Có nên quy định tổ chức tôn giáo tham gia vào lĩnh vực giáo dục?

Thứ sáu, 09/09/2016 14:59
(ĐCSVN) - Thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sáng 8/9, nhiều đại biểu đã cho ý kiến về nội dung tổ chức tôn giáo tham gia vào lĩnh vực giáo dục.

Hội nghị  đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách Ảnh:KT

Báo cáo một số vấn đề về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Chủ nhiệm  Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, khi thảo luận tại Quốc hội khoá 13, các đại biểu đề nghị dự thảo Luật quy định cụ thể hơn về việc các tổ chức tôn giáo được thực hiện các hoạt động giáo dục để khả thi trong thực tiễn.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, việc tham gia thực hiện các hoạt động giáo dục của các tổ chức tôn giáo cần được thảo luận kỹ lưỡng hơn vì hiện nay vẫn còn hai loại ý kiến về vấn đề này. Đa số ý kiến nhất trí quan điểm cho phép các tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở giáo dục, thực hiện hoạt động giáo dục bình đẳng với các tổ chức xã hội khác. Khi thực hiện hoạt động này, các tổ chức tôn giáo phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giáo dục, không được truyền bá tôn giáo, tiến hành các nghi thức tôn giáo tại các cơ sở giáo dục. Các ý kiến cho rằng, pháp luật về giáo dục hiện hành chưa quy định tổ chức tôn giáo được thành lập nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, vì vậy dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo phải quy định rõ vấn đề này để khả thi trong thực tiễn.

Tuy nhiên, có một số ý kiến băn khoăn về việc cho phép các tổ chức tôn giáo tham gia sâu vào hoạt động giáo dục và truyền bá tôn giáo trong trường học. Do đó, đề nghị vấn đề thành lập cơ sở giáo dục, hoạt động giáo dục nên để pháp luật về giáo dục điều chỉnh, dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo không nên quy định rõ vấn đề này.

Thảo luận về vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng băn khoăn, có nên quy định vấn đề này trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo hay không?. Vì để bảo đảm bình đẳng thì các cơ sở tôn giáo thực hiện hoạt động giáo dục cũng hoạt động theo quy định của pháp luật về giáo dục.

Trong khi đó, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội), đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng từ thực tiễn đây là vấn đề cần thiết. Quan trọng là quy định như thế nào để các tổ chức tôn giáo tuân thủ các quy định của pháp luật về giáo dục, không để xảy ra tình trạng lợi dụng để truyền bá tín ngưỡng, tôn giáo trái luật.

Vấn đề khác được các đại biểu thảo luận là về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có yếu tố nước ngoài.

Về vấn đề này, khi thảo luận tại Quốc hội khoá 13, một số đại biểu đề nghị bổ sung các quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và quy định cụ thể hơn về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.

Cơ quan thẩm tra cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã dành một mục với 7 điều luật quy định về hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài và thiết kế một điều về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài trong chương quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó, người nước ngoài về cơ bản có quyền sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như công dân Việt Nam, kể cả việc theo học tại cơ sở đào tạo tôn giáo Việt Nam hay được tổ chức tôn giáo Việt Nam phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực