Kết luận nội dung thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, qua thảo luận, nhận thấy đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời có nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn với mong muốn xây dựng luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, chăm lo đến bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận sáng 23/5. Ảnh: TL
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phòng cho biết, Đoàn Chủ tịch và các cơ quan hữu quan ghi nhận và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét biểu quyết thông qua. Đồng thời bày tỏ tin tưởng với trách nhiệm của người đại biểu, Quốc hội sẽ sáng suốt khi quyết định thông qua luật này.
Cùng với đó, kỳ vọng luật sau khi được hoàn thiện sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền thi hành pháp luật, tăng cường ý thực người dân, cũng như xử lý nghiêm khắc những người sử dụng rượu bia gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của người khác.
Trước đó, sau khi lắng nghe và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến một lần nữa khẳng định sự cần thiết ban hành luật nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri về phòng, chống tác hại rượu bia về tai nạn giao thông, bạo lực gia đình và vấn đề sức khỏe lâu dài của người dân. Rượu, bia là nhóm 1 gây các bệnh ung thư.
Thứ hai, quá trình soạn thảo này đã gần 2 nhiệm kỳ của Quốc hội. Do những ý kiến khác nhau và đến giai đoạn này, qua giai đoạn thảo luận, nghiên cứu thì hầu hết các đại biểu đã đồng thuận với những nội dung chính mà lần này ban thẩm định đã trình bày.
Thứ ba, để thực hiện Nghị quyết Trung ương, Nghị quyết số 20 và 21 về giảm tiêu thụ rượu, bia.
Thứ tư, đến thời điểm này đã có 155 nước trên thế giới đã xây dựng luật này, có những nước đã đưa điều chỉnh lần 2 để mong bảo vệ sức khỏe. Ban soạn thảo cũng tiếp thu trên một bình diện là bảo vệ sức khỏe, vấn đề tai nạn giao thông, về bạo lực gia đình, về các ảnh hưởng của xã hội nhưng cũng nhìn chung để đảm bảo sự phát triển của ngành công nghiệp rượu, bia, về công nghiệp cũng như sản xuất thủ công và thu nhập của những người sản xuất rượu, bia để có một lộ trình thích ứng từ từ và có những giải pháp xử lý hành chính hoặc các luật hiện hành một cách nghiêm khắc hơn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất các luật.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Ảnh: TL
Băn khoăn về việc bỏ quy định cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trên internet
Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên), cũng bày tỏ bất ngờ khi dự thảo lần này không còn quy định cấm bán rượu trên 15% độ cồn trên internet. Đại biểu cho biết, thực tế nội dung này đang được quy định tại Nghị định số 105/2017 của Chính phủ.
Đây là một biện pháp nhằm hạn chế tính sẵn có của rượu bia cần được xem xét kế thừa. Nhấn mạnh không thể dễ dàng bỏ qua những đánh giá tác hại của rượu bia đối với trẻ em, thuộc nội hàm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, bà Hiền đề nghị cần bổ sung cấm bán cả rượu, bia trên internet.
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, việc bỏ quy định về cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trên internet thay vào đó là quy định về điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử trong bối cảnh internet ngày càng phổ biến và độ tuổi tiếp cận ngày càng trẻ thì việc bỏ chế định trên có phải "vẽ đường cho hươu chạy"?.
Theo đại biểu, báo cáo giải trình lý giải việc bỏ quy định này là vì không hợp thông lệ, tạo rào cản phát triển của các doanh nghiệp mà quên cân nhắc những nguy cơ tác hại đến đến trẻ em, những đối tượng yếu thế của xã hội. Việc vừa cho rằng không đủ nguồn lực hiện có không đảm bảo, vừa cho phép bán rượu, bia trên internet, trong khi biện pháp kiểm soát là không thể thì nên hiểu đây là sự mâu thuẫn, sự thiếu sót về mặt lập pháp.
Tranh luận về việc bán và quảng cáo rượu, bia trên internet, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cho biết, cũng cần cần cân nhắc thấu đáo trong bối cảnh Việt Nam đã đang và sẽ ký nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước.
Nên tăng thuế với rượu bia; tăng mức phạt sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông
Đại biểu Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên Huế) đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung thêm quy định tăng thuế đối với các sản phẩm rượu, bia nhằm bù vào các khoản chi của ngân sách, phục vụ cho công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia. Vì hiện nay, ngân sách nhà nước chi cho phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và đầu tư phát triển, nhiều công trình, nhiều vấn đề xã hội cần phải sử dụng ngân sách.
Nếu luật được thông qua thì việc chi cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia là cần thiết, chiếm một khoản kinh phí khá lớn. Do đó, việc tăng thuế rượu, bia là cần thiết. Việc tăng thuế đối với rượu, bia cũng góp phần hạn chế việc dễ tiếp cận của rượu, bia; cũng được xem là một biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia - ông Hiệp cho biết.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) thì đề nghị tăng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Hiện nay, theo Luật Xử lí vi phạm hành chính, mức xử phạt trong lĩnh vực giao thông cũng rất cao là 75.000.000 đồng mà theo Nghị định số 46/NĐ-CP năm 2016 mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông có sử dung rượu bia thì mức cao nhất đến 20.000.000 đồng và tước bằng lái xe từ 4 - 6 tháng.
Theo quy định này, nếu chúng ta xử phạt nghiêm mọi hành vi vi phạm đều phát hiện xử lý kịp thời sẽ mang tính răn đe và mức xử phạt trong nghị định cũng hợp lý. Chúng ta phải căn cứ trên mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam.
Hiện nay chúng ta có thu nhập bình quân đầu người khoảng trên dưới 50.000.000 đồng. Sử dụng rượu bia khi lái xe ô tô mức xử phạt đến 20.00.000 đồng và đối với sử dụng xe mô tô, xe gắn máy đã tới 10.000.000 đồng, tôi cho rằng khả thi và quan trọng là chúng ta thi hành như thế nào thôi - đại biểu Giang nói./.