Hội LHPNVN góp ý một số vấn đề quan trọng sửa Luật Giáo dục

Thứ tư, 06/03/2019 16:19
(ĐCSVN)- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có ý kiến gửi Bộ GD&ĐT góp ý dự thảo Luật GD (sửa đổi). Trong đó, nội dung góp ý tập trung vào giáo dục hòa nhập với người học có hoàn cảnh đặc biệt; nhà giáo, cán bộ quản lý (CBQL) công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…
Ảnh minh họa. Nguồn: TL

Xác định rõ nhóm đối tượng tiếp cận với giáo dục hòa nhập

Về vấn đề GDHN đối với người học có hoàn cảnh đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị cụ thể Điều 14 của dự thảo Luật có tính nguyên tắc về giáo dục hòa nhập, để quy định Luật được đi vào cuộc sống, đảm bảo quyền lợi của các nhóm người học khác nhau, đặc biệt đáp ứng nhu cầu, khả năng tiếp cận GDHN của người học có hoàn cảnh đặc biệt. Cụ thể:

Thứ nhất, xác định rõ nhóm đối tượng tiếp cận với giáo dục hòa nhập: Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hay người học có hoàn cảnh đặc biệt.

Thứ hai, đề nghị nghiên cứu có các quy định cụ thể hỗ trợ cho các đối tượng này, từ việc đầu tư GD, cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên (GV), chương trình GD, phương pháp đào tạo, học phí nhằm “bảo đảm quyền học tập bình đẳng, chất lượng, phù hợp với đặc điểm của người học... ”, quy định tại Điều 14 của dự thảo Luật dựa trên các đặc thù của từng đối tượng người học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thứ ba, bên cạnh quy định về các loại trường chuyên biệt và cơ sở GD khác trong dự thảo Luật, đề nghị nghiên cứu để đồng bộ thống nhất với Luật Người khuyết tật trong các quy định khác của dự thảo Luật, nhằm đảm bảo giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật.

Tạo điều kiện tốt hơn cho cán bộ ngành GD công tác ở trường chuyên biệt

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đề nghị bổ sung chính sách đối với CBQL GD ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn, bởi lẽ:

Hiện nay, theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP về chính sách đối với GV, CBQL GD công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn và Nghị định số 19/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP, đối tượng áp dụng gồm cả GV và CBQL GD ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Thực tế cho thấy, chính sách này đã thu hút, tạo điều kiện tốt hơn, góp phần động viên, khuyến khích cho cán bộ ngành GD công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đồng thời đề nghị bổ sung nguyên tắc bảo đảm việc xây dựng chính sách đối với GV, CBQL GD ở trường chuyên biệt, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn dựa trên các yếu tố đặc thù giới, bởi lẽ:

Nghị định số 61/2006/NĐ-CP và Nghi định số 16/2010/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn đã tính đến yếu tố giới trong quy định về thời gian công tác và hưởng trợ cấp. Điều này rất phù hợp với đặc thù mỗi giới khi công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, ngoài thời gian, nhiều nhu cầu khác của nam và nữ rất khác biệt như có nhu cầu nước sạch, nước ngọt...

Mặt khác, Chính phủ đang xây dựng Nghị định mới về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác vùng có điều kiện, KT-XH đặc biệt khó khăn nhằm thay thế tất cả các nghị định có liên quan đến chính sách này. Do vậy, việc quy định nguyên tắc trong Luật là rất quan trọng để khi Chính phủ ban hành các chính sách cụ thể đảm bảo bình đẳng giới thực chất, thu hút được cán bộ, GV tới công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn./.

Việt Long

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực