Ngày 01/02/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 142/QĐ-BTP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định của Quyết định số 1179/QĐ-BTP ngày 28/06/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và Quyết định số 996/QĐ-BTP ngày 09/06/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật; và Quyết định số 143/QĐ-BTP về giải thể Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời chuyển giao nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cho Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Theo các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, kể từ ngày 01/02/2024, sau khi giải thể Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật chính thức tiếp nhận nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: TL. |
Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai thực hiện trên cơ sở Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ, Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình 81) và Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 05/4/2023 phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” (Đề án 345).
Mục tiêu của Chương trình là hướng tới triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thiết thực Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, trên cơ sở kế thừa và phát huy kết quả của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình đã đề ra 03 nhóm mục tiêu chính: (i) Triển khai đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực; (ii) Định hướng cho các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các bộ, ngành, địa phương; (iii) Nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy sự tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật kịp thời nhằm phục vụ doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật./.