Cân nhắc về quy định hình thức kỷ luật giáng chức

Thứ ba, 11/06/2019 10:17
(ĐCSVN) – Nhiều đại biểu đề nghị bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức và thay bằng kỷ luật cách chức nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Hưng Yên). (ảnh: quochoi.vn)

 Chiều 10-6, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội (QH) đưa ra phương án không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, bởi việc quy định đồng thời 2 hình thức kỷ luật “giáng chức” và “cách chức” áp dụng đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dễ dẫn đến tình trạng nể nang, chỉ áp dụng hình thức “giáng chức” thay vì phải áp dụng hình thức “cách chức”. Hơn nữa, quy định về hình thức kỷ luật giáng chức là không phù hợp với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm. Hình thức “giáng chức” thực chất là bổ nhiệm vào chức vụ thấp hơn, trong khi đó tại vị trí được bổ nhiệm đã xác định đủ số lượng lãnh đạo, quản lý. Do vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh, sự nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi vi phạm của công chức lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng lợi dụng quy định để xử lý kỷ luật ở mức độ nhẹ hơn, Chính phủ đề nghị quy định theo hướng này.

Nhiều ý kiến trong cơ quan thẩm tra - Ủy ban Pháp luật, tán thành phương án tiếp tục giữ quy định về hình thức kỷ luật “giáng chức”, vì cho rằng về mặt pháp lý quy định hình thức xử lý kỷ luật “giáng chức” đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao. Thực tế, thời gian qua, căn cứ vào quy định này của Luật Cán bộ, công chức hình thức kỷ luật “giáng chức” cũng đã được áp dụng.

Trên thực tế, ranh giới giữa việc kỷ luật giáng chức và cách chức ở nước ta đang được cho là “có sự duy tình”. Có trường hợp cần cách chức nhưng cơ quan thực hiện lại muốn giảm nhẹ hình thức kỷ luật nên chỉ giáng chức. Việc bỏ hình thức kỷ luật giáng chức sẽ tương thích với 4 hình thức kỷ luật của hệ thống các cơ quan Đảng là cảnh cáo, khiển trách, cách chức, khai trừ khỏi Đảng. Bởi, hiện nay đang có 6 mức kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức; cách chức và buộc thôi việc. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nếu giám đốc sở cách chức xuống làm nhân viên sẽ rất phí.

Những vướng mắc về cơ sở pháp lý hay quan điểm nêu trên rõ ràng cần được thảo luận thấu đáo, thống nhất về nhận thức trong quá trình ĐBQH cho ý kiến về dự án Luật này. Hai yếu tố này được làm rõ mới yên tâm và có sự thống nhất trong thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Hưng Yên) ủng hộ phương án 1 như Chính phủ trình, tức là bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức tại khoản 1 điều 79, và thay bằng kỷ luật cách chức.

Đại biểu  Phúc đã phân tích: Điều này bảo đảm tương ứng với khối hình thức xử lý đảng viên là: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Do vậy công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý cần có 4 hình thức xử lý: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.

Cùng với đó, nữ đại biểu cũng cho rằng, việc áp dụng hình thức giáng chức sẽ dẫn tới tình trạng nể nang né tránh, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

"Hình thức kỷ luật giáng chức sẽ xung đột với việc bố trí công chức theo bố trí việc làm bởi hình thức giáng chức thực chất chỉ là bổ nhiệm vào vị trí chức vụ thấp hơn, trong khi vị trí đó đã xác định đủ số lượng lãnh đạo, quản lý. Hơn nữa, người bị xử lý kỷ luật giáng chức mà vẫn công tác trong cơ quan cũ, vẫn trong lĩnh vực chuyên môn cũ sẽ gây khó khăn cho người lãnh đạo mới trong thực hiện nhiệm vụ và tham mưu", đại biểu phân tích.

Đại biểu Trần Thị Hằng (Đoàn Quảng Ninh) cũng tán thành với phương án Chính phủ trình. Tuy nhiên, liên quan đến quy định về kỷ luật, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi quy định tại khoản 2 điều 82: "Quy định về cán bộ công chức bị kỷ luật khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời gian 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; hết thời hạn này, nếu cán bộ công chức không vi phạm tớ mức bị xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật."

Đại biểu cho rằng, quy định này mang tính nhân văn cao song có điểm chưa hợp lý, cần được sửa đổi. "Bởi lẽ, quy định này cần được căn cứ vào hành vi vi phạm kỷ luật là gì hay đối tượng vi phạm là ai, mức độ vi phạm đến đâu...;chứ quy định đồng loạt, cứ hết thời hạn 12 tháng lại được nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm là không được", đại biểu nói./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực