Sức lan tỏa từ Cuộc thi trắc nghiệm "Chung tay vì an toàn giao thông"

Thứ hai, 20/09/2021 18:16
(ĐCSVN) – Cuộc thi đã thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Người dự thi thuộc nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có các vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Nhiều người tham gia dự thi thường xuyên, là người trong cùng gia đình, cùng địa bàn cư trú; là cán bộ, hội viên các cơ quan, đoàn thể; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; giáo viên và học sinh các nhà trường...

Bạn Võ Thị Liên đoạt giải Nhất tuần 24 Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông”

Bạn Phạm Thị Mai Vân đoạt giải Nhất tuần 23 Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông”

Bạn Nguyễn Thị Thùy Dung đoạt giải Nhất tuần 22 Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông”

Phát động Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông” năm 2021

Phát động Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông” tại Đại học Huế

Tài liệu tham khảo Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông”

leftcenterrightdel
 Những người đoạt giải Nhất trong 24 tuần thi của Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông” trên mạng xã hội VCNet năm 2021. (Đồ họa: Kiều Giang)

Thu hút đông đảo người dự thi trong cả nước

Theo Ban Tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông” trên mạng xã hội VCNet năm 2021, qua 24 tuần thi, Cuộc thi đã thu hút 507.490 người tham gia thi với 2.190.711 lượt làm bài thi. Sau 24 tuần diễn ra Cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao 24 giải Nhất, 48 giải Nhì, 72 giải Ba cho các cá nhân có kết quả thi xuất sắc nhất. 

Cuộc thi đã thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đối tượng dự thi thuộc nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có các vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Nhiều người tham gia dự thi thường xuyên, là người trong cùng gia đình, cùng địa bàn cư trú; là cán bộ, hội viên các cơ quan, đoàn thể; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; giáo viên và học sinh các nhà trường...

Nhiều cá nhân đã đầu tư thời gian, công sức để tìm hiểu, nghiên cứu, tham gia dự thi rất nhiệt tình, nghiêm túc, hiệu quả, đoạt giải trong hai, ba tuần của Cuộc thi. Đáng chú ý, một số em học sinh dưới 14 tuổi tham gia thi và hệ thống ghi nhận đoạt giải, nhưng do người dự thi chưa đủ tuổi tham gia nên căn cứ Thể lệ Cuộc thi, Ban Tổ chức không thể trao giải mà chỉ có thể biểu dương, ghi nhận, động viên.

Nhận thấy ý nghĩa và hiệu quả thiết thực của Cuộc thi, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm, chỉ đạo triển khai sâu rộng Cuộc thi; phổ biến nội dung, thể lệ Cuộc thi, hướng dẫn cách thi trên mạng VCNet; khuyến khích cán bộ, đảng viên tham gia dự thi. Nhiều nhà trường đã phối hợp cùng Ban Tổ chức phổ biến thông tin về Cuộc thi, hướng dẫn, động viên học sinh và giáo viên tham gia Cuộc thi. Một số trường đại học đã tổ chức phát động hưởng ứng Cuộc thi tới đông đảo sinh viên trong trường, như: Trường Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Huế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh...

Theo thống kê, các tỉnh, thành phố có số người tham gia dự thi đông nhất trong 24 tuần qua gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Bình, Gia Lai, Tiền Giang, Sơn La,… Đáng chú ý, Quảng Bình là một trong những tỉnh, thành phố có số người dự thi đông đảo và đạt kết quả xuất sắc trong những tuần thi cuối, trong đó số người dự thi và đoạt giải tập trung nhiều nhất tại huyện Quảng Trạch.

Cuộc thi do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Đối tượng tham dự Cuộc thi là người đang có tài khoản VCNet và người đăng ký tài khoản mới VCNet. Cuộc thi tập trung vào các nội dung kiến thức về an toàn giao thông; kỹ năng xử lý các tình huống; các hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông... Mọi công dân Việt Nam trong và ngoài nước có tài khoản VCNet (trừ các thành viên trong Ban Tổ chức, Ban Nội dung, Ban Thư ký Cuộc thi) và ở độ tuổi từ 14 trở lên đều có thể tham gia Cuộc thi.

leftcenterrightdel
Lễ phát động Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông” trên mạng xã hội VCNet năm 2021 tổ chức tại trường Đại học Giao thông vận tải, ngày 6/4/2021. (Ảnh: Kiều Giang) 

Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dự thi

Năm 2020, Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông” lần đầu tiên được tổ chức đã diễn ra trong 16 tuần (từ ngày 07/9/2020 đến ngày 28/12/2020), thu hút 1.166.869 người tham gia, tổng số lượt thi là 2.458.906 lượt. Đối tượng dự thi thuộc nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau: cán bộ, công an, bộ đội, sinh viên, học sinh… đến từ hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó nhiều người dự thi ở những vùng biên giới, hải đảo. Ban Tổ chức đã trao 96 giải thưởng, gồm 16 giải Nhất, 32 giải Nhì, 48 giải Ba với tổng trị giá giải thưởng là 128 triệu đồng cho những người đoạt giải.

Qua 2 năm tổ chức Cuộc thi, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức và đạt được những kết quả tích cực.

Cuộc thi được tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Nhiều địa phương, đơn vị đặc biệt quan tâm tổ chức phát động và triển khai sâu rộng Cuộc thi, qua đó góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông; nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ.

Cách thức thi đơn giản, tiết kiệm, cho phép người thi thao tác trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng, tạo thuận lợi cho người dự thi có thể tham gia thi ở mọi nơi, vào bất kỳ lúc nào. Bên cạnh các câu hỏi về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; các quy định cụ thể của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đối với giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không, đăng kiểm, bảo hiểm, Cuộc thi cũng có những câu hỏi về các sự kiện, dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngành Giao thông vận tải, các văn bản chỉ đạo mới nhất của Chính phủ về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông gắn với công tác phòng, chống dịch COVID-19..., và các câu hỏi về lịch sử, văn hóa gắn với hoạt động giao thông vận tải.

Song song với việc công bố bộ câu hỏi các tuần thi và thường xuyên đưa tin về tiến độ, kết quả các tuần thi, để tạo thuận lợi cho người dự thi trong việc tra cứu thông tin để làm bài thi, Ban Tổ chức đã giới thiệu một số tài liệu tham khảo. Người dự thi có thể dễ dàng truy cập để xem các thông tin, tài liệu này tại chuyên trang về Cuộc thi trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (https://dangcongsan.vn/cuoc-thi-trac-nghiem-chung-tay-vi-an-toan-giao-thong) và mạng xã hội VCNet (https://vcnet.vn/contestatgt/newsFeed.html).

Trong thời gian diễn ra Cuộc thi, thông tin trên mạng xã hội VCNet cho thấy nhiều tài khoản hoạt động rất tích cực, đặc biệt vào mỗi ngày thứ Hai hàng tuần khi Ban Tổ chức công bố kết quả thi tuần vừa qua và bộ câu hỏi thi tuần mới. Nhiều tài khoản tương tác, trao đổi sôi nổi về các câu hỏi thi, về tài liệu tham khảo của Cuộc thi để tìm đáp án đúng, qua đó được nâng cao hiểu biết, bổ sung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và kiến thức về lịch sử, văn hóa...

Có thể khẳng định, Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông” trên mạng xã hội VCNet đã góp phần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ. Đồng thời góp phần xây dựng văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, trang bị cho người dân các kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông an toàn./.

Kiều Giang - Hoài Hà
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực