Hà Nội: Phấn đấu 70% hồ sơ thủ tục hành chính tư pháp được xử lý hoàn toàn trực tuyến

Thứ tư, 21/02/2024 10:15
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Theo Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 được Sở Tư pháp Hà Nội ban hành mới đây, thành phố sẽ phấn đấu 70% hồ sơ thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp được xử lý hoàn toàn trực tuyến; 100% thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và đủ điều kiện tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia.

Theo đó, việc cải cách hành chính (CCHC) của Sở Tư pháp gắn với thực hiện nghiêm túc chủ đề công tác năm 2024 của Thành phố là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá hiệu quả của công tác CCHC, chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước Thành phố. Các cơ quan, đơn vị cần quán triệt phương châm 5 dễ “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, giám sát” trong triển khai tổ chức thực hiện Kế hoạch.

Đặc biệt, thành phố phấn đấu thực hiện 100% số hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) được trả kết quả giải quyết đúng hạn, trước hạn. 100% các phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức về TTHC, quy định hành chính được tiếp nhận, xử lý và thông báo kết quả giải quyết kịp thời theo quy định. 100% các cuộc thanh tra, kiểm tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự hoặc có dấu hiệu tham nhũng phải được kiến nghị chuyển đến cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

 Ảnh minh họa. Nguồn: TL.

Về cải cách thể chế, Sở Tư pháp Hà Nội tham mưu Thành phố chỉ đạo tổ chức việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, đảm bảo tính khả thi, thống nhất đồng bộ, kịp thời, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật hiện hành. Thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động 100% các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Thực hiện chỉ tiêu 100% văn bản quy phạm pháp luật được thẩm định đúng tiến độ, chất lượng, góp ý đối với 100% văn bản, dự án luật do cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương soạn thảo gửi lấy ý kiến đảm bảo chất lượng, đúng thời hạn.

Về cải cách TTHC, phấn đấu 100% tỷ lệ TTHC lĩnh vực tư pháp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và đủ điều kiện tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia; 50% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực tư pháp được định danh và xác thực hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương; 70% tỷ lệ hồ sơ TTHC lĩnh vực tư pháp được xử lý hoàn toàn trực tuyến.

Rà soát đơn giản hoá TTHC, triển khai thực hiện có hiệu quả việc uỷ quyền giải quyết TTHC, nghiên cứu các mô hình sáng kiến trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện của Sở Tư pháp; phối hợp nghiên cứu các nội dung về tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC lĩnh vực tư pháp theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin. Thực hiện đúng, đủ, kịp thời quy định công bố, công khai TTHC trong các cơ quan, đơn vị thuộc Sở, khuyến khích mở rộng, công khai qua các kênh thông tin với nhiều hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật.

Cải cách tổ chức bộ máy, thực hiện việc hoàn thành việc kiện toàn, tổ chức bộ máy Sở Tư pháp theo quy định pháp luật và chỉ đạo của Thành phố.

Về cải cách chế độ công vụ, cử 100% công chức, viên chức Sở Tư pháp tham gia tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng số, kỹ năng, giao tiếp trên không gian mạng, qua kênh phản ảnh, kiến nghị trực tuyến, điện thoại, email. 30% công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu. 100% công chức, viên chức thuộc diện chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/09/2019 của Chính phủ phải được thực hiện nghiêm túc. 100% công chức, viên chức được rà soát, bố trí theo vị trí việc làm được UBND phê duyệt.

Đối với việc xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số: Phấn đấu tối thiểu 80% tài liệu lưu trữ tại Sở được tạo lập dưới dạng điện tử theo quy định; phấn đấu 100% hệ thống cơ sở dữ liệu tài liệu điện tử tại Sở thuộc nguồn nộp lưu và lưu trữ lịch sử Thành phố được tích hợp vào Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ điện tử tại Lưu trữ lịch sử Thành phố…/.

Mai Nga

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực