Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và môi trường

Thứ sáu, 05/01/2024 14:40
(ĐCSVN) - Theo báo cáo của Bộ TN&MT, năm 2023 bám sát chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn Ngành đã rất nỗ lực, quyết liệt trong giải quyết công việc, bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, của Ngành được nhịp nhàng, thông suốt, đặc biệt trong bối cảnh Bộ có sự thay đổi, chuyển giao lãnh đạo. Nhiều kết quả quan trọng đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và Nhân dân đánh giá cao.
 
Ảnh minh họa: Bích Liên 

Trong đó, nổi bật là toàn Ngành đã và đang tích cực tổ chức tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/06/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổ chức triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của ngành tài nguyên và môi trường.

Trên cơ sở tổng kết thi hành pháp luật, ngành Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được thảo luận, cho ý kiến và sẽ trình Quốc thông qua tại kỳ họp gần nhất. Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đang tiếp tục được hoàn thiện để bảo đảm trình Chính phủ trong tháng 02/20243.

Ngoài ra, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 nghị định, 03 quyết định, ban hành theo thẩm quyền 19 thông tư giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc đặt ra từ thực tiễn, rút ngắn thủ tục hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường kỷ cương trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật. Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát, đánh giá việc xây dựng, ban hành các văn bản theo thẩm quyền đảm bảo thống nhất của hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước.

Với tinh thần cầu thị, luôn hướng về địa phương, cơ sơ, Bộ đã chủ động cùng với các địa phương nắm bắt các vướng mắc trong thi hành pháp luật đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng, trình ban hành các văn bản: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2012/NĐ-CP ngày 15/5/2012 của Chính phủ quy định phương pháp định giá đất; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Ngoài ra, đồng thời với quá trình xây dựng dự án Luật đất đai (sửa đổi), Luật tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ đang chỉ đạo xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.

Tại địa phương, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường tạo lập hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống6.

Đối với công tác lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, Bộ đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ 08/08 quy hoạch cấp quốc gia7 (còn lại Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045), 10/15 quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành…Triển khai hiệu quả các hoạt động tiếp theo, ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục tiếp tục đặt trọng tâm năm 2024 là năm “Đoàn kết - kỷ cương, chủ động - linh hoạt, kịp thời – hiệu quả, phát triển – bứt phá” để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho tương lai bền vững.

Quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các chính sách. Bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời ứng phó với những vấn đề cấp bách phát sinh trong ngắn hạn, đồng thời thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ trong trung và dài hạn./.

KN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực