinh viên y khoa từ mọi miền Tổ quốc tình nguyện “Nam tiến” vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh. Hay như mới đây vào ngày 24/7, PGS.TS, Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh kêu gọi các đồng nghiệp tham gia chống dịch hỗ trợ TP Hồ Chí Minh thì chiều 26/7 đã có hơn 2 nghìn lượt người đăng ký. Trong số đó, không ít người đã về hưu. Họ chẳng nề hà khó khăn, hiểm nguy, thậm chí họ chấp nhận rủi ro và nguy cơ lây nhiễm cao chỉ bởi sự thúc giục của con tim không cho phép họ “ích kỷ”. Mệnh lệnh của trái tim ngay lúc này là “tối thượng”. Có sự hi sinh nào cao quý hơn thế khi tất cả chỉ vì mục đích cứu người, bởi biết bao người bệnh đang cần, rất cần họ...

Những ngày này, vào các trang báo, trên mạng xã hội, các hội nhóm, đâu đâu chúng ta cũng thấy những hình ảnh xúc động về sự sẻ chia, đùm bọc nhau trong mùa dịch. Bên cạnh sự “tàn khốc” của dịch bệnh COVID-19, chúng ta cảm nhận rõ hơn bao giờ hết chính là những giá trị nhân văn, là tình thương yêu của con người với con người. Người có điều kiện thì chia sẻ nhiều, người khó khăn thì chia sẻ ít nhưng điểm chung ở họ là trái tim ấm áp, là nghĩa tình.

 Tặng quà cho người dân trong khu phong tỏa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (Ảnh: HCDC)

Đọc chia sẻ trên mạng xã hội của một chị công nhân tại quận 12, TP Hồ Chí Minh đang thất nghiệp, gia đình vô cùng khó khăn, không thể xoay sở tiếp được, ngay sau đó là một loạt bình luận hỗ trợ. Họ hỏi địa chỉ chị ở đâu để gửi tiền, lương thực thực phẩm qua giúp chị; họ giới thiệu những nơi đang phát quà cho bà con gặp khó khăn gần khu vực chị sinh sống. Thậm chí có người cũng hoàn cảnh thất nghiệp như chị nhưng cũng sẵn sàng san sẻ: “Tôi cũng thất nghiệp, nhưng nếu bạn khó, qua tôi lấy gạo về ăn đỡ, dù sao tôi cũng còn duy trì được”. Tất cả họ hoàn toàn là người xa lạ, chưa từng quen biết nhau.

Anh Lê Mạnh Tân, sinh sống tại khu phố 7, tổ 108, phường Tân Định, quận 1, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, con hẻm nhỏ nơi anh ở bị phong tỏa do có vài trường hợp F0. Những ngày thực hiện lệnh phong tỏa, mọi người đều chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Nhưng cái đặc biệt nhất, ấn tượng nhất với anh là “người dân tình nghĩa quá”. Các mạnh thường quân chuyển vào cho bà con trong khu vực phong tỏa nào gạo, sữa, trứng, rau, củ, mắm muối đủ cả. “Mọi người trong khu phố chia sẻ với nhau từ củ gừng, cây sả cho tới con cá khô… Ai còn đồ ăn trong nhà thì nhường lại cho người khác. Không ai bảo ai nhưng điều đó cứ tự nhiên như thế. Cách ly nhưng không cách lòng. Cách ly khiến mọi người biết thêm về nhau, thân thiết với nhau hơn. Người dân cũng luôn được cô tổ trưởng, tổ phó động viên cùng cố gắng, cùng chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch để chung tay cùng chính quyền Thành phố đẩy lùi dịch bệnh. Tôi thật sự rất xúc động và hạnh phúc vì những tình cảm chân tình mà mọi người dành cho nhau”, anh Tân bộc bạch.

Những ngày này dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và tăng cường một số biện pháp phòng, chống dịch. Không ít người dân ở các tỉnh, thành đang mưu sinh tại TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn khi không có việc làm, không có thu nhập. Chúng ta lại nhìn thấy rất nhiều cánh tay thiện nguyện, hỗ trợ bà con duy trì cuộc sống đồng thời giúp họ có thể trở về quê hương.

“Dịch bệnh ai cũng khó khăn cả. Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Thấy bà con khó khăn lúc này, ai giúp được gì cũng sẽ sẵn sàng cả thôi, không tính toán, so đo, không phân biệt người lạ hay quen, tất cả đều thân thương như chính ruột thịt của mình vậy”, một mạnh thường quân chia sẻ.

Đây có lẽ là suy nghĩ chung của rất nhiều người, bởi tinh thần tương thân tương ái, thương người như thể thương thân đã là truyền thống cao quý, tốt đẹp và có ý nghĩa của người Việt ta từ bao đời nay. Tinh thần ấy sẽ luôn được phát huy hơn nữa, để ngày càng nhiều hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ, được sẻ chia, để chúng ta nhanh chóng chiến thắng dịch bệnh, góp phần vì một đất nước tươi đẹp hơn./.

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực